Nghe bài viết

Tủ sách tinh hoa

Bài viết bàn về quan điểm cá nhân tôi về công cuộc tiếp thu những tư tưởng lí luận nền tảng của nhân loại nói chung ở Việt nam ta từ thế kỉ XIX cho tới nay.

Dự án tủ sách tinh hoa từ khi chính thức được thực hiện với việc xuất bản cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill (viết năm 1859), đánh dấu một sự phát triển mới trong nền giáo dục nước nhà. Đã rất lâu rồi, nước ta lại có một công cuộc dịch thuật với một định hướng đúng đắn đến vậy.

Việc tiếp thu và truyền bá các tư tưởng phương tây, ngay từ dưới triều Nguyễn đã được bàn tới với tên tuổi của Nguyễn Trường Tộ.Trong thời kì Pháp thuộc, Phan Chu Trinh với lời kêu gọi “ Chi bằng học”  cũng ấp ủ thực hiện dự định này.

Tại Miền Bắc Việt nam, sau cách mạng Nga 1917, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ chủ nghĩa Lenin, học thuyết của Các Mác bắt đầu thâm nhập vào nước ta, tuy vậy phải chờ đến thập niên 90 của thế kỉ trước, Bộ toàn tập của Mác-Ănghen (50 tập) mới được lần lượt dịnh và xuất bản, tiếp theo sau là bộ Lênin toàn tập (55 tập).

Đây là hai thành tựu quan trọng mà Nxb Sự thật đã đạt được, tuy nhiên, xét về nội dung chính yếu , bộ sách chỉ đề cập tới lĩnh vực kinh tế, chính trị. Thêm nữa, các bài được tập hợp thường rời rạc, đa số là các bài báo, bài tham luận của ba nhà kinh điển. Vậy nên, chỉ có thể kể ra bộ Tư Bản của Marx được coi là có giá trị và có hệ thống bàn về kinh tế chính trị, ngoài ra còn có thể kể đến phần Mác bàn về Feuerbach trong Hệ tư tưởng Đức, có giá trị nghiên cứu về tư tưởng triết học của ông. Về quyển Bút kí triết học của Lenin thực ra chỉ dừng lại ở việc ghi chép vắn tắt và bình luận ý kiến của ông về một số tác phẩm triết học, rất tiếc, việc ông chưa đưa ra một hệ thống hoàn chỉnh về đề tài này.

Việc in hai bộ toàn tập (105 cuốn), dày cộm, sắp xếp tác phẩm theo thời gian không tiện cho tra cứu, nếu được, có thể chia thành hai phần: Các quyển chính yếu và các bài báo, tham luận mà các ông viết. Các quyển chính yếu gồm 15 cuốn. Hầu hết các thư viện đại học hiện nay trong cả nước đều có hai bộ toàn tập trên tuy vậy, ít khi có ai đụng đến.

Tại Miền nam, công cuộc dịch thuật có những bước tiến đáng kể hơn nhiều. Tại các giảng đường đại học, những giáo sư được đào tạo tại Châu Âu khi dảng dạy thường trích dẫn và khuyến khích sinh viên nghiên cứu các tác phẩm gốc.

Có thể kể ra tên của các tác phẩm nền tảng đã được dịch như Đạo đức học của Nicomaqe Đức Hinh dịch; Bàn về thể tính của chân lí, Phạm Công Thiện dịch; Hữu Thể và thời gian, Trần Công Tiến dịch; Triết học nhập môn, Lê Tôn Nghiêm dịch…Ngoài ra một số cuốn (Giáo trình) Luật học do các tác giả người Việt viết cũng rất có giá trị, phải kể đến các tác giả như Vũ Văn Mẫu, Lê Đình Chân, Nguyễn Huy Đầu…Tại đây lúc bấy giờ, những tư tưởng khoa học đa dạng từ đông sang tây, từ cổ đại đến đương thời được giới thiệu và bắt đầu bén rễ đâm trồi trong tầng lớp trí thức, sinh viên.

Tuy vậy, thời gian chưa được bao lâu, đến tháng 4/1975, nền giáo dục tại đây cùng với sự biến chuyển chính trị, bước sang giai đoạn mới của thời bao cấp.

Trong những năm 1990, việc cải cách và mở cửa giao lưu kinh tế dẫn tới việc cần thiết học hỏi tư tưởng, khoa học kĩ thuật nước ngoài. Thời kì này bắt đầu với việc xuất bản một loạt các cuốn sách kinh tế học nổi tiếng của Adam Xmit, David Ricardo, John Keynes. Chúng do Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, nxb Giáo dục đảm đương dịch thuật. Cạnh đó, Nxb Thanh niên, Nxb Lí luận chính trị, Nxb Văn hóa thông tin đã có ý định xuất bản các tủ sách chuyên sâu, tủ sách tinh hoa tư tưởng nhân loại, tủ sách triết học đông tây…. Tuy nhiên, xuất bản được vài ba cuốn thì dừng lại, do phải chạy theo thị hiếu của người đọc đối với những quyển dạy làm giàu, kinh doanh, dạy nấu ăn, mẹo giao tiếp, thời trang, học tiếng anh, giải trí…và một số khó khăn lớn về lỗi dịch thuật, kiểm duyệt sách.

Đương lúc cấp bách này, năm 2005, GS Chu Hảo, cùng sự tài trợ của quỹ Phan Chu Chinh, tuyên bố ý định xuất bản 500 cuốn sách kinh điển thuộc Tủ sách tinh hoa, trong vòng 10 năm (2005-2015). Nhưng ý định chẳng thành, sự khó khăn trong việc dịch lẫn bán sách đã được NXB kêu ca trong suốt 13 năm qua và nhan nhản trên các bản tin báo mạng với những nhan đề như: Nxb Tri thức độc hành hướng tới thực học; Khi các tủ sách tinh hoa nốc ao; Cả năm không đọc nổi cuốn sách, tri thức ở đâu?; “Tủ sách” của người Do thái và “tủ rượu” của người Việt. Kết quả đến nay (1/2018), trong 13 năm tủ sách mới xuất bản vẻn vẹn 67 cuốn!

Tuy vào thời điểm cuối năm 2018, cá nhân ông Chu Hảo đã vướng vào các bê bối chính trị, xét về mặt học thuật, những gì ông và Nxb cùng đội ngũ dịch giả  đã đồng tâm hiệp lực giành được thành quả lớn nhất  so với tổng số những nỗ lực và thành quả mà những trí thức trước đó đã thực hiện.

Hiện nay, việc mua sách tinh hoa của nxb Tri thức rất dễ dàng. Có thể đặt hàng online hay mua tại hiệu sách. Còn việc tìm mua những cuốn sách có giá trị khoa học tại Miền nam trước 1975 và những cuốn được xuất bản trong giai đoạn 1990-2005 lại rất khó khăn.

Lí do bởi, một là có một số cá nhân chiếm giữ sách (thú vui chơi sách cổ) hay bán với giá rất đắt ( vài trăm một cuốn tầm 400tr là bình thường, tùy độ quý hiếm).

Tuy vậy, giá trị khoa học của sách không phụ thuộc độ cổ của nó. Chỉ cần một bản sao “sách gốc quý hiếm” là đủ đáp ứng nhu cầu học tập rồi.

Có những quyển được photo một cách cẩu thả ( chữ nhỏ, mất chữ,…)  rồi đem bán cho sinh viên, nhà nghiên cứu với giá rất đắt. Lợi nhuận cao này là nguồn cung rất ít. Vì vậy, số lượng người mua càng giảm xuống khiến cho thị trường có ít người bán, điều này trái ngược với các cuốn giáo trình dày cộp của các đại học, khi sinh viên nào cũng phải mua (và thường dùng 1 học kì rồi bỏ). Giáo trình được đem in, photo hàng loạt bán với giá rẻ như bèo.

Thứ hai, với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, dịch giả, Nxb được cơ quan nhà nước và chủ thể có liên quan khác hết mực quan tâm ( như thể Việt nam là trung tâm trí tuệ của thế giới vậy) như hiện nay, việc cho photo những cuốn sách đã thôi xuất bản từ lâu cũng phải lén lút thực hiện khiến người muốn tìm cũng khó mà tìm được, chỉ có người bán có sách gốc, chụp hình quảng cáo rồi khi có người hỏi, liền yêu cầu liên lạc bằng cách nhắn tin trên facebook hay qua điện thoại, hoặc đến tận cơ sở để mua sách fake- tức là sách photo.

Bởi vậy, công việc tiếp nhận tri thức ở nước ta thật gian truân nhường nào!

 

image_pdfimage_print

Trả lời

Điện thoại
Messenger
Zalo
Facebook
Liên hệ