Sự hình thành gia đình
Nếu ta xem xét sự vật từ ngọn nguồn, dù sự vật đó là một nhà nước hay cái gì đi nữa, ta sẽ có được nhận thức rõ ràng nhất về sự vật đó. Thoạt kỳ thuỷ phải có một sự kết hợp nào đó giữa những sự vật mà không thể hiện hữu được nếu thiếu nhau. (i) Giống đực và giống cái phải kết hợp để lưu truyền dòng giống có cùng bản tính như chúng; hành vi này không phải do ý thức, nhưng do bản năng tự nhiên có sẵn trong các loài động vật cũng như thực vật. Thứ đến, (ii) phải có sự kết hợp giữa các phần tử Quản lý một cách tự nhiên và các phần tử bị quản lý một cách tự nhiên. Những phần tử có khả năng, nhờ sự khôn ngoan biết tính toán, lo xa, dĩ nhiên trở thành phần tử Quản lý, còn những phần tử mà khả năng chỉ do sức mạnh của thể chất mang lại, để làm những gì mà phần tử kia hoạch định, là phần tử bị quản lý; do đó, đương nhiên ở trong tình trạng lệ thuộc. Sự kết hợp giữa người chủ và người lao động được lập thành vì cả hai có chung quyền lợi [chủ và tớ làm đủ cho nhau].
Thiên nhiên phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa phụ nữ và người lao động, và thiên nhiên không hà tiện như gã thợ rèn kia khi đánh con dao Delphi đa dụng dùng được vào nhiều việc; thiên nhiên tạo ra mỗi vật cho một mục đích, và mỗi dụng cụ sẽ được tạo thành tốt nhất để sử dụng cho một mục đích chứ không phải cho nhiều mục đích. Thế nhưng trong đám những kẻ man rợ [và điều này trái với trật tự tự nhiên], phụ nữ và người lao động được coi như nhau – lý do là vì không có phần tử quản lý nào trong bọn họ, và sự kết hợp vợ chồng trở thành cuộc kết hợp giữa người lao động nữ và người chủ. Do đó mà các thi sĩ của chúng ta đã nói: “Cũng là xứng đáng thế thôi, cho người man rợ làm tôi Hy Lạp.” Vì họ nghĩ rằng các kẻ man rợ và người lao động trời sinh ra như nhau.
Từ quan hệ giữa nam và nữ và quan hệ giữa chủ và người lao động, gia đình là kết quả đầu tiên, và thi sĩ Hesiod đã nói: “Có nhà, có vợ, có trâu đi cày.” Con trâu có thể coi như là người lao động của người nghèo vậy. Gia đình là sự quần tụ được thiên nhiên thiết lập nhằm cung ứng cho con người các nhu cầu thường ngày, và thành viên của gia đình được Charondas gọi là “những người ăn cùng mâm,” và được Epimenides, người đảo Crete, gọi là “những người uống chung máng.”
(Còn tiếp)