Sự tương xứng trong tương giao

Vâng, trong tất cả Tương Giao mà các bên có khác biệt, chính sự tương xứng đã giúp duy trì bình đẳng và gìn giữ mối tương giao, như tôi đã nói trước đây: ý tôi là, trong Xã Giao, những người thợ đóng giày, chẳng hạn, nhận lại về mình một khoản tương xứng với một tỷ lệ nhất định đôi giày; người thợ dệt và tất cả mọi người khác cũng vậy. Trong trường hợp này, cách đo lường phổ biến đã được sử dụng dựa trên đồng tiền, và theo đó, tất cả mọi thứ đều liên quan tới tiền bạc, và đều được đo lường bằng tiền bạc: nhưng trong Tình Ái, đôi khi người yêu than vãn rằng dù anh ta yêu thương quá đỗi, nhưng tình yêu ấy lại chẳng được đáp lại; có lẽ bởi anh chẳng có gì; còn người được yêu thì đôi khi than rằng đối phương đã thề non hẹn biển nhưng lại chẳng làm gì. Trường hợp này xảy ra bởi tình cảm của người yêu là dựa trên niềm vui thú, còn tình cảm theo hướng ngược lại thì dựa trên lợi ích, và cả hai đều không có được điều mình kiếm tìm; mà đó lại là những cơ sở của Tương Giao, nên mối Tương Giao đó sẽ đi đến đổ vỡ bởi những duyên cớ tạo thành nó không tồn tại: đôi bên không yêu nhau, mà yêu những phẩm chất có ở nhau, thứ không hề vững bền, và bởi thế Tương Giao này cũng chẳng thể vững bền: nhưng ngược lại, Tương Giao dựa trên phẩm chất đạo đức của mỗi bên là độc lập và vô tư, nên nó sẽ bền vững, như chúng ta đã nói. Những rầy la cãi vã sẽ xảy ra khi thứ họ nhận về không phải điều họ mong đợi; bởi trong trường hợp này, không có được thứ đã nhắm tới từ trước tức là chẳng có được gì cả: một trường hợp phổ biến là, một người hứa với nhạc công rằng càng chơi hay thì sẽ càng nhận được nhiều hơn; nhưng sáng hôm sau, khi người nhạc công hỏi đến lời hứa hôm trước, anh ta lại đáp rằng anh chỉ cho đi vui thú để nhận về vui thú: dĩ nhiên, nếu đó là điều cả hai cùng muốn thì mọi chuyện đã ổn thỏa. Nhưng nếu một người muốn tiêu khiển, còn người kia muốn lợi ích, một người có được điều mình muốn, còn người kia thì không, tương giao ấy không công bằng: bởi người ta sẽ chú tâm vào điều mình muốn, và chỉ vì điều đặc biệt đó nên mới trao đi thứ mình có vào tay người khác. Câu hỏi đặt ra là, ai là người ấn định tỷ lệ? Người ban đầu cho, hay người ban đầu nhận sẽ ấn định tỷ lệ? Bởi, thoạt nhìn thì người đầu tiên cho đi có vẻ như đã nhường quyền ấn định tỷ lệ vào tay đối phương. Cách ấy, như họ nói, thực ra Protagoras67 đã dùng: khi dạy người khác một điều gì đó, ông sẽ yêu cầu người học ước tính giá trị của tri thức vừa học, tùy theo quan điểm cá nhân của anh ta, rồi ông dựa trên ước tính ấy để thu về đúng chừng ấy cho bản thân mình từ anh ta. Trong những trường hợp như vậy, vài người sẽ dùng quy tắc, “Bằng đáp trả cụ thể thì một bạn hữu có thể thỏa lòng.” Người nhận tiền trước nhưng lại không làm đúng theo thỏa ước rõ ràng đã sai, lời hứa ấy vượt quá sức họ; bởi họ đã không làm những gì họ nói, tuy nhiên, dường như những Sophist68 buộc phải đi theo đường lối này, vì chẳng ai bỏ ra xu nào cho tri thức của họ cả. Và tôi cho rằng họ rõ ràng sai trái, bởi họ nhận tiền để làm việc này, nhưng rồi lại làm việc khác. [1164b] Trong các trường hợp không có điều kiện nào trong việc giúp đỡ lẫn nhau, người đầu tiên vô tư mở lòng giúp đỡ sẽ không đặt ra câu hỏi (như ta đã nói từ trước), bởi đó là bản chất của Tương Giao, dựa trên lòng tốt qua lại làm hệ quy chiếu tới ý định của người khác, ý định này chính là đặc điểm của một người bạn thực sự và điều tốt. Và có vẻ quy tắc ấy nên được được đặt ra với những người cùng đồng hành trong việc dạy và học triết học; bởi ở đây giá trị trao đổi không thể được đong đếm bằng tiền bạc, và thực tế, không thể đặt ra một mức giá ngang bằng chính xác được, nhưng dường như mức đủ là cho hết đi những gì ta có thể, như thần linh và cha mẹ ta vậy. Nhưng nếu người ban đầu cho đi không giống như thế, mà họ mong chờ đền đáp, có lẽ cách cư xử đúng đắn nhất là hãy trả lại họ sao cho tương xứng; còn nếu không thể trả lại đúng mức, vậy thì chuyện người tiếp nhận từ đầu đã phải ấn định giá trị mình nhận là việc vừa cần thiết lại vừa công bằng: bởi vì khi người cho đi ban đầu nay nhận về được một phần tương xứng với những lợi ích đối phương nhận được; hoặc ngang bằng với những gì anh ta đã trao đi để đảm bảo niềm vui thú, vậy thì anh ta đã nhận được những giá trị mà mình xứng đáng được nhận: điều này quả thực xảy ra không chỉ trong giao dịch buôn bán, mà cả ở vài nơi pháp luật không cho phép các hoạt động dựa trên thỏa thuận có chủ ý; theo nguyên lý rằng khi một người tín nhiệm người khác, anh ta phải bằng lòng thực hiện bổn phận theo đúng tinh thần như đã giao ước ban đầu: nghĩa là, luật pháp cho rằng sẽ công bằng hơn nếu người được tin tưởng, thay vì người tin tưởng, ấn định giá trị. Nhìn chung, cùng một vật, người sẵn có nó rồi sẽ nhìn nhận giá trị khác với người mong có nó: những gì là của họ, những gì họ cho đi, đối với họ, luôn có vẻ rất đáng giá: nhưng phần hồi đáp được làm theo định giá của người ban đầu nhận, có lẽ nên nói thêm rằng người nhận nên đánh giá nó không phải bằng giá trị hiện tại khi anh đã có nó, mà phải bằng giá trị trước đây khi anh chưa từng có được nó.

(Còn tiếp)

Các phần

image_pdfimage_print

Trả lời

Điện thoại
Messenger
Zalo
Facebook
Liên hệ