Đức hạnh là trạng thái Trung đạo (tiếp)
Thêm nữa, một người có thể đi sai đường theo nhiều cách (bởi, như các môn đệ của Pythagore đã diễn tả, cái xấu thuộc nhóm vô hạn, cái tốt thuộc nhóm hữu hạn), nhưng đường đúng chỉ có một mà thôi; và bởi thế mà cái đầu dễ dàng, còn cái sau lại khó khăn; không đạt được mục đích thì dễ, nhưng đạt được mục đích thì khó; và vì những lý do như vậy, thế nên, thái quá hay khuyết thiếu đều thuộc về Đồi Bại, và trạng thái Trung Đạo thuộc về Đức hạnh; vì, như một nhà thơ nào đó đã nói: “Con người có thể xấu theo nhiều cách, nhưng tốt thì chỉ có một đường.” Thế nên Đức hạnh là “một trạng thái tính cách liên quan với lựa chọn, trong sự Trung Đạo, ví dụ sự Trung đạo tương đối, được xác định bởi nguyên lý lý trí, và bởi những nguyên lý mà qua đó một người thật thông thái xác định trạng thái đó”. Đức hạnh là trạng thái Trung đạo giữa hai thói xấu xa, với một bên là thừa và bên còn lại là thiếu: hơn thế nữa, vì những trạng thái xấu xa một bên thì thiếu và bên còn lại thì thừa, nên sự Trung Đạo là cái đúng đắn cả trong trường hợp của cảm xúc lẫn hành vi; tuy nhiên Đức hạnh tìm ra được, và khi đã tìm thấy thì thừa nhận, sự Trung Đạo. Và do đó, liên quan tới bản chất và định nghĩa của phát biểu: Đức hạnh là trạng thái Trung Đạo, là [liên quan tới] điều tốt nhất và đúng đắn tột bậc.
Tuy nhiên, không nên cho rằng mọi hành vi hoặc cảm xúc đều có thể tồn tại ở trạng thái Trung Đạo này, bởi một vài trong số chúng được đặt tên như thể để tức thì truyền đạt ý niệm về cái xấu, như là ác tâm, vô liêm sỉ, đố kị; hoặc, thí dụ như các hành vi thông dâm, trộm cắp, giết người; đối với tất cả những điều này và những điều tương tự thế đều bị chỉ trích vì chúng xấu xa từ bản chất, không phải vì chúng có quá nhiều hay quá ít. Vì thế nên khi mắc vào những điều này, bạn không bao giờ có thể đi đúng đường, mà chắc chắn luôn sai; đồng thời đối với chúng thì đúng hay sai không phụ thuộc vào sự lựa chọn đúng người, đúng thời điểm hay đúng cách (chẳng hạn như mắc vào tội thông dâm), mà đơn giản là phạm vào bất kỳ điều nào trong số những điều đó cũng đều là sai trái. Có thể bạn cũng đòi hỏi rằng nên xác định trạng thái Trung Đạo, thái quá và khuyết thiếu đối với hành vi bất công, tính hèn nhát, hay hoàn toàn mất kiểm soát đối với những đam mê. Vì ở mức độ này sẽ có một trạng thái Trung Đạo giữa thái quá và khuyết thiếu; thái quá của thái quá; và khuyết thiếu của khuyết thiếu. Tuy nhiên, cũng giống như Điều độ và lòng dũng cảm không có sự thái quá và khuyết thiếu vì sự Trung Đạo được xem là trạng thái khả thi nhất với chúng, tương tự như vậy không trạng thái nào trong số những thói xấu này mà bạn có thể đạt Trung Đạo, thái quá, hay khuyết thiếu, nhưng dù có được thực hiện ở mức độ nào thì chúng cũng sai trái. Nói tóm lại, bạn không thể có sự thái quá và khuyết thiếu trong trạng thái Trung Đạo cũng như không thể có trạng thái Trung Đạo trong sự thái quá và khuyết thiếu.
(Còn tiếp)