Công chính
[1129] Bây giờ, xét đến các điểm trong nghiên cứu của chúng ta về Công Chính và Bất Chính, xem xét (1) đối tượng của chúng là những loại hành động nào, và (2) loại trạng thái Trung Đạo Công Chính là gì, và giữa những cực nào thì hành động Công Chính, là Trung Đạo. Và nghiên cứu sẽ được tiến hành theo cùng một phương pháp như chúng ta đã quan sát trong các phần đã nêu ở trên của khảo luận này. Sau đó, chúng ta thấy rằng tất cả mọi người dùng khái niệm “Công Chính” như một trạng thái đạo đức mà nhờ có nó, con người có khả năng làm những gì công bằng, và thực sự làm điều đó, và mong muốn điều đó tồn tại: tương tự như vậy đối với Bất Chính, một trạng thái đạo đức như vậy khiến con người làm điều Bất Chính và mong muốn điều bất chính xảy ra: chúng ta cũng hãy bằng lòng với những điều này như một nền tảng ban đầu. Tôi đề cập đến hai vấn đề này, bởi vì điều tương tự không đúng với Khoa Học hay Khả Năng như đối với trạng thái tính cách: Tôi muốn nói là trong khi người ta nghĩ rằng cùng một Khả Năng hay Khoa Học có thể dung hòa những điều đối lập, một Trạng Thái lại không: sức khỏe, chẳng hạn, người ta chỉ làm những điều có lợi cho sức khỏe, chứ không phải những điều ngược lại; chúng ta nói một người đàn ông đi bộ một cách khỏe mạnh khi anh ta đi như cách một người đàn ông khỏe mạnh sẽ đi. Tuy nhiên, trong hai trạng thái trái ngược nhau, thường thì người ta có thể biết đến trạng thái này thông qua trạng thái kia và hiểu rõ một trạng thái qua đối tượng biểu hiện của chúng: biết được trạng thái tốt là gì, thì cũng sẽ dễ dàng hiểu được trạng thái xấu, và từ những điều thuộc về trạng thái tốt của cơ thể, người ta có thể hiểu được trạng thái tốt đó, và ngược lại. Ví dụ, nếu trạng thái tốt là sự chắc khỏe của thịt thì nó kéo theo trạng thái xấu là sự mềm nhũn của thịt; và bất cứ điều gì tạo nên sự chắc khỏe của thịt thì đều được liên hệ với trạng thái tốt. Hơn nữa, nói chung, một trong hai khái niệm trái ngược này được sử dụng theo nhiều nghĩa thì khái niệm còn lại cũng sẽ như vậy; ví dụ như, nếu khái niệm “Công Chính” mang tính đa nghĩa, thì “Bất Chính” cũng sẽ như vậy. Bây giờ Công Chính và Bất Chính dường như được sử dụng theo nhiều nghĩa, nhưng, bởi vì ranh giới giữa chúng rất mỏng manh, thường thì sự đa nghĩa đó trở nên khá mờ nhạt, và không rõ ràng như khi các nghĩa này khác xa nhau, bởi vậy trong trường hợp thứ hai, sự khác biệt có thể nhìn thấy là rất lớn, ví dụ, từ [tiếng Hy Lạp: klehis] cũng được sử dụng để chỉ phần xương nằm dưới cổ của động vật và đồng thời chỉ dụng cụ mà mọi người dùng để đóng cửa. Giờ hãy thử phân tích xem khái niệm “Người Bất Chính” được sử dụng với bao nhiêu nghĩa. Một kẻ vi phạm pháp luật, và một người tham lam, và một người không công bằng, tất cả đều được coi là Bất Chính, và rõ ràng nếu là người Công Chính, anh ta sẽ là người hành động theo luật pháp và là người công bằng. Và sau đó “những người Công Chính sẽ là những người tuân thủ pháp luật và công bằng, và “Bất Chính” là bất hợp pháp và bất công.
[1129b] Vậy, vì Người Bất Chính cũng là một kẻ tham lam, nên tất nhiên, anh ta sẽ có thái độ như vậy, đối với cả những điều tốt, nhưng không phải mọi thể loại, mà chỉ những đối tượng của sự thịnh vượng và bất hạnh và điều này nói chung là tốt nhưng cũng có thể tùy theo từng cá nhân. Tuy nhiên, người cầu mong và theo đuổi những điều này: đáng lẽ họ không nên làm vậy mà chỉ cầu nguyện rằng những điều là tuyệt đối tốt thì cũng sẽ tốt cho họ, và chọn những gì là tốt cho bản thân họ. Nhưng Người Bất Chính không phải lúc nào cũng chọn phần lớn hơn, mà thậm chí đôi khi còn ít hơn; như trong trường hợp của những điều xấu một cách tuyệt đối: nhưng dù thế, vì ít xấu xa hơn được cho là tốt theo một cách nào đó và những kẻ tham lam thì theo đuổi cái tốt cho mình, do đó, ngay cả trong trường hợp này, anh ta được cho là một người tham lam: tất nhiên anh ta cũng là một người không công bằng, đây là một khái niệm rộng và phổ biến. Chúng ta đã nói rằng người vi phạm Luật là Bất Chính, và người tuân thủ Luật pháp thì Công Chính: hơn nữa, rõ ràng là tất cả những điều Hợp pháp đều theo cách nào đó được coi là Công Chính, bởi vì khi Hợp pháp, chúng ta hiểu rõ những gì đã được định nghĩa bởi quyền lực lập pháp và mỗi điều trong đó chúng ta đều cho rằng Công Chính. Luật cũng đưa ra định hướng về tất cả các điểm, nhắm vào lợi ích chung của tất cả, hoặc của những người tốt nhất hoặc những người nắm quyền lực (hay một số thưứ thuộc loại này); theo một cách nào đó, ý của chúng tôi khi nói đến Công Chính, là nói đến những thứ có xu hướng tạo lập và giữ gìn hạnh phúc và các thành phần của nó cho cộng đồng xã hội. Hơn nữa, Luật pháp ra lệnh cho người ta làm những hành vi không chỉ của người dũng cảm (như không tự ý bỏ vị trí, hay trốn chạy, hoặc hạ vũ khí) mà của cả những người tự làm chủ bản thân, như tránh quan hệ ngoại tình và làm hài lòng thèm khát của một người; và những người điềm đạm, chẳng hạn kiềm chế không đánh người khác hoặc dùng từ ngữ làm tổn thương người khác: và trong cùng cách đó; tương tự như vậy đối với một số đức hạnh và sự đồi bại, Luật pháp cũng ra lệnh cho một số hành vi và cấm đoán một số khác, theo một cách đúng đắn nếu đó là một luật pháp tốt, và theo cách kém hơn nếu nó là một luật pháp tồi. Bây giờ sự Công Chính này thực sự là Đức hạnh trọn vẹn, nhưng không phải tuyệt đối, mà trong mối quan hệ với những người khác: và vì lý do này, Công Chính đôi khi được xem như là Đức hạnh to lớn nhất, và “Không phải Hesper hay Ngôi sao buổi sáng Rất xứng đáng với sự ngưỡng mộ của chúng ta” và trong một câu tục ngữ, chúng ta cũng nhận xét như vậy; “Tất cả Đức hạnh đều gộp trong Công Chính.” Và điều đó theo một nghĩa nhất định là Đức hạnh hoàn hảo trong ý nghĩa đầy đủ nhất bởi vì đó là sự thực hành của Đức hạnh hoàn hảo. Và hoàn hảo như vậy là bởi vì nó có thể thực hành đức hạnh của mình đối với người hàng xóm và không chỉ đơn thuần là với chính mình; ý tôi là, có nhiều người có thể biểu lộ Đức hạnh của mình trong cách điều chỉnh hành vi nhưng lại không thể nào làm điều đó trong mối quan hệ với những người láng giềng.
[1130a]. Và vì lý do này mà câu châm ngôn của Bias được cho là tốt, “Phép tắc sẽ bày tỏ con người;” vì người mang Phép tắc nhất thiết phải ở trong mối quan hệ với người khác, tức là trong một cộng đồng. Và vì lý do tương tự, chỉ riêng Công Chính trong số tất cả các Đức hạnh được coi là một đức tính tốt với những người khác, bởi vì nó làm những điều có lợi ích cho những người khác, có thể là với kẻ cai trị hoặc những thần dân của anh ta. Bây giờ anh ta là kẻ xấu xa nhất trong số những người hành xử đồi bại không chỉ với bản thân mình mà còn với người khác; nhưng anh ta sẽ là con người tốt đẹp nhất nếu sống đức hạnh không chỉ trong bản thân mà còn đối với những người xung quanh. Tuy nhiên, Công Chính theo nghĩa này không phải là một phần của Đức hạnh mà là Đức hạnh toàn vẹn; cũng không phải Bất Chính là một phần của Đồi Bại mà nó là Đồi Bại toàn vẹn. Công Chính theo nghĩa này không giống với Đức hạnh đã bàn đến trước đây. Thực ra chúng giống nhau về bản chất, nhưng điểm nhìn thì khác nhau: xét trong mối tương quan với người khác, đó là Công Chính, xét riêng lẻ như một trạng thái đạo đức thì đó là Đức hạnh.
(Còn tiếp)
Các phần