Nghe bài viết

Mây tạnh gió quang, dương hòa đạm đãng. Theo lệ thường tân xuân khai bút, cầm cây quản sắt mà viết mấy hàng đăn số báo đầu năm, sực nghĩ đến cái đầu bài “năm mới nước cũ” mà bên lòng trăm mối ngổn ngang, mừng mừng tủi tủi xiết bao nhiêu tình. Mà ta dám chắc rằng: các bạn đọc giả trong quốc dân ta là những người cùng một quốc thổ với ta, cũng một chủng tộc với ta, cùng một ngôn ngữ, cùng một tính tình, cùng một phong tục, cùng một luân lý với ta, cùng chung một cái lịch sử thịnh suy vinh nhục với ta, trong cái lúc trông mây hóng gió, hô hấp khí dương hòa này, mở tằm con mắt mà nhìn rộng ra non Tản sông Lô, hăm bẩy vạn dăm vuông giang sơn như gấm như hoa, mầu xuân đượm vẻ, lại hé cửa lỗ tai mà lắng nghe những chuyện doanh hoàn biến đổi, cái thế kỷ mười chín đã qua, cái thế kỷ hai mươi dồn tới, cuôc nhân sự mỗi ngày mỗi mới, mỗi tháng mỗi lạ như gió dặp, như sóng dồn, như mưa tuôn, như chớp nhoáng, đài xuân trong thấy đó, mà lũ chính sinh mình còn vẫn cứ xô nhau, đẩy nhau, dành nhau, dật nhau, ngụp xuống nhô lên trong bể khổ, biết đến năm nào ngoi ngóp tới nơi, tưởng những điều mắt thấy tai nghe, khiến cho ai nấy cũng phải bùi ngùi trong dạ, phấn phát trong lòng, cũng phải chia mừng sẻ tủi với kẻ cầm bút đây về một cái đầu bài vơ vẩn đó.

Than ôi! Cái nước cũ chúng chúng mình cùng nhau sinh trưởng phồn tụ tự tổ tiên mình mấy trăm ngàn năm về trước rồi còn đến con cháu mình mấy trăm ngàn năm về sau, chẳng phải là một nước cũng đã có thanh danh, có văn vật, có trật tự, có kỷ cương, có văn trị, có võ công, có triều đình, có hương đảng, cũng đã có một cái lịch sử quang vinh hiển hách hơn bốn ngàn năm đấy dư? Ta hồi tưởng tự cái năm mới này trở về trước, năm nào là năm ông Lê Đại Hành đánh Hán ở Bạch Đằng Giang,  năm nào là năm ông Trần quốc Tuân bình Nguyên ở Chương dương độ, năm nào là năm ông Lê Lợi chém tướng Liễu Thăng, năm nào là năm ông Quang Trung đuổi Tôn sĩ Nghị, lại năm nào là nằm thành Đồ bàn lấy đầu Xạ Đẩu, năm nào là năm đất Nam vang xiềng cổ Ông Sân, trong bấy nhiều năm đạp gai phá cỏ, san núi đào sông, tô điểm nên một tấm giang sơn, bắc chọi với Tàu, tây chống với Xiêm, trong thì khai thác Mán Mường, ngoài thì thu gồm Chiêm Lạp, tưởng mỗi năm có đến bao nhiêu là những não chất của các đấng thánh quan hiền thần, danh nho lương tướng nặn vắt ra, lại bao nhiêu là những tâm huyết của các đấng hào kiệt anh hùng, nhân nhân chí sĩ tưới vẩy ra mới gây dựng nên được cơ đồ, xây đắp đắp nên được tường móng cái nước cũ đó cho kẻ sinh sau nương tựa hưởng nhờ!

Rồi ta lại thử dự tưởng cái năm mới này trở về sau, năm nào là năm hội Vạn quốc xác định được công pháp hòa bình, năm nào là năm các cường quốc tiêu triệt được võ trang phòng bị, năm nào là năm bể Thái bình lặng hẳn cái phong ba tranh chiến, năm nào là năm đất Đại lục tiêu hẳn cái không khí hiềm thù; trong cái thế giới loài người này mà trông có được cái năm không đâu có thảm họa binh đao, không đâu có sát cơ ganh cạnh, thần công lý giữ vững quyền thưởng phạt, đuôc nhân tạo soi tỏ lối sĩ cuồng, năm châu sáu giống đều đầm thấm cái tình nghĩa đồng bào, giàu khó sang hèn đều êm ả cái tinh thần bác ái thì lại cần phải có mỗi năm xuất hiện ra bao nhiêu bậc tiên tri tiên giác đem chân lý chính nghĩa mà cảnh tỉnh cho lũ quần manh, bao nhiêu bậc đại thánh đại từ lấy nghị lực tinh tâm mà cải cách cho nền xã hội, mới dìu dắt nổi người đời lên đền xuân cõi thọ, mà cái nước cũ này cũng được dự một phần hạnh phúc trong chỗ hòa khí xuân phong.

Ấy mừng về thế, tủi về thế, cái năm mới này, cái nước cũ này làm cho ta chứa chan vô hạn những nỗi tủi nỗi mừng là thế, nhưng mà thôi, mừng hão có ích chi, mà tủi lắm chỉ càng thêm cực. Hỡi quốc dân ta ơi! Ta đừng quá tủi, ta cứ nên hăng hái tiến thủ, việc nào việc nấy, nghề nào nghề nấy, cũng cố công cùng sức, theo với năm mới mà thêm giỏi thêm hay. Ta lại chớ vội mừng, ta phải lo sinh kế của ta làm thế nào mà được doanh dư, trí thức của ta làm thế nào mà được sáng sủa; về đường học thuật, về đường thực nghiệp đều mỗi năm mỗi mới, mà dần dần theo chân nối gót được với các dân tộc tiên tiến trên hoàn cầu. Càng mừng bao nhiêu thì ta càng phải nong nả bấy nhiêu, càng tủi bao nhiêu thì ta càng phải gắng gỏi bấy nhiêu, chăm làm chịu học, cả nước một lòng, đào luyện lấy cái tư cách mới của mình, mở mang lấy cái vận mệnh mới của mình, ấy chính là một cách ta báo đáp nước cũ ta rất xứng đáng mà không đến nỗi cô phụ mất cái thì giờ năm mới của ta vậy.

Dương Bá Trạc

image_pdfimage_print

Trả lời

Điện thoại
Messenger
Zalo
Facebook
Liên hệ