Thời khóa biểu và nguyên tắc Trật tự
Lời huấn thị của Trật tự đòi hỏi mỗi công việc của ta phải được sắp xếp thời gian, do đó ta dành một trang trong cuốn sổ nhỏ để viết ra thời khóa biểu 24 giờ của một ngày thường nhật như sau:
Buổi sáng. Câu hỏi: Hôm nay ta sẽ làm gì?
Từ 5 – 7h: Thức dậy, làm vệ sinh và cầu nguyện câu “Đức Chúa Trời Toàn Năng”. Lên kế hoạch cho công việc trong ngày và thực hiện những ý định đề ra cho ngày, tiếp tục việc học và ăn sáng.
Từ 8 – 11h: Làm việc.
Buổi trưa. Từ 12 – 1h: Đọc, xem qua sổ sách và ăn trưa.
Từ 2 – 5h: Làm việc.
Buổi tối. Câu hỏi: Hôm nay ta đã làm được những gì?
Từ 6 – 9h: Sắp xếp mọi thứ vào vị trí. Ăn tối. Nghe nhạc hoặc giải trí, hoặc trò chuyện. Xem xét và đánh giá việc rèn luyện đức tính trong ngày.
Từ 11 – 4h: Ngủ.
Ta bắt đầu thực hiện thời khóa biểu trên để tự đánh giá, thỉnh thoảng tạm ngừng và tiếp tục thực hiện. Ta đã rất sửng sốt trước số lượng quá nhiều lỗi mà ta mắc phải, nhưng tạm hài lòng khi thấy số lượng này giảm dần. Để tránh phiền toái trong việc cứ phải xóa các dấu sai phạm đã đánh vào sổ sau một thời gian để chừa chỗ cho đợt rèn luyện khác, ta đã chuyển bảng đức tính cùng những lời huấn thị sang những tờ giấy màu ngà trong một cuốn sổ ghi nhớ. Trên những trang giấy màu ngà này, ta lại kẻ bảng bằng mực đỏ ít phai, và trên những ô đó, ta đánh dấu lỗi của mình bằng bút chì, những dấu bút chì này sẽ dễ chùi bằng một miếng bọt biển ướt. Sau một thời gian, ta chỉ cần rèn luyện mỗi năm một đợt, và sau đó một đợt trong vài năm, cho đến cuối cùng ta có thể bỏ hẳn. Dù bận rộn với những chuyến công tác nước ngoài và vô số việc cản trở, ta vẫn mang theo quyển sổ nhỏ này bên mình.
Kế hoạch thực hiện nguyên tắc Trật tự gây cho ta nhiều khó khăn nhất. Và ta nhận ra rằng, mặc dù hoàn toàn có thể sắp xếp thời gian làm việc của một người, ví dụ là thời gian của một thợ in, nhưng việc bắt một ông chủ hay phải đi đây đó gặp gỡ mọi người theo thời khóa biểu của khách hàng và phải tuân thủ nghiêm ngặt là không khả thi. Trật tự, trong nghĩa sắp xếp mọi thứ, giấy tờ ngăn nắp, thì ta cảm thấy rất khó có thể thực hiện được. Ta đã không sớm quen với điều này, và với việc sở hữu một trí nhớ tốt, ta đã không nhận ra tầm quan trọng của việc phải có phương pháp để đạt được đức tính này. Do đó, đức tính này khiến ta khổ sở vô cùng trong lúc rèn luyện và những lỗi ta mắc phải liên tục khiến ta hết sức bực mình. Ta đã không cải thiện tình hình được mấy và việc thường xuyên lặp lại các lỗi này khiến ta gần như buông xuôi và chấp nhận sự thiếu sót này trong đức tính của mình. Việc này làm ta nhớ đến chuyện về một người khi mua một chiếc rìu từ người thợ rèn, hàng xóm của ta. Ông này yêu cầu toàn bộ bề mặt của chiếc rìu phải sáng như phần lưỡi. Người thợ rèn đồng ý mài cái rìu theo yêu cầu của ông ta với điều kiện ông phải giúp quay bánh răng trên máy mài. Người này phải quay bánh răng trong khi người thợ rèn ấn phần mặt rìu mạnh xuống phiến đá mài, điều này khiến việc quay bánh răng trở nên khó khăn và mệt mỏi. Người đàn ông mua rìu chốc chốc lại đến xem người thợ rèn làm đến đâu, và cuối cùng, người mua rìu đành chấp nhận với cái rìu của mình và từ bỏ ý định mài sáng bề mặt lưỡi rìu ban đầu. “Không,” người thợ rèn lên tiếng, “quay đi, quay nữa đi, dần dần nhất định chúng ta sẽ mài được bề mặt lưỡi rìu sáng, bây giờ thì chỉ lốm đốm thôi”. “Ừ,” người mua rìu trả lời, “nhưng tôi nghĩ tôi thích một lưỡi rìu lốm đốm hơn.” Và ta tin rằng đây là trường hợp xảy ra với rất nhiều người đã từng ao ước có được những cách thức mà ta đã áp dụng, và khi gặp phải khó khăn trong việc đạt được những thói quen tốt, loại bỏ những thói xấu trong đức hạnh, đã từ bỏ việc rèn luyện và tuyên bố rằng “một chiếc rìu lốm đốm là tốt nhất.” Với một vài nguyên nhân ngụy biện đôi khi gợi cho ta suy nghĩ rằng việc khắt khe đòi hỏi ở bản thân mình bấy lâu có thể là một dạng thích khoe mẽ đức hạnh. Điều này nếu được loan ra ngoài, hẳn sẽ khiến ta trở nên rất lố bịch, rằng một nhân cách hoàn hảo sẽ bị soi mói bởi sự ganh tỵ và ganh ghét; trong khi một kẻ rộng lượng thì nên cho phép bản thân có vài sai phạm, để khiến bạn bè có thể ủng hộ và chấp nhận hắn. Sự thật là ta thấy bản thân mình vô phương cứu chữa trong việc rèn luyện Trật tự. Và bây giờ khi đã cao tuổi, trí nhớ suy giảm nhiều, ta lại thấy rõ tầm quan trọng để đạt được đức tính này. Nhưng trên hết, mặc dù ta không bao giờ đạt đến sự hoàn hảo mà ta mong muốn và thất bại trong việc đạt được đức tính này, nhờ vào nỗ lực hết mình, ta đã trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn so với việc ta không cố gắng thực hiện điều này. Giống như trường hợp của những người tập trung vào việc rèn chữ viết cho giống với những mẫu chữ điêu khắc, mặc dù họ không bao giờ đạt được sự hoàn hảo vốn có của mẫu chữ kia, nhưng chữ viết của họ đã được cải thiện nhờ vào nỗ lực hết mình và tạm chấp nhận với nét chữ đẹp và dễ đọc.
(Còn tiếp)