Nghe bài viết
|
Việc hộ
Những ai có quyền được đi kiện.
Chỉ có ai có việc gì quan hệ tới mình mới có quyền đi kiện, hoặc ủy quyền cho người khác kiện thay, trừ khi đơn kiện thuộc về thiết kỷ của trẻ con, cha mẹ đã chết rồi mới do người thân thuộc gần nhất đầu đơn kiện.
Cách thức làm đơn.
Đơn phải viết vào giấy tín chỉ hoặc giấy thường dán tem 0$15. Trong đơn phải kê rõ họ tên, tuổi, chức nghiệp, đẻ ở đâu, ngụ ở đâu kêu về việc gì, thỉnh cầu làm sao, phải biên rõ cả họ tên, chỗ ở của người mình kiện.
Có đính theo những giấy má gì vào đơn cũng phải viết ra.
Đơn phải ký tên , nếu không biết ký thì điểm chỉ, nhưng phải có Lý trưởng hay Trưởng phố ký tên và áp triện thị thực.
Nộp đơn ở đâu.
Đơn làm xong phải biết tòa nào có thể nhận đơn của mình được, rồi hoặc là thân hành đưa đến, hoặc là gửi nhà giây thép hay đưa cho người nhà mang nộp cũng được.
- Kiện về bất động sản thì tòa án chỗ có vật bất động sản ấy mới có quyền sử.
Thí dụ. Mình ở Lạng sơn muốn kiện về một thửa ruộng ở Nam định, đơn phải gửi về Nam định vì chỉ có toà án Nam định mới có quyền sử các việc về ruộng đất ở Nam định.
- Nếu những vật bds ấy ở dải giác nhiều nơi mình có thể gửi đơn đến một tòa trong các nơi ấy.
Thí dụ. Những ruộng đất mình kiện ở các tỉnh Kiến an, Thái bình, Hưng yên thì có thể gửi đơn đến một tòa án trong ba tỉnh ấy tùy mình kén chọn.
- Kiện về động sản (đồ đạc) hoặc là tiền nong, đơn phải nộp ở nơi trú quán người bị kiện.
Thí dụ. Tên X ở Bắc gian có vay tiền mình, bây giờ tên ấy lại cư trú ở Bắc ninh, vậy muốn thưa kiện hắn đơn phải gửi về Bắc ninh.
- Nếu việc tranh kiện gồm có cả động sản và bất động sản bên nguyên có thể gửi đơn đến nơi cư trú của người bị kiện hay là nơi có bất động sản ấy cũng được.
Bổn phận người nguyên cáo.
Người nguyên cáo đã trình đơn kiện rồi phải đợi lệnh quan Thẩm phán đòi . Khi đã nhận được truyền phiếu đòi (trong truyền phiếu đã hẹn ngày giờ cho mình đến hầu thì đúng ngày giờ ấy phải đến tòa ứng hầu, nếu không đi được phải ủy người thay mặt ( giấy ủy quyền thay mặt phải có chữ ký và áp triện của Lý phó trưởng nhận thực) và phải nói rõ vì cớ gì mà mình không đến được. Nếu không đến hầu lạu cũng không trình báo gì thì sẽ bị phạt 3$. Bao giờ nộp phạt rồi thì tòa mới lại xét xử việc cho mình. Việc phạt 3$ này không được kháng cáo (chống án).
Bổn phận người bị cáo.
Người bị cáo khi nhận được lịnh đòi, đúng hẹn phải đến hầu, nếu không đến hầu lại cũng không có cớ gì hợp lẽ vì sao mình không đến được, hoặc không có người thay mặt đúng phép thì có thể bị xử khuyết tịch, nghĩa là tòa cứ theo lời nguyên đơn mà sử, như thế tất là mình bị thua kiện.
Bổn phận người chứng.
Người chứng khi nhận được giấy đòi nếu không có cớ gì hợp lẽ mà tự ý không đến hầu thì cũng có thể bắt ép phải đến và lại có thể bị phạt giam từ 1 ngày đến 5 ngày và phạt bạc từ 1$ đến 5$ hay là hai thứ, chỉ phạt một, án xử phạt tiền này cũng không được kháng cáo. Đã là người chứng thì phải lấy sự công bằng làm gốc, tai nghe làm sao, mắt thấy thế nào, phải khai chi đúng, nếu tây vị khai liều, sau xét ra là giả chứng thì tòa án sẽ xét sự giả chứng ấy theo tình trạng việc thưa kiện nặng nhẹ thế nào mà nghĩ sử, phạt từ 6 tháng đến 5 năm tù vf từ 20$ đến 200$ .
Phụ cấp người chứng.
Phàm là người chứng đã ra khai ở Tòa thì đều được tiền phụ cấp mỗi ngày là 0$30 nhưng nếu có xin thì mới được, ngoài số tiền ấy ra lại được tiền lộ phí, về 10 cây số đầu được 0$30, còn về cứ sau 10 cây số được 0$20.
Việc hòa giải.
Các việc dân, thương sự tố tụng thường bao giờ đơn kiện đến, trước khi xét xử, các quan Thẩm phán vẫn lấy lời lẽ phải trái, khuyên bảo hai bên nên hòa giải với nhau. Nếu sự hòa giải không thành, bấy giờ mới đương đường hỏi cung từng người để xét xử và kết án mà thôi.
Vậy mỗi khi ta có việc đến tòa án ta nên châm chước nhường nhịn nhau mỗi người một tí, tuân lệnh trên mà hòa hữu với nhau song tất quan tòa phải xét hỏi đôi bên, thành việc cứ kéo giài ra, thì không những chưa biết sau này được thua thế nào nhưng tiên tương hẵng mất tiền phí tổn và mất cả thì giờ nữa. Nếu việc phải đưa lên tòa đệ nhị cấp bên nguyên đơn lại còn phải nộp trước tiền bát chỉ 5$ thì tòa mới xét việc cho.
Hiệu lực của sự hòa giải.
Hai bên nguyên bị đã cùng nhau hòa giải thì những nhời đã đoan với nhau đều ghi cả vào tờ biên bản rồi hai bên cùng Quan thẩm phán ký tên vào đấy. Tuy tờ biên bản hòa giải ấy không phải là một bản án nhưng cũng rất quan trọng cho hai bên, vì nếu bên nào trái lời đã đoan ước với nhau ở trong biên bản thì bên ấy sẽ có lỗi mà bên kia sẽ có thể lấy cớ ấy mà tục khiếu được, mà đã tục khiếu tất bên không y lời ước sẽ bị thua kiện.
Kháng án về án khuyết tịch.
Người bị cáo vì vắng mặt nên bị tòa kết án khuyết tịch thì có quyền kháng án ấy, nghĩa là xin Tòa sử lại việc cho. Kháng án hạn trong 20 ngày, kể từ ngày mình nhận được giấy tống đạt. Khi tòa đã chấp đơn kháng án của mình thì việc kiện sẽ sử lại, nếu lần này mình cũng không ra tòa hầu và cũng không có chứng cớ gì để tỏ ra mình vì trở ngại mà không đến được thì tòa sẽ xử như là án đương tịch.
Việc kiện ấy tòa sử ra sao mình cũng không có quyền được kháng án nữa.
Đơn kháng án nộp ở tòa đã sử việc mình, hoặc là đến phòng lục sự tòa ấy nói miệng hay ký giấy kháng án cũng được. Kháng án phải ký 3$ lệ phí.
Chống án. (Kháng cáo).
Nguyên đơn hay bị cáo đều có quyền được chống án nhưng chỉ được chống về những việc kê sau này, còn ngoài ra thì không được:
- Những việc kiện về động sản mà giá nghạch tới 100$ hay trên 100$.
- Các việc kiện về bđs mà giá nghạch quá 30$.
- Các việc kiện mà không định giá nghạch được.
- Các việc kiện mà mình bị các tòa dưới xử khuyết tịch trong hạn 20 ngày mình không kháng án, nhưng phải nhớ rằng hết hạn 20 ngày kể từ ngày tống đạt án khuyết tịch rồi thì sự chống án của mình mới có thể thụ lý được.
Cách thức chống án.
Muốn chống án phải đến phòng Lục sự ở tòa đã xử việc mình, khai miệng hoặc khai vào tờ giấy với quan Thẩm phán hay viên Lục sự cũng được.
Người đương sự phải dự ký 5$ tại phòng lục sự để phòng làm tiền phạt và tiền bút chỉ.
Hạn chống án.
Hạn chống án định là 15 ngày tính như sau này: nếu là án đương tịch thì tính từ ngày kết án; Nếu là án đương tịch mà khi kết án vắng mặt người đương sự thì kể bắt đầu từ ngày nhận được giấy tống đạt.
Nếu là án khuyết tịch thì tính từ ngày hết hạn kháng án.
Xin thôi kiện.
Đơn kiện đã nộp rồi nhưng hai bên lại dàn sếp với nhau được ổn thoản thì dẫu đương lúc xét xử cũng có thể xin rút đơn thôi không kiện nữa. Xin rút đơn, phải thân hành đến nói với quan tòa, nếu không, phải làm đơn gửi đến. Đơn này cũng như đơn kiện, không biết viết thì nhờ người viết, nhưng phải có Lý trưởng hay trưởng phố nhận thực mấy có giá trị và người viết hộ đơn phải ký rõ tên và chỗ ở của mình vào đơn ấy để tòa có thể biết được là đơn nhờ người viết.
Đã rút đơn ra thì từ đấy trở về sau không được kiện về việc ấy nữa. Tiền phí tổn bên nguyên đơn phải chịu cả.
Xin thủ tiêu nguyên án.
Những việc mà tòa án Sơ cấp hay tòa án Đệ nhị cấp đã chung thẩm thì không được kháng cáo ( chống án) mà chỉ có thể xin thủ tiêu nguyên án được thôi. (Tòa sơ cấp chung thẩm những tạp tụng về dân, thương sự thuộc động sản giá nghạch không quá 30$; tòa Đệ nhị cấp chung thẩm những việc kiện về bđs trị giá không quá 30$ và những việc kiện về dân, thương sự thuộc về động sản mà giá nghạch không tới hoặc không quá 100$.
Tuy vậy muốn xin thủ tiêu cũng phải có duyên cớ sau này mới được.
- Lạm quyền
- Vượt quyền
- Trái luật
Đơn phải đệ lên quan Thẩm phán tòa nguyên thẩm (tòa đã sử án mình) phải khai rõ ràng những gì là lạm quyền, là vượt quyền, là trái luật. Khi nhận đơn viên Lục sự sẽ cấp cho mình một cái biên lai. Nộp đơn xong phải dự ký 30$ bạc phạt. Không nộp số tiền này thì không được quyền xin thủ tiêu.
Nếu đơn xin thủ tiêu bị bác thì sẽ phải mất số tiền dự ký và có khi lại phải bồi thường cho người bị hại nữa.
Hạn xin thủ tiêu nguyên án. Hạn nộp đơn thủ tiêu định là 10 ngày và tính theo lối xin chống án.
Thu hồi nguyên án.
Những án đương tịch của các Tòa Nam án sử chung thẩm, những án khuyết tịch của các tòa Sơ cấp, những án sử chung thẩm của các tòa Đệ nhị cấp mà mình không được kháng cáo thì mình có thể xin thu hồi nguyên án vì những cớ sau này:
- Khi kết án hay là trước khi kết án sử trái với luật đã định.
- Khi nào sử những việc mà hai bên không thỉnh cầu.
- Khi nào sử quá những nhời mà hai bên nguyên, bị thỉnh cầu.
- Khi nào sử bỏ quên một điều thỉnh cầu.
- Khi nào cùng một tòa sử hai cái án trái nhau mà cùng đương sự ấy, cùng lời thỉnh cầu ấy.
- Khi nào trong một án mà hai chỗ thẩm khác nhau.
- Khi nào tòa đã sử theo các giấy má mà sau này người đương sự cho là giả mạo, hoặc tòa xét thấy giả mạo.
- Khi nào đã kết án rồi lại tìm được giấy má do người đương sự dấu đi, nay tòa xét ra giấy ấy có quan hệ về sự giải quyết án.
NNhững người vị thành đinh, những thôn, xã khi bị kiện mà lúc xử án không được ra chống cãi thì cũng được xin thu hồi nguyên án.
Hạn xin thu hồi nguyên án.
Hạn xin thu hồi là một tháng kể như sau này:
- Nếu là án đương tịch mà khi kết án có mặt người đương sự thì tính bắt đầu từ ngày kết án.
- Nếu là án đương tịch mà khi kết án vắng mặt người đương sự thì tính từ ngày nhận được giấy tống đạt.
- Nếu là án khuyết tịch thì tính từ ngày hết hạn kháng án.
- Nếu thuộc về các trường hợp trong số 7, số 8 kể trên cũng được hạn một tháng kể từ ngày tìm được các giấy má giả mạo hay cần thiết ấy, nhưng phải có giấy má gì chứng thực ngày tìm thấy giấy má ấy mới được.
- Đối với người vị thành đinh cũng hạn một tháng tính từ ngày nhận được giấy tống đạt.
Đơn xin thu hồi nguyên án.
Đơn xin thu hồi, cách thức cũng làm như lúc khởi kiện và nên nhớ rằng đơn phải đệ đến nơi tòa đã xử việc mình.
Xin thu hồi cũng phải dự ký số bạc theo nhu cách thức đã kể ở mục thủ tiêu nguyên án, nghĩa là dự ký 30$ tiền phạt.
Chức trách Tổng lý[1] về việc đòi gọi các người đương sự.
Mỗi khi đòi gọi các người đương sự (nguyên, bị cáo và chứng) thì tòa án thường làm truyền phiếu. Truyền phiếu ấy có hai bản là bản chính và bản sao. Khi tòa án giao cho mình thi hành phải lập tức đem hai bản ấy đến tận nhà những người đương sự bảo cho họ ký vào bản chính, rồi theo như kiểu mẫu sau này biên vào sau phiếu đệ trả lại tòa án, còn bản sao đưa cho những người đương sự giữ để đến hạn cầm phiếu ấy lên Tòa hầu.
Người bị đòi đi vắng.
Khi gặp trường hợp này phải giao truyền phiếu cho người thân thuộc người bị đòi, nếu người ấy không nhận thì phải đem bản sao gián ở nhà hương hội hay ở chỗ nào có nhiều người qua lại trông thấy, như là ở chợ vv… rồi lập biên bản đệ trình cùng bản chính lên quan Thẩm Phán.
Nếu người đương sự đi vắng, mà người thân thuộc người bị đòi ấy lại không chịu nhận truyền phiếu (bản sao) để giao hộ thì sẽ bị truy tố về Hình sự, nghĩa là phải phạt theo luật vi cảnh từ 0$20 đến 6$ hay phạt giam từ một ngày đến 5 ngày; nếu lại phạm tội vũ mặn hay phương ngại công chức hoặc hành hung thì lại bị phạt nặng hơn nữa.
Tổng lý đối với sự hòa giải.
Tổng lý đều có cái chức trách phải hiển bảo cho dân biết những quyền lợi và những nghĩa vụ của họ. Nếu thấy ở trong dân mình có sự kiện tụng lẫn nhau về Dân Thương sự thì các Chánh, phó tổng hay các hương chức có quyền được dẫn dụ cho họ hòa hữu với nhau và được phép làm biên bản về việc giải hòa ấy. Nếu người hương chức[2] làm biên bản sử hòa không phải là lý trưởng thì biên bản ấy sẽ do Lý trưởng nhận thực. Nếu sự giải hòa do Lý trưởng đứng làm thì Lý trưởng sẽ kiểm triện dưới chỗ ký tên để nhận thực.
Biên bản giải hòa.
Biên bản giải hòa làm ra hai bản: một bản để ở văn khố hàng tổng hoặc ở hàng xã còn một bản gửi lên quan Thẩm phán tòa Sơ cấp bản hạt để tòa ấy chiểu nguyên văn chép ngay vào sổ dùng vào việc ấy.
Kkhi đã đăng ký rồi thì tờ hòa giải ấy tức là một cái chứng thư về việc kiện của hai bên. Nguyên bản tờ hòa giải thì giữ ở trong văn khố tòa án.
Xin thi hành án văn.
Muốn thi hành án văn thì sau khi hết hạn chống án (15 ngày) bên được kiện phải đến phòng Lục sự xin bản trích lục án để đem thi hành. Lấy được trích lục rồi phải đem trình với Thừa phát lại[3], hay là Lý , phố trưởng trong xã, trong phố mình, các viên chức ấy sẽ liệu việc mà thi hành.
Thừa phát lại.
Thừa phát lại là những người chuyên về sự lục tống hoặc tống đạt các công văn và thi hành các bản án mà tòa đã sử; ở thôn xã nào không có thừa phát lại thì Lý trưởng hay trưởng phố ở đấy đứng chuyên biện.
Thi hành án văn.
Thi hành án văn là một việc rất khó, vì trong khi chấp hành thường sẩy ra lắm sự ngăn trở, thí dụ như:
- Người bị nợ làm khó khăn không nhận trích lục án văn.
- Kkhi tịch biên chủ nhà đóng cửa lại hoặc tẩu những đồ vật đi
- Những đồ vật sai áp không đáng giá 5$
- Người bị nợ xin chống án
- Người mắc nợ tình nguyện xin trả nợ
- Hai bên chủ nợ và mắc nợ điều đình tạm hoãn thủ tục.
- Người chủ nợ xin nhận mua các đồ tịch biên.
- Các đồ tịch biên bị mất.
- Xin trích xuất các đồ sai áp.
- Giá định không ai mua.
- Số tiền bán không đủ trả nợ.
- Người mắc nợ không chịu chứng kiến sự phát mại.
- Đương phát mại giở dang mà số tiền đã đủ thanh khoản các món.
- Không có tiền cũng đến đấu giá.
Vậy mỗi lúc xảy ra những việc như thế, Thừa phát lại lập tức lấy người chứng kiến, lập biên bản, đình hoãn việc chấp hành lại rồi phải trình quan Sở tại[4] biết ngay và nếu không hiểu việc làm ra sao thì phải đến phòng Lục sự hỏi cách thức mà làm, mới tránh khỏi được sự sai nhầm.
Công việc chấp chiểu án thế là thành, thừa phát lại chỉ việc soạn lại các giấy má (bản sao) về việc chấp hành ấy với các biên nhận ký vào thành một tập rồi làm tờ bẩm đệ lên Quan thẩm phán Cao lộc trình là việc ấy đã chu tất cả rồi mà thôi.
Việc chấp hành án nói đây chỉ là một việc phát mại động sản mà một mình Thừa phát lại có thể tự làm được, chứ còn việc phát mại bất động sản lại làm một cách khác, nghĩa là việc phát mại ấy sẽ do quan Thẩm phán đứng làm, Thừa phát lại chỉ là một người thừa hành thôi và cái hạn định ngày phát mại cũng khác như là:
- Việc phát mại động sản thì chỉ truyền lệnh hạn có ba ngày phải lo trả, nếu không sẽ phải tịch biên và kỳ hạn làm tịch biên thì được nội trong 30 ngày phải làm, nếu để quá hạn, lại phải làm sự tống đạt khác mà lệ phí chủ nợ phải chịu.
- Phát mại hoa lợi hạn chỉ một ngày mà thôi.
- Phát mại bất động sản thì lại hạn những 10 ngày và sự sai áp lại phải làm trong 20 ngày, nếu quá hạn không làm cũng phải làm truyền lệnh lại.
Những đồ không được sai áp.
- Y phục của người bị sai áp đương mặc trong mình.
- Khí cụ của thợ thuyền để làm việc về thủ công.
- Vật liệu của người bị sai áp cần cho mình và cho gia quyến dùng trong một tháng.
- Chăn, giường, gối, đệm của người bị sai áp và gia quyến người ấy dùng.
- Tài sản cùng đồ dùng làm hương hỏa, để phụng thờ và phần dưỡng lão của người bị sai áp mà phần dưỡng lão ấy thì tính bằng một phần chia của người con.
Nếu muốn sai áp tiền lương để trừ nợ thì: những người lương hàng năm 800$ đồng trở xuống thì chỉ được trừ trong số một phần mười.
Những người lương hằng năm được trên 800$ đồng thì trừ như sau này;
400$ đồng đầu tiên được trừ 1/5.
Còn lại thì từ 400 đồng lên đến 2000 đồng được trừ ¼.
Từ 2000 đồng đến vô hạn lượng được trừ 1/3.
sự sai áp cứ chiểu tính như thế cho đến khi trả hết nợ.
Sai áp hoa lợi.
Không được sai áp phần hoa lợi cần dùng để cấp dưỡng cho người bị sai áp và gia quyến người ấy trong một tháng và số hoa lợi cần dùng để ươm giống mùa sau ở chỗ đất bị sai áp hoa lợi.
Câu thúc thân thể.
Câu thúc thân thể nghĩa là bỏ tù nợ nhưng không phải hễ ai không trả được nợ mình là có thể bỏ tù được đâu. Trước hết mình phải xin tịch biên tài sản người ấy, nếu không đủ và xét ra thực là người bị nợ có bụng xấu không muốn trả thì phải xin ngay quan Thẩm phán , khi đăng đường việc nợ ấy cho mình được phép câu thúc thân thể kẻ mắc nợ. Quan thẩm phán xét thực quả người mắc nợ có lập tâm chối sẽ cho đăng vào án văn để mình được phép chấp hành, nếu án văn ấy không chua rõ cho phép câu thúc thân thể thì mình chỉ được phép tịch biên tài sản kẻ mắc nợ mà thôi.
Thời hạn câu thúc thân thể sẽ chiểu theo số nợ nhiều hay ít.
Những người mắc nợ không bị câu thúc thân thể.
Tuy án văn cho phép câu thúc thân thể kẻ mắc nợ mặc lòng, xong gặp phải trường hợp sau này người mắc nợ cũng có thể xin quan Thẩm phán tha cho mình sự chấp hành ấy.
- Những người vị thành niên chưa có nghề nghiệp.
- Những người già trên 60 tuổi.
- Đàn bà con gái không có công nhiên[5] thương mại.
- Người vợ hóa và con người nợ đã chết.
- Những người thân thuộc của người chủ nợ như là vợ hay chồng, tôn thuộc, ti thuộc, anh em, chị em ruột, chú bác cô cậu, tổ bá tổ thúc, tổ cô, tổ cậu và cháu giai cháu gái, chắt gái, cùng thân đăng thích thuộc.
- Không được câu thúc cả hai vợ chồng người bị nợ trong một lúc tuy rằng hai món nợ khác nhau mặc lòng.
Người mắc nợ xin hoãn ngày câu thúc thân thể. Nếu người có nợ bị ốm đau. Con còn thơ ấu, hoặc là mình vẫn muốn trả nợ, nhưng vì sự bất đắc dĩ mà không trả được thì có thể xin đình hoãn sự câu thúc thân thể trong một thời hạn ít lâu. Hạn ấy không được quá 6 tháng nhưng về sau khi hết hạn ấy, người mắc nợ lại có thể xin triển hoãn thêm nữa.
Muốn bỏ tù người mắc nợ phải làm thế nào.
Muốn bỏ tù người xấu bụng không muốn trả nợ mình trước hết phải giao trích lục án và đơn yêu cầu cho Thừa phát lại, lại phải nộp trước tiền cơm cho người bị giam ăn trong hạn câu thúc, nếu không thì không thể bỏ tù người ta được.
Thừa phát lại cũng phải tống đạt trích lục ấy cho đích thân người mắc nợ và truyền lệnh cho người ấy trong hạn 3 hôm phải lo trả. Mãn hạn ấy mới được bộ tróc người ta. Khi bộ tróc cũng phải làm biên bản đại khái như mẫu sau này.
[1] Chánh-tổng [Khu-vực hành-chính gồm có nhiều xã] và lý-trưởng ở Trung và Bắc-Việt hồi xưa
[2] Chức dịch trong làng
[3] Công chức chuyên việc chuyển-đạt mệnh-lệnh của toà thi-hành các bản án.
[4] ở chỗ ấy: Quan sở-tại. Dân sở-tại.
[5] Rõ-ràng