Nghe bài viết
|
Kính cáo thanh niên
Thanh niên ! Thanh niên ! vẻ vang thay ! oanh liệt thay ! cái huy hiệu ấy, sao không đặt cho những người lớn ba mươi tuổi sấp tới, những cụ già sáu mươi tuổi trở lên, mà chỉ để phụng cho những cậu mười tám hai mươi đầu còn xanh, tuổi còn trẻ? Các cậu được cái huy hiệu vẻ vang oanh liệt như thế, sao nên khinh thường, sao nên nhận hão, lẽ nào lại không gắng tài gắng sức để khỏi cô phụ cái vinh danh? Đây xin vì các cậu thanh niên ta thuật những điều lập thân xử thế phải nên chú ý.
- Phải đoàn luyện thân thể. Cái tinh thần kiệm toàn gửi ở trong cái thân thể kiện toàn, lẽ ấy tưởng bây giờ ai cũng đã hiểu hết. Coi ngày thường mình xem sách, làm việc, lúc nào trong mình khỏe mạnh, thì thấy tinh thần sảng khoái, mà nghĩa lý mau hiểu, công việc mau xong; còn lúc mệt nhọc, thì thấy tinh thần đồi bại, dù có dụng công hết sức đi nữa, cũng thấy chán thấy mỏi, luẩn quẩn không cái gì ra cái gì. Thân thể với tinh thần mạnh yếu nó quan hệ nhau như thế, không sớm biết lo cái kế tự cường được ư? Huống chi người ta thân thể phát dục, toàn tại lúc thanh niên; mất thời cơ này, sau hối không kịp nữa. Không kể ăn mặc cư xử phải cho có tiết độ, giữ hợp cách vệ sinh, còn những phương pháp vận động để mạnh người, cũng kíp nên giảng cứu. Lúc ở trong trường học, đừng bảo hôm nay có giờ thể thao mới phải luyện tập, ngày mai không công khóa ấy thì đình chỉ được. Lúc đi làm công việc, đừng bảo khi ở nhà trường có công khóa thể thao, phải luyện tập cho bằng người, bây giờ không phải phí cái thì giờ ấy nữa. Bất luận người nào, ngày nào cũng nên có một cái thì giờ để tập luyện thân thể; cốt phải lượng thể chất mình, tìm phương pháp luyện tập cho vừa phải, có thời gian nhất định, có trình hạn thích nghi, tuy bận công bận việc cũng không trừa, tuy trời nắng trời mưa cũng không bỏ; thực hành như thế, có ích cho thân thể phát dục thật nhiều; có cái thân thể kiện toàn để chứa cái tinh thần kiện toàn, sự nghiệp trong đời người tất gánh vác được dư dụ vậy.
- Phải ức chế ngạo khí: Lão ô bách tuế, vẫn không bằng phụng hoàng sơ sinh; nhưng tự thị quá cao, vụ hư danh mà không chăm thực tế, về đường tiến đức tu nghiệp có cái ảnh hưởng rất to, mà trên không kính, dưới không nhường, biện sự sinh nhiều trở lực, dù có tài có trí, cũng khó phát triển cho được hoàn toàn. Tỉ như học được hơi có tri thức về nghề nông hay nghề công, chưa chịu tiềm tâm nghiên cứu cho đến đầu đến đuôi, đã vội chê mấy ông lão nhà quê, mấy ông phó làm thợ; cử động như thế, túng nhiên có giỏi đi nữa, cũng chẳng nên nuôi cái tính xấu vô vị ấy để mất lòng người; nếu mình chưa ra gì, thì cái tính xấu vô vị ấy, lại làm trướng ngại cho con đường tiến bộ của mình một đời nữa. Đến như cái cách cùng người giao tiếp, đừng phùng nghênh siểm mị ai thì chớ, chòn cái lễ chu toàn khoản tiếp, khiêm cung từ tốn vẫn là hay; nếu ăn nói lung lăng, đi đứng lấc cấc, đến nỗi người ta chán, người ta ghét, người ta chê cười, đối với sự nghiệp mình, thực có hại lắm. Kinh thư nói: Khiêm chịu thêm; đày hay đổ; Đức Khổng Tử nói: Có tài tốt như ông Châu Công mà kiêu và lận cũng chẳng đủ khen. Nên bội phục hai lời nói ấy.
- Phải nhẫn nại lao khổ. Việc thiên hạ không phải nhọc lòng sức mà kiểu hãnh thành công, gián hoặc cũng có, nhưng lấy làm lệ thường sao được. Thử tự hỏi mình, có ai sinh ở trên đời, không làm nghề gì, không tính việc gì, chịu làm khi nhân, mục cùng cây cỏ mà thôi chăng? Nếu đã có làm, có tính, thì bất kỳ nghề gì, việc gì tất cũng phải nhọc cân cốt, khổ tâm chí mới được, cân cốt mà chịu được nhọc, tâm chí mà chịu được khổ, tất bình thời phải có công phu dự bị mới nên. Thường thấy nhiều cậu thanh niên, có chí theo học công nghệ, mà chưa từng tập sự khó nhọc bao giờ, nhất đán vào trường công nghiệp, tai nghe, mắt thấy cho đến tay mó, chân đụng cái gì cũng tình những cảnh không thế nào chịu nổi, rồi mà hồi tâm đoản khí, bỏ nghề này xoay nghề khác, nhất sự vô thành, ấy biết hiếm là người. Xin các cậu thanh niên, phàm những cái làm nhọc cân cốt ta, khổ tâm chí ta, đều là cơ hội tốt luyện tập thân tâm ta vậy; gặp việc nên làm, nhọc cách mấy khổ cách mấy, cũng đều nên phấn chấn mà hoan nghênh, không nên dụt dè mà trốn tránh; cân cốt ngày thêm mạnh, tâm chí ngày thêm bền, thiên hạ không việc gì là không làm được.
- Phải giới trừ tính ỷ lại. Loài người ta sở dĩ đáng quí là vì có tính hay tự lập; nhân có tính hay tự lập cho nên hay vận dụng trí khôn, chi phối muôn vật, nhất thiết những loài không tính tự lập đều bị loài người ta khu xử được, thế giới mới được ngày mới tháng lạ như bây giờ. Tuy vậy, lấy tuổi từng người mà nói, đương thời kỳ ấu trĩ, thường giàu về tính ỷ lại mà hiếm về tính tự lập, mỗi ngày một lớn, tính ỷ lại dần tiêu diệt mà tính tự lập mới dần thêm lên. Lấy sự tiến hóa trong đời người mà nói, tự sơn mãn mà giã man, tự giã man mà bán khai, tự bán khai mà văn minh, trình độ tiến hóa đến đâu, thì tính tự lập cùng tính ỷ lại cũng theo đó mà nhiều ít đến đấy. Khoa học luân lý nghiên cứu tâm lý trẻ con, biết trẻ con là có nhiều cái tính bắt chước; loài vượn cũng vậy. Đến lúc loài vượn tiến làm loài người, trẻ con tiến làm người lớn, thì não cân tư tưởng tất có biến hóa theo. Nhưng nếu không biết chú ý, thường có nghiễm nhiên là loài người, nghiễm nhiên là người lớn mà tính ỷ lại vẫn không tiêu diệt, tính tự lập vẫn không thêm lên. Xin các cậu thanh niên ta nên gắng cố công phu tu dưỡng, học gì kì cho được, làm gì kì cho nên; ta học là chủ để mở mang trí thức cho ta, không phải chỉ vì nốt thầy giáo, bằng hàn trường mà qua loa cho xong truyện; ta làm là làm để thu lập công danh của ta, không phải chỉ vì phạt lương, cầu thăng trật mà nhuế nhóa cho tối ngày; ta có tai mắt, ta có tâm tư, ta niên phú lực cường, đường đường một đứng nam nhi trên thế giới, lẽ nào ta lại như loài vượn, như đứa trẻ con; không phải ai khích lệ ta mới học; không phải ai giám đốc ta mới làm; ông Mạnh Tử nói: Người tự bỏ mình, không làm gì được; Lời ngạn ngữ Tây nói: Trời giúp kẻ tự giúp mình, tức nghĩa ấy vậy.
- Phải khắc chế tư dục. Người ta có dục vọng là cái tính tự nhiên vậy. Vì có dục vọng mà người ta ở trên thế giới, phàm trăm sự nghiệp, mới một ngày một thêm lên; cho nên cái dục vọng chánh đáng của người ta, giá trị rất lớn; đền những kẻ tinh thần lầm loạn, mê đắm về cái sự thích con mắt, lỗ tai, thế gọi là tư dục. Hiền nhân quân tử đời trước, lấy dục làm cừu địch với đạo đức mà cố làm cho tốc gốc lấp nguồn, tức là dạy người ta khắc chế cái tư dục đó vậy. Các cậu thanh niên nên lập chí từ bây giờ, trong lòng thường có một cái dục vọng thật chánh đáng; hoặc có khi vui tai vui mắt, có mầm tư dục nó nẩy ra, thì phải có nghị lực nhổ tiệt ngay nó đi, đừng để nó tư man mọc lên được; như nghe người ta chơi bời du đãng, tức thì có bụng ham vui, thấy người ta quần nọ áo kia, tức thì sinh lòng hâm tiễn, tình thường ai chẳng như thế; mà cái tư dục ấy nó hoành hành được không thì tùy theo cái công phu khắc chế của mình mà định. Nếu không công phu khắc chế, thì chẳng ma sắc thần men nó quyến rũ, cũng làng chơi tuồng bợm nó rủ rê, đường quang không đi, đâm quàng đường rậm, xa cơ một bước, di hận ngàn năm, phải sợ mới được.
- Phải tu luyện thường thức. Những học vấn cao sâu, vẫn cần phải nghiên cứu, mà những thường thức về công việc người ta trong xã hội, cũng có kinh lịch, mới có thông tài. Đại để như những nhân tình phong tục trong xứ nhà, cách làm ăn buôn bán trong xã hội, cái lễ thừa thượng tiếp hạ, cái lệ tang tế quan hôn, đều nên lưu ý cả; còn các cái tri thức quan về học vấn, công phu ở trên đống giấy, nhiên cứu đã rất tinh tường, mà suy ra thực tế, lại còn có khảo nghiệm nhiều ít mới được. Lời người xưa có nói: vào cõi hỏi cấm, vào nước hỏi tục. Lệ các nước văn minh bây giờ, học trò trong các trường học, khi bãi trường hoặc khi tốt nghiệp thường cho đi du lịch các xứ. Phương ngôn ta có câu: đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn, cũng chủ để tu luyện thường thức vậy.
- Phải cẩn thận chơi bạn. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng; học thầy không tầy học bạn. Bạn cùng mình tuổi ngang nhau, tâm chí hợp nhau, công chuyện chung nhau, ngày nào cũng cùng nhau tiếp cận, cảm hóa thực thần tốc không gì bằng. Bạn mà quả hay, được ích nhiều lắm; nếu không phải thiện loại, mà dẫn dụ ta làm sằng, thì nguy hiểm biết đến đâu mà kể. Cho nên băn đầu giao tiếp, phải cẩn thận lắm mới nên. Đức Khổng Tử nói: Ba thứ bạn ích cho mình; ba thứ bạn tổn hại mình; bạn thẳng, bạn thực, bạn nghe biết nhiều, ích cho mình; bạn gian giảo, bạn mềm khéo, bạn siểm nịnh, tổn cho mình. Ở nước Anh thiếu niên nghĩa dũng đoàn luyện tập phép xem người, cho là cứ cái thức đội mũ, đã đủ rõ cái phẩm tính người ta: đội mũ hơi nghiêng, phần nhiều là người trung hậu, sép quá, phần nhiều là người dữ tợ, hếch đằng sau, phần nhiều là người phụ bạc, ngay phẳng, phần nhiều là người cẩn thận mà hơi trì độn. Lại coi lúc đi đường, người vũ phu đi thường khinh khoái, đồ du thủ đi thường hoãn mạn. Lại xem xét đôi giày người ta đi, thường cũng đoán định được nhân phẩm: gót giày mòn hai bên bằng nhau, người đó phần nhiều tín thực, bên ngoài mòn nhiều, người đó phần nhiều giàu có sức tưởng tượng và tính mạo hiểm, mòn quá vào bên trong, người đó phần nhiều nhu nhược mà ít tính quyết đoán. Phàm ấy đều là những khóe nên chủ ý ở trong trường giao tế vậy. Tổng chi mình biết cẩn thận, mình chịu tĩnh tâm xem xét, tự nhiên không đến nỗi lầm.
Mấy điều kể trên, điều là yếu trước các cậu thanh niên ta lập thân xử thế, nên thường thường xét mình mãnh tỉnh, tùy thời tùy việc, lưu tâm giác ngộ, tất nhiên về đường đạo đức, về đường tri thức, có tấn tới được nhiều. Thanh niên ! Thanh niên ! vinh danh ấy xin đừng có phụ; đường mây muôn dặm, gánh vác còn xa, một con đường đi ngược đi xuôi, một sợi tơ nhuộm xanh nhuộm đỏ, ấy tại các cậu !
Dương Bá Trạc