Tương giao phụ tử
Các vấn đề cũng được đặt ra theo những điểm sau: Phải chăng người cha có quyền hạn tuyệt đối, và người con phải luôn luôn vâng lời; phải chăng bệnh nhân phải tuân theo thầy thuốc? Hay trong một cuộc bầu chọn ra vị tướng quân, phải chăng chỉ cần xem xét các phẩm chất chiến tranh của các ứng cử viên mà thôi? Tương tự như vậy, ta nên lựa chọn giúp đỡ một người bạn của mình hay một người tốt? Liệu ta nên lựa chọn đền đáp một người giúp đỡ mình, hay trao thêm cho bạn của ta, nếu ta không đủ khả năng để làm cả hai? [1165a] Không dễ để quyết định tất cả những vấn đề ấy một cách chính xác, đúng không nào? Bởi chúng bao hàm mọi loại khác biệt, về mức độ, về cao quý, và về sự cần thiết? Hiển nhiên là không một ai có thể xứng đáng nhận mọi ơn huệ về bản thân mình. Ngoài ra, việc đền đáp ân huệ, nhìn chung, là nhiệm vụ cao cả hơn so với làm những việc tốt cho bạn đồng hành của mình dù chẳng được yêu cầu; nói cách khác, việc buộc phải làm là trả món nợ cho người đã giúp ta, chứ không phải đưa cho bạn đồng hành của ta. Tuy nhiên quy tắc này cũng có những ngoại lệ, chẳng hạn, nếu bạn từng được cứu chuộc khỏi toán cướp, nhiệm vụ nào cao cả hơn: bạn giúp đỡ cho người đã trả tiền chuộc mình, bất kể anh ta là ai, đưa cho anh ta những gì anh ta yêu cầu, dù cho anh ta không nằm trong tay toán cướp, hay bạn sẽ chuộc cha mình? Có vẻ như người ta nên cứu cha mình, bất chấp ưu tiên của bản thân. Vậy thì, như tôi đã nói lúc trước, theo quy tắc chung, nợ nên được trả, nhưng trong trường hợp cụ thể, nếu phần cho đi có sức nặng quá lớn về sự cao quý lẫn cần thiết, chúng ta sẽ bị ràng buộc bởi những cân nhắc này: Nghĩa là, trong một số trường hợp, việc hồi đáp lại tương xứng với thứ mình nhận có thể cũng không công bằng, chẳng hạn, khi ai đó giúp đỡ một người nọ mà anh ta cho là người tốt, người tốt kia phải đáp lại sự giúp đỡ ấy trong khi vẫn nghĩ đối phương là người xấu. Và ngoài ra, trong những trường hợp cụ thể, người ta không bắt buộc phải báo ơn đáp nghĩa. Chẳng hạn, một người xấu cho một người tốt vay mượn với dự tính rằng người tốt kia sẽ có vay có trả, trong khi người tốt không có hy vọng gì được đền đáp từ người xấu. Nếu sự tình đúng như chúng ta đã nghĩ, sự đòi hỏi đó là không công bằng, hoặc ngay cả khi sự tình không phải như vậy đi nữa, nhưng người ta nghĩ rằng nó như vậy, cũng không có gì lạ khi người ta làm thế. Nói ngắn gọn, như tôi đôi lần từng nhắc tới từ trước, tất cả những lập luận về xúc cảm và hành động chỉ có thể được định rõ khi đối tượng của nó được định rõ. Hiển nhiên là không nên đền đáp tất cả mọi người ở mức ngang nhau, cũng không nên để quyền hạn tuyệt đối vào cha mình; cũng đừng nên dâng hiến mọi thứ cho Zeus: và bởi những đòi hỏi từ cha mẹ, anh em, bạn hữu và ân nhân đều rất khác biệt, ta phải trao cho mỗi người thứ thuộc về họ, phù hợp với họ. Và đó là cách thức xử sự thường được truy cầu: người ta thường mời họ hàng thân thích đến dự lễ cưới, vì đó là người cùng chung dòng dõi, nên họ cũng liên quan tới sự kiện này, việc họ nghĩ rằng họ hàng thân thích nên có mặt ở lễ tang người nhà cũng xuất phát từ cùng một lý do như vậy. Có vẻ như về mặt cưu mang cấp dưỡng, chúng ta có trách nhiệm phải hỗ trợ cha mẹ mình, ưu tiên họ hơn tất cả mọi người khác, bởi ta mắc nợ họ, và bởi việc hỗ trợ cho đấng sinh thành còn cao cả hơn cho chính bản thân. Ta nên dành cho cha mẹ lòng tôn kính như ta đã dành cho các vị thần, nhưng sau cùng, không phải dâng tất cả lòng sùng kính: chúng không giống hệt nhau, chẳng hạn, ta không nên tôn kính cha bằng cùng lòng tôn kính dành cho mẹ; cũng không nên dành cho cha lòng tôn kính đã dành cho nhà thông thái hay một vị tướng quân, hãy tôn kính cha như một người cha, và tôn kính mẹ như một người mẹ. Với tất cả những người lớn tuổi hơn, chúng ta cũng nên dành sự tôn kính phù hợp với tuổi tác của họ, bằng cách đứng dậy khi họ xuất hiện, tránh khỏi đường đi của họ, và những dấu hiệu tôn trọng tương tự: với bạn đồng hành và những người anh em, ta nên chân thật và chia sẻ cho họ mọi thứ ta có. Với họ hàng, đồng bào hay người cùng thành phố và cả các mối quan hệ tương tự, ta cần luôn hồi đáp lại những điều họ đáng được nhận, phân xử những yêu cầu của mỗi bên tùy theo mức độ gần gũi của mối quan hệ, phẩm hạnh và tình thân: dĩ nhiên việc ấy sẽ dễ dàng hơn nếu họ là những người cùng tầng lớp, với những người từ những tầng lớp khác nhau, việc ấy sẽ khó khăn hơn. Tuy vậy, đó chẳng thể là lý do khiến ta từ bỏ nỗ lực, ngược lại ta phải nắm được sự phân biệt ở mức nhiều nhất mình có thể.
(Còn tiếp)