Nghe bài viết
|
Trong thời đại của công nghệ thông tin với nhịp sống vội vã, những tưởng triết học sẽ chìm vào góc khuất, nhưng không, tại Việt Nam, sách Triết Học có địa vị gần như là tối cao so với các dòng sách học thuật khác. Khi sử dụng từ “tối cao”, ý tôi muốn nói rằng mang tính quyết định. Bởi vì triết học cung cấp nền tảng công cụ tư duy và xây dựng nhãn quan cho bất cứ ai mong muốn dấn sâu vào học thuật. Không chỉ vậy, sự ứng dụng của sách triết học vào đời sống cũng rất đa dạng, bởi những phái sinh từ các hệ thống triết học có giúp một người gia tăng góc nhìn ra quyết định. Với một độc giả bình thường, không cần phải trong ngành học thuật, sách triết học vẫn hoàn toàn hữu ích nếu có thể đọc hiểu được những điều cốt yếu. Thế nên, sách triết học thuộc vào nhóm sách “bán tốt” và “bán ổn định” trong thị trường sách, tuy nhiên việc dịch và xuất bản sách triết học lại là một quá trình không hề đơn giản, và nếu dịch giả hoặc đơn vị xuất bản nào không có niềm đam mê với triết học thì sẽ không thể duy trì lâu dài.
Trước khi biết đến di sản sách triết học của Việt Nam Cộng Hòa, những năm tuổi 20 (khoảng những năm 2004, 2005) của tôi được biết đến những cuốn sách triết học bày bán tại các điểm phân phối của Đông Tây, và sau đó là các ấn phẩm của Nhà xuất bản Tri Thức, Nhã Nam… Thời bấy giờ, cùng lứa với tôi, không có nhiều người trẻ đọc sách triết học. Các bản sách triết học có trên thị trường lúc bấy giờ, đặc biệt là “Zarathustra đã nói như thế” và “Mỹ học” của Hegel đã mở ra cho tôi một thế giới hoàn toàn khác với các sách tư tưởng Trung Hoa được dịch ra tiếng Việt mà tôi thường xuyên đọc khi còn nhỏ. Phải thú thực, lúc bấy giờ, có nhiều câu trong cả hai tác phẩm này tôi không hiểu. Chúng tối nghĩa với những diễn đạt rối rắm, lúc bấy giờ, tôi vẫn nghĩ rằng do mình kém cỏi, và chỉ thực sự hiểu những câu ấy khi đọc bằng tiếng Anh sau này. Và đến khi đọc tiếng Anh thì tôi cũng bắt gặp nhiều đoạn mà trước đây mình ngỡ là mình hiểu ở ấn bản tiếng Việt, nhưng kỳ thực hóa ra mình đã hiểu sai. Nhưng biết đâu, nếu sau này tôi có thể học được tiếng Đức, có lẽ tôi lại thấy cách hiểu của mình khi đọc bản tiếng Anh có phần chưa đúng. Đọc sách dịch là thế, đặc biệt là sách triết với mức độ trừu tượng rất cao mà sự chuyển ngữ có thể khiến việc hiểu ngữ nghĩa bị sai lệch ở các chi tiết. Tuy vậy, việc hiểu sai lệch các chi tiết không khiến tôi bị cản trở nhiều trong việc hiểu tổng thể khi kiên trì đi đến tận cùng của cuốn sách. Suy cho cùng, người dịch sách triết học cũng là một độc giả cần mẫn của thế giới triết học, họ đọc và tự cảm thấy chưa đủ hiểu, thế nên cần dịch để hiểu rõ hơn, và cũng để lưu lại cách hiểu của mình ra giấy, họ đọc cho chính họ và cũng cho cả người khác nữa.
Đọc sách triết học là một trải nghiệm gây nghiện, bởi một khi bạn đã đọc sách của một tác giả, bạn sẽ muốn đọc của các tác giả khác nữa, có thể là những tác giả ảnh hưởng tới họ, tranh luận với họ, phủ nhận họ, ca tụng họ, chịu ảnh hưởng từ họ để rồi hình thành nên tư tưởng của mình. Người dịch triết học đương nhiên cũng vậy, họ bị nghiện cảm giác truy vấn tận cùng những câu hỏi nảy sinh trong đầu họ. Chúng tôi đã bắt đầu bước chân vào dịch và xuất bản sách triết học với cơn nghiện như vậy.
Năm 2014, tôi nhận lời mời của giáo sư Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức để tổ chức các cuộc trò chuyện triết học tại Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật VUSTA – 53 Nguyễn Du. Triết gia đầu tiên tôi đã trò chuyện tại đó là Hamvas Béla với tác phẩm triết học tinh thần “Câu chuyện vô hình & Đảo” với bản dịch từ tiếng Hungary của dịch giả Nguyễn Hồng Nhung. Đó là lần thứ 2 tôi trò chuyện về cuốn sách này, trước đó, lần thứ 1 tôi đã trò chuyện với một nhóm độc giả tại Art Salon 27A Trần Bình Trọng (hiện giờ đã đóng cửa). Sau đó 3 năm, tôi lại một lần nữa trò chuyện về ông tại VUSTA. 3 lần trò chuyện về Hamvas Béla là 3 lần tôi đọc đi đọc lại bản dịch và cố thử cắt nghĩa những đoạn dịch bị mờ nghĩa. Có những đoạn là do tôi thiếu nền tảng về bối cảnh xã hội của Hungary ở thời ông sống, mà dịch giả không chú thích và giải thích thêm, do đó tôi không hiểu được. Có những đoạn là do dịch giả có lẽ đã diễn đạt không thoát ý (vì tôi không biết tiếng Hungary nên tôi không rõ có sai hay không). Tôi hỏi nhiều bạn khác khi họ đọc các sách của ông, rất nhiều bạn có kêu ca với tôi rằng không hiểu các phần ông bàn về thần học và huyền học, bởi vì họ chưa có nền tảng, mà bản dịch cũng không chú thích (với tôi đây lại không phải là điều quá khó khăn, bởi vì tôi đã có ít nhiều nền tảng về các lĩnh vực này). Thường, khi thiếu nền tảng, độc giả sẽ bỏ qua các diễn giải phức tạp và tập trung vào các câu có thể hiểu được và tiếp nhận chúng như những mảnh rời rạc. Đây là một điều đáng tiếc. Và đây cũng là tình trạng tôi thường thấy ở các bản dịch triết học khác sang tiếng Việt. Đặc biệt khi một triết gia đề cập hoặc phản biện một triết gia khác trong sách, nhưng bởi vì triết gia khác ấy chưa từng được dịch sang tiếng Việt, vậy nên có lẽ dịch giả cũng chưa thực sự hiểu, và độc giả không có tiếng Anh đủ tốt cũng gặp rắc rối trong quá trình hiểu trọn vẹn.
Tôi từng hỏi giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn sau một cuộc hội thảo triết học tại VUSTA, với ý rằng, tại sao các cuốn sách của Aristotle, Schopenhauer… chưa từng được dịch một cách hệ thống sang tiếng Việt? Bác Chuẩn chỉ để lại một câu nói đầy gợi mở: “Ai sẽ là người dịch?” Ban đầu tôi chỉ nghĩ, bao nhiêu viện sĩ, bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ…để làm gì? Nhưng rồi trong quá trình tìm hiểu, tôi nhận ra một sự thật trớ trêu: Thiếu nguồn lực.
Ai dịch sách triết học và ai đầu tư để dịch sách triết học?
Để dịch một tác phẩm triết học không hề dễ, bởi vì để đọc một tác phẩm triết học vốn cũng đã không dễ rồi. Người đọc sẽ cần biết đến rất nhiều nền tảng, bao gồm triết học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, ngôn ngữ, xã hội … Nếu kỹ năng có thể nhanh chóng luyện được trong vòng vài ba tháng đến một năm thì nền tảng là thứ phải được xây dựng từng chút một từ khi còn nhỏ hoặc trễ hơn là khi còn đang là sinh viên. Ở độ tuổi lớn hơn, khi phải đi làm và có gia đình, việc xây nền tảng tri thức cũng khó khăn hơn. Sự bắt đầu sớm hơn thuận tiện hơn nhưng chưa chắc đã tốt hơn và sự bắt đầu muộn hơn chưa chắc đã dẫn đến kết quả kém hơn, tuy nhiên việc tạo dựng nền tảng cần từng chút một mỗi ngày và không thể vội vã được. Sự xây dựng nền tảng này vốn rất khó khăn với bối cảnh hiện nay, bởi vì chúng ta không có hệ thống sách học thuật đầy đủ, không có các chuyên gia đa dạng lĩnh vực, không có môi trường trao đổi lành mạnh và giàu tính trợ giúp. Một độc giả muốn đọc triết cũng gặp nhiều khó khăn như một dịch giả muốn dịch triết vậy. Ở đây, chúng ta bị rơi vào một nghịch lý: nếu không dịch thêm các sách triết học thì sẽ không có nền tảng cho chính riết học hoặc các lĩnh vực khác, nhưng nếu thực hiện việc dịch thì lại thiếu nền tảng. Thật là trớ trêu!
Việc dịch sách triết, bởi thiếu nền tảng, nên lại càng đòi hỏi nguồn lực lớn. Nguồn lực ở đây không phải chỉ là tài chính mà còn là nhân lực và thời gian. Đơn vị nổi bật nhất đã tổ chức thành công một đội ngũ dịch giả dịch sách triết chính là Nhà xuất bản Tri Thức với lực lượng đông đảo các trí thức nhiệt huyết tham gia. Nguồn nhân lực dịch sách triết học của Nhà xuất bản Tri Thức được xây dựng bởi đội ngũ học trò tham gia các lớp triết của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn. Tôi chưa từng tham gia lớp triết học của ông vì khoảng cách địa lý, và vì tôi không hứng thú với Kant, triết gia mà ông tâm đắc, nhưng tôi khâm phục cách ông đã đào tạo và truyền giữ tình yêu triết học cho những học trò của ông. Và dù đồng tình với ông hay không, dù ưa thích bản dịch của ông cùng các xu hướng của ông hay không, tôi cũng buộc phải cúi đầu tôn kính ông vì những đóng góp mà ông cùng các học trò đã tạo nên cho nền triết học Việt Nam. Và tôi cũng bày tỏ lòng tôn kính ấy với giáo sư Chu Hảo và các dịch giả lớn tuổi khác của Nhà xuất bản Tri Thức đã tạo những bậc nền tảng quan trọng. Nhưng như vậy vẫn không đủ. Các trước tác của Nhà xuất bản Tri Thức và một số đơn vị xuất bản khác chịu ảnh hưởng từ xu hướng xuất bản của họ như Viện IRED, Omega Plus Book, Domino Books… mặc dù dịch khá nhiều nhưng chưa tạo thành một hệ thống. Và họ thiếu nguồn lực.
Mức nhuận dịch cho dòng sách triết học không cao so với công sức một dịch giả bỏ ra. Dịch giả dịch một cuốn sách triết khoảng 100.000 từ có thể phải mất cả năm để cân nhắc, suy xét, vượt qua những chỗ khó hiểu, tra cứu bổ sung… thế nhưng nhuận bút có thể chỉ vào khoảng 20 triệu – 30 triệu/cuốn, thậm chí còn thấp hơn, có người chỉ được nhận sách thay cho nhuận bút. Không phải là vì đơn vị xuất bản bóc lột sức lao động mà là vì doanh thu từ bán sách triết học không nhiều bởi vì thị trường rất nhỏ, dù ổn định. Khi tôi nói đến chữ “bán tốt” ở đầu bài viết này, ý tôi chính là có thể bán được hết sách, không đến nỗi ế ẩm thái quá. Sách triết học mà bán được 500 đến 1000 bản ngay trong năm đầu tiên phát hành (bán được nghĩa là tiền đã được thanh toán chứ không phải ở dạng ký gửi) đã là một điều may mắn hiếm có rồi. Với tình trạng bán như vậy, đội ngũ biên tập & hiệu đính sách triết học cũng khó có thể được các đơn vị xuất bản đầu tư. Bởi vì tiền in ấn + tiền dịch + các chi phí phát hành khác cũng có thể khiến đơn vị làm sách bị rơi vào lỗ. Người kinh doanh sách triết đều phải rất cẩn trọng trong tính toán tài chính, bởi vì tính sai thì sẽ không có nguồn lực để đi tiếp các cuốn khác. Nhưng tại sao chi phí hiệu đính và biên tập sách triết lại là vấn đề? Đó là bởi vì người dịch sách triết thường chủ quan, cũng dễ gặp phải sai lầm trong nhận định, dễ bị bỏ sót, và khi nản lòng cũng dễ tùy tiện (lát nữa, ở phần đề cập tới các lỗi thường gặp trong sách triết, tôi sẽ đi vào chi tiết), do đó người hiệu đính và biên tập có thể bù lấp những lỗi này. Đôi khi, để dịch một cuốn triết có thể mất 1 năm, nhưng để hiệu đính nó mất 2 năm, vì cần có sự đối thoại liên tục giữa hai bên để đi đến phương án phù hợp. Chi phí trả cho hiệu đính, có thể nói là ngang với chi phí dịch, thậm chí đôi khi còn cao hơn nếu dịch giả không đủ hiểu tác phẩm. Biên tập triết học cũng không dễ, bởi triết học vốn nhàm chán với những ai không hiểu nó, và một khi đã nhàm chán thì sẽ dễ rơi vào buồn ngủ, mờ mắt, dễ bỏ qua các lỗi lặt vặt như diễn đạt, chính tả, đánh máy… Thế nên, mỗi đơn vị xuất bản sách triết học đều sẽ có cơ chế giữ khâu gì, bỏ điều gì trong quá trình xuất bản một cuốn sách. Điều này đương nhiên có thể khiến không ít độc giả không hài lòng, nhưng nếu hiểu thế khó của thị trường sách triết học, độc giả cũng sẽ thông cảm hơn cho người làm sách.
Sau năm 2020, nhiều đơn vị xuất bản non trẻ khác đã bước chân vào dòng sách triết học, bao gồm Sách Khai Minh, Trường Phương, và cả Book Hunter chúng tôi. Bước chân vào dòng sách triết học đương nhiên không phải là một quyết định vội vàng để “trục lợi” bởi vì món lợi từ sách triết học là quá thấp. Mỗi đơn vị trẻ bước vào sách triết học đều có nguyên cớ của mình, nhưng với Book Hunter chúng tôi, đó là vì chúng tôi muốn trả lời cho câu hỏi của giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn ngày ấy: “Ai sẽ là người dịch?” – “Vâng, Book Hunter sẽ dịch!”. Những tác giả triết học nào Book Hunter muốn đọc và cần đọc thì sẽ đều dịch sang tiếng Việt và chúng tôi vẫn tin chắc rằng đâu đó sẽ có độc giả hứng thú với cuốn sách ấy. Nghĩ thế cho nhẹ, để gác gánh nặng tài chính sang một bên, gác sự so đo bõ công hay không bõ công sang một bên. Và bởi thế, với Book Hunter, dịch là để đọc, để học. Đương nhiên, khi cộng đồng mua sách Book Hunter để đọc thì đồng thời các thành viên trong Book Hunter cũng có cơ hội để tiếp tục đọc sâu và học sâu hơn. Nhưng bởi vì, để cân đối nguồn lực tài chính cho các dự án sách khác, Book Hunter cũng như các đơn vị làm sách khác, buộc phải tính toán “giữ” và “bỏ” các khâu. Khâu thường xuyên bỏ qua chắc chắn là biên tập, và khâu không thể nhanh chóng đi trọn vẹn thì chắc chắn là hiệu đính. Thay vì nỗ lực thực hiện bản thảo hoàn hảo ngay từ đầu, chúng tôi học cách thực hiện bản thảo của các đơn vị học thuật phương Tây, đó là để bản thảo liên tục được cập nhật chỉnh lý theo thời gian, nói một cách khác, độ hoàn hảo của tác phẩm theo thời gian sẽ tỉ lệ thuận với sự trưởng thành của đội ngũ thực hiện tác phẩm ấy.
Nhưng không giống như nhóm học trò của ông Bùi Văn Nam Sơn, cũng không phải là những người được đào tạo triết học chuyên nghiệp trong nhà trường, chúng tôi bước vào triết học với hai bàn tay trắng, hoàn toàn không học hàm học vị, không có sự bảo kê. Tôi tin rằng hiện nay, nhiều dịch giả triết học cũng như vậy. Điều đó chưa bao giờ khiến chúng tôi tự ti, nhưng chúng tôi lại vấp phải một phản ứng bất ngờ: nhiều người chối bỏ và gạt phắt thành quả của chúng tôi. Cuốn sách triết học đầu tiên – “Luân Lý Học” của Aristotle – đã lập tức gặp phải một gáo nước lạnh khi một biên tập của Nhà xuất bản nói với chúng tôi rằng: “Các em là ai mà dám dịch sách triết. Đành rằng bản dịch tốt nhưng nếu không có một nhân vật có uy tín nào đó lừng lẫy đứng tên vào thì anh không thể cấp phép được!” Chúng tôi đã phản biện rằng: “Nhưng Việt Nam không có chuyên gia Aristotle nào, và cũng không có chuyên gia về triết học Hy Lạp nào hết, để mà thực sự có uy tín đứng tên hiệu đính!” Anh biên tập đuối lý, nhưng tựu chung, anh ta vẫn không đồng ý. Sau này, tôi mới biết rằng, lối tư duy “Ai mới xứng đáng dịch triết học” đó hóa ra lan rộng trong cộng đồng học thuật và đọc triết. Tôi gặp lập luận này không phải chỉ một lần. Biết tình trạng ấy, đối với sách triết học mà Book Hunter xuất bản, chúng tôi luôn để Bản Đọc Thử và để những ai có thể tự phẩm mà không cần lệ thuộc vào những cái tên uy tín đều có thể đưa ra quyết định mua hoặc không. Dẫu vậy, tôi cũng không ít lần bực tức với lối suy nghĩ thiển cận, ấu trĩ và thiếu khả năng phán đoán độc lập từ những người cứ duy trì lỗi nghĩ “Ai mới xứng đáng dịch triết học”.
Đối với thực trạng triết học tại Việt Nam, khi bước chân vào dịch, sự chênh lệch giữa người già và người trẻ, người có học hàm học vị với người tay ngang vốn dĩ không nhiều. Tại sao tôi dám khẳng định vậy. Lý do cơ bản nhất đến từ việc thiếu nền tảng mà tôi đã đề cập ở trên. Mà một khi đã thiếu nền tảng thì thao tác tra cứu là như nhau. Sự chênh lệch sẽ đến từ năng lực ngoại ngữ, năng lực tra cứu, kiểm tra nguồn tra cứu, và kinh nghiệm diễn đạt phong phú chứ không đến từ học hàm học vị hay sự bảo đảm. Độ khả tín cũng sẽ gia tăng khi dịch giả theo đuổi toàn bộ hệ thống tư tưởng của một tác giả hoặc một chủ đề, đồng thời chỉnh lý thường xuyên thay vì chỉ cưỡi ngựa xem hoa ở một vài tác phẩm nổi tiếng. Lý do thứ hai đến từ tiếng Việt. Ngôn ngữ Việt vốn là ngôn ngữ sinh hoạt và giàu tính biểu cảm, do đó, dù rất phong phú nhưng lại hoàn toàn thiếu để dịch thuật triết học nói riêng và các dòng sách học thuật khác nói chung. Hơn nữa, mỗi triết gia khi sử dụng thuật ngữ lại chứa đựng một nội hàm riêng mà những thuật ngữ ấy như mã khóa bước vào thế giới suy tư của họ, và vì thế, đòi hỏi người dịch có năng lực tạo ra từ mới hoặc tái tạo nghĩa mới một cách hợp lý cho từ quen thuộc. Năng lực sáng tạo thuật ngữ cũng cho thấy năng lực hiểu và truyền tải tác phẩm của dịch giả. Nhưng suy cho cùng, để tạo được tác phẩm tốt nhất thì cần cả một hội đồng hoặc một cộng đồng học thuật cùng tham vấn và hỗ trợ trong phản biện nhau và cùng tra cứu, mà điều này là không khả thi về mặt thực tế tại Việt Nam, thế nên các cuốn sách triết dịch, ngay cả sách được giải thưởng uy tín, của các dịch giả uy tín, của những người dịch được đảm bảo bởi chuyên gia uy tín cũng vẫn sai các lỗi vô cùng đáng tiếc. Dưới đây tôi xin được kể một vài lỗi điển hình. […]
Các lỗi sai điển hình thường gặp trong các sách triết học
1. Vì nền tảng kiến thức của mỗi cá nhân là mấu chốt khiến việc đọc triết và dịch triết bị cản trở nên những lỗi sai do thiếu nền tảng cũng là lỗi nghiêm trọng. Lỗi thiếu nền tảng này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng khi nó liên quan đến thuật ngữ cốt yếu mang tính mã khóa để đi vào thế giới tư tưởng của một triết gia. Nhưng đôi khi, lỗi thiếu nền tảng cũng chỉ ở các chi tiết nhỏ nhưng nó gây ra khiếm khuyết để thông tỏ một phần hoặc một chi tiết của tác phẩm. Lỗi này thường đến từ sự thiếu sót trong tra cứu hoặc không phát hiện ra để tra cứu.
2. Việc thiếu nền tảng ngôn ngữ (bao gồm cả ngoại ngữ và tiếng Việt), đặc biệt là thiếu cả nền tảng kiến thức cũng có thể gây ra việc dịch sai thuật ngữ và khái niệm. Việc thiếu nền tảng tôi đã đề cập ở trên, còn tại đây tôi muốn đề cập đến việc thiếu vốn từ.
3. Việc sai cấu trúc ngữ pháp diễn ra khá phổ biến trong dịch thuật, đặc biệt là khi chuyển ngữ những câu phức hợp nhiều thành phần sang tiếng Việt, hoặc phải đối diện với các cấu trúc câu đặc biệt. Lỗi này có thể đến từ việc ngữ pháp tiếng Anh không đủ vững, hoặc cũng có thể đến từ quá trình bị nhầm lẫn trong phân tích câu nhiều thành phần hoặc nhận diện cấu trúc câu. Vì lỗi này phổ biến và sơ đẳng mà các dạng nhầm lẫn rất phong phú, do đó tôi sẽ không liệt kê các lỗi thường thấy ở đây, thay vì đó, các bạn có thể tham khảo bộ video lưu lại các chương trình Luyện Đọc Tiếng Anh qua các tác phẩm học thuật.
4. Diễn đạt tiếng Việt thế nào là đúng và thế nào là sai là một cuộc tranh luận dài không có hồi kết.
Tiếng Việt phổ thông mới chỉ thực sự được định hình vào đầu thế kỷ 20 cùng các lối diễn đạt phổ biến (do các trí thức định hình qua tác phẩm) và các cấu trúc câu (cũng được các trí thức định hình qua tác phẩm). Các trí thức đầu thế kỷ 20 chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi văn phong của Pháp và Trung Quốc với lối văn mềm mại, sử dụng từ đa nghĩa nhiều ngầm ẩn, mang tính biểu cảm cao. Tuy nhiên, khi đối mặt với diễn đạt triết học, các trật tự diễn đạt phổ biến có thể bị thách thức, bao gồm: thiếu vốn từ có thể biểu thị được nghĩa, và lối diễn đạt triết học cần sự chặt chẽ sẽ làm hỏng tính mềm mại của câu văn. Nhiều độc giả sẽ cảm thấy đọc sách triết học như bước vào một thế giới ngôn từ xa lạ.
Do đó, áp lực về việc tạo ra từ mới hoặc cách diễn đạt mới qua dịch triết học là rất lớn. Đôi khi, áp lực này dẫn tới những lựa chọn hoặc quá xa lạ, hoặc kỳ quặc, thậm chí còn cực đoan. Ví dụ như trong cuốn “Những tìm sâu triết học” của Wittgeinstein, ông Trần Đình Thắng đã kết hợp việc nghịch chữ với việc dịch tác phẩm này, khi tham vọng tạo ra hệ từ mới thoát khỏi ảnh hưởng của hệ từ Hán Việt. Có lẽ, ông đã bị ảnh hưởng bởi lý thuyết trò chơi và thực hành nó qua tác phẩm dịch của mình. Ông tạo ra một hệ chữ, cố đưa nó vào phần dịch, để rồi bất lực nhận ra rằng hệ chữ của mình không truyền tải được, và rồi cuối cùng vẫn phải chấp nhận nhiều trường hợp không thể sử dụng. Đối với người đọc triết học, đây là những nỗ lực vô dụng vì không giúp họ hiểu rõ hơn tác phẩm. Ví dụ, ở trang 58, ông viết “Tôi luôn làm cùng một điều khi tôi chúy vào một hình dạng nào đó: Tôi dõi theo mép ngoài của vật bằng mắt và cảm giác của mình”. “Chúy” là từ trong hệ chữ của ông Thắng, tức “Chú ý”, tuy nhiên đến “cảm giác” thì ông đã không đủ mạnh dạn để sử dụng là “cảm biết”. Ở trang 235, ta sẽ thấy từ “nội quan” đã được ông sử dụng thành “nhìn trong” ở câu “Ở đây ta có một ca nhìn-trong, không giống như cái đã đem đến William James ý tưởng rằng “cái tôi” bao gồm chủ yếu là “những chuyển động riêng có trong đầu và giữa đầu và cổ họng”. Tuy nhiên, với từ “chuyển động”, ông cũng tự cảm thấy không thể mạnh dạn dùng từ mình đề xuất là “quợt” để thay thế. Cuộc nổi loạn ngôn ngữ của ông là một thực hành nguyên lý tạo ngôn ngữ của Wittgeinstein, và nó phải đối mặt với sự áp đảo của thế giới ngôn ngữ trùng trùng của các từ Hán Việt. Cuộc nổi loạn này sẽ rất thú vị nếu ông tổ chức nó ở trong văn bản mang tính thử nghiệm thay vì trở thành một nhãn quan và động lực để tổ chức nhóm “Nhặt sạn dịch thuật” nhằm tạo ra một đội ngũ nhằm tạo ra “tipping point” (điểm chuyển) trong ngôn ngữ.
Mọi sự diễn đạt không thích hợp với đại đa số độc giả đều có thể bị coi là lỗi. Một nhóm độc giả không thích lối diễn đạt của dịch giả nào đó thì cũng có thể coi đó là lỗi. Tuy nhiên, đó không phải là lỗi thực. Diễn đạt tốt hay không nằm ở chỗ có diễn đạt được trọn vẹn điều tác giả muốn nói hay không. Và để đạt tới diễn đạt tốt thì đầu tiên cần phải đúng đã, mà đúng tức là có nền tảng đủ, suy xét khái niệm kỹ lưỡng, cấu trúc ngữ pháp vững vàng, thì từ đó có thể là chất liệu để đi đến diễn đạt tốt.
Lời kết
Bài viết đã khá dài và tôi đã điểm qua những vấn đề trớ trêu khi dịch sách triết học. Bài viết là kết quả của một quá trình Book Hunter cùng tôi vượt qua các bản dịch, nhưng điều gợi hứng để tôi viết bài này lại đến từ chính cuộc xung đột giữa tôi và nhóm Nhặt Sạn Dịch Thuật của ông Trần Đình Thắng xoay quanh cuốn sách “Thế giới như là ý chí và ý niệm” do Thiên Trang dịch, Book Hunter xuất bản. Sau rất nhiều hôm lời qua tiếng lại, tôi đã bình tâm ngồi lại và quyết định viết một điều gì đó xứng đáng với mình thay vì tiếp tục đôi co trên mạng. Hi vọng bài viết có thể giúp các độc giả hiểu hơn về quá trình dịch sách triết học gian truân thế nào, cũng có thể nhận ra rằng các lỗi sai có thể gặp bởi bất cứ ai dịch sách triết học. Và quan trọng hơn thế, tôi cũng mong rằng các dịch giả hoặc các đơn vị xuất bản có thể dần dần tránh các lỗi có thể có.
Sau cùng, tôi muốn nói rằng, việc dịch triết học là một con đường rất gian nan, và đó chẳng phải mà cũng chẳng nên là đặc quyền của một nhóm người, dù họ là ai, có uy tín thế nào chăng nữa. Sự đánh giá công trình dịch thuật của ai đó cũng cần một sự công tâm để xem xét những điểm hay, điểm dở thay vì chỉ dựa trên danh tiếng hay học vị, hay đơn giản là thiên kiến được hình thành từ động cơ và thói quen.
Tôi muốn mượn một câu của Schopenhauer trong “Thế giới như là ý chí và ý niệm” (Thiên Trang dịch) để khép lại bài viết này:
“Chân lý không phải là nghề. Nó chẳng cần bè phái; thay vào đó người ta có thể theo đuổi nó âm thầm, không được chú ý bằng một cuộc bạo loạn triết học xuyên đêm đông tăm tối nhất, không bị ràng buộc bởi niềm tin cứng nhắc của nhà thờ, và nó chỉ được truyền lại như thuật bí truyền với những ai tinh thông, hoặc nằm phó mặc đâu đó trên trang giấy da. Thật vậy, tôi có thể nói rằng không có gì bất lợi cho triết học hơn là khoảng thời gian nó bị lạm dụng một cách đáng xấu hổ nhằm mục đích chính trị hay là sinh kế. Chân lý không phải là gái điếm sẵn sàng bán mình cho những ai không hề muốn cô ta; mà nó là cái đẹp nhút nhát tới nỗi một người hy sinh mọi thứ cho nó cũng không thể chắc chắn có được sự đáp lại từ nó hay không.”
20/02/2024
Hà Thủy Nguyên