Nghệ thuật làm giàu phản tự nhiên
Đến đây ta đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên: Có phải nghệ thuật làm giàu là một nghệ thuật thuộc phạm vi của người quản trị gia đình và của nhà lãnh đạo chính trị, có nghĩa là giàu có được tiền giả định bởi họ? Vì khoa chính trị học không dạy nhà lãnh đạo chính trị cách thức tích luỹ tài sản, mà dạy cách sử dụng sản vật từ thiên nhiên cung ứng cho con người từ đất đai, biển cả, hay từ những nguồn khác làm thực phẩm. [Cho nên,] trong giai đoạn này, bổn phận của người quản trị hộ gia đình là quản trị hữu hiệu những gì mà thiên nhiên cung cấp; ta có thể so sánh nghệ thuật quản trị của người chủ hộ với thợ dệt vải, không phải là làm ra len mà là sử dụng len như thế nào, và biết phân biệt loại nào là tốt, sử dụng được, và loại nào là xấu, không dùng được vào việc gì. Nếu không phải như vậy thì thật khó mà hiểu được là nếu nghệ thuật tích luỹ của cải được xem là một phần của nghệ thuật quản trị gia đình, thì tại sao nghề thuốc lại không được xem là một phần của nghệ thuật quản trị gia đình, vì chắc chắn là các thành viên của gia đình cũng cần có sức khoẻ, như cần các nhu yếu phẩm khác. Có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này, thứ nhất người quản trị hộ gia đình cũng như của người lãnh đạo quốc gia có bổn phận lo cho sức khoẻ của các thành viên, nhưng quan điểm thứ hai lại cho rằng đó là bổn phận của người y sĩ. Tương tự như vậy, nghệ thuật tích luỹ tài sản, hiểu theo nghĩa thứ nhất, là công việc của người quản trị gia đình, và hiểu theo nghĩa thứ hai, nghệ thuật này chỉ là một nghệ thuật phụ thuộc. Nhưng như tôi đã nói, hiểu một cách đúng đắn, các phương tiện [cần thiết] cho đời sống đã được thiên nhiên cung cấp sẵn cho con người rồi, bởi vì nhiệm vụ của thiên nhiên là cung cấp dưỡng chất cho các sinh vật, như ta thấy thực phẩm cho con cái của các loài động vật đều từ dưỡng chất của con vật mẹ làm ra. Như thế, nghệ thuật làm giàu từ cây trái và thú vật luôn luôn là một nghệ thuật tự nhiên. Có hai loại tích luỹ tài sản, như tôi đã trình bày; một loại là một bộ phận của quản trị gia đình, loại kia là buôn bán: loại thứ nhất là loại đáng được khen ngợi và cần thiết; loại thứ hai đáng bị khiển trách vì nó không tự nhiên [như từ thực vật hoặc động vật], và là một hình thức trong đó con người thu lợi từ người khác. Sự cho vay lấy lãi là hình thức đáng bị khinh ghét nhất, và ta có lý do chính đáng nhất để khinh ghét như vậy, vì đó là sự kiếm lời từ tiền bạc, chứ không phải từ bản chất tự nhiên của tiền bạc [dùng để trao đổi hàng hoá]. Và danh từ “lãi suất” có nghĩa là tiền đẻ ra tiền vì con cái ắt phải giống cha mẹ. Do đó, trong tất cả mọi phương thức tích luỹ tài sản, cho vay lấy lời là phương thức phản tự nhiên nhất.
(Còn tiếp)