Nghe bài viết
|
II/ NỀN TƯ PHÁP HÌNH SỰ NẶNG TÍNH CHUYÊN CHẾ GÂY HẠI CHO CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP VÀ DOANH NHÂN
Nền tư pháp cần kiến tạo ra môi trường pháp lý thân thiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Nhưng lâu nay nền tư pháp đã giúp kiến tạo ra môi trường pháp lý thân thiện cho phát triển kinh tế hay chưa?
Đâu là vấn đề nghiêm trọng nhất của nền tư pháp hình sự?
Hôm 28/10/2016, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ công an đã báo cáo trước Quốc Hội về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016. Theo đó số liệu thống kê cho biết năm 2016 đã khởi tố mới trên 70.430 vụ án với hơn 102.441 bị can.
Trước đó, về tình hình tội phạm năm 2015 số liệu tổng hợp cũng cho biết đã xử lý khoảng 77 nghìn vụ án với hơn 100 nghìn nghi phạm hình sự năm 2015.
Các con số tội phạm đó rất lớn, cho thấy tình trạng tội phạm trong xã hội rất nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra là làm sao để việc xử lý tội phạm đảm bảo được công lý. Tức là phải làm sao để việc xử lý tội phạm giúp tạo ra được môi trường an toàn, đem lại bình yên cho nhân dân. Chứ đừng để việc xử lý tội phạm với những bất cập tai hại của nó lại là nguyên nhân góp phần gây thêm lên tình trạng phạm tội.
Ở một diễn biến khác, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 lần đầu tiên đã đưa vào sử dụng hai từ Công lý mà trước đó không có. Theo đó nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự ngoài mục tiêu cũ như không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì có thêm mục tiêu mới bảo vệ Công lý.
Vậy tại sao bây giờ lại phải thêm vào mục tiêu bảo vệ Công lý? Trước đó đặt mục tiêu không bỏ lọt, không làm oan vẫn chưa đủ hay sao? Có thể hiểu thế này, nếu mục tiêu chỉ là xử lý đúng người đúng tội thì vẫn có khả năng người ta bất chấp phương thức thủ đoạn để xử lý tội phạm mà theo đó không có công lý. Ví như quá trình điều tra xử lý án xảy ra tình trạng lạm quyền bạo hành thông qua các hoạt động lạm dụng bắt bớ, giam giữ kéo dài, đánh đập bức ép buộc phải khai báo và và đời sống nghiệt ngã khổ sở trong môi trường giam giữ. Tất cả những yếu tố này khiến con người bị hủy hoại nhân phẩm, làm mất niềm tin vào sự nghiêm chính của pháp luật và cơ quan công quyền.
Trong khi đó, đừng quên rằng hầu hết các tội phạm sau khi mãn hạn tù họ lại trở về với đầy đủ quyền công dân. Vậy với kinh nghiệm đã trải qua và ký ức lưu giữ liệu họ có còn tín nhiệm vào nền tư pháp? Hay họ đã trở lên táo tợn liều lĩnh, khinh thường những giá trị trật tự xã hội và thù địch với trật tự công quyền?
Trong khi cả nước mỗi năm có hàng trăm nghìn người vướng vào vòng tố tụng hình sự, việc họ còn hay mất niềm tin vào nền tư pháp công chính là rất quan trọng để giữ trật tự xã hội và kiến tạo môi trường pháp lý an toàn. Đằng sau hàng trăm nghìn con người đó lại có hàng trăm nghìn gia đình và người thân, họ sẽ kể lại cho nhau nghe những câu chuyện và truyền cho nhau những kinh nghiệm. Vậy liệu những câu chuyện và kinh nghiệm của họ sẽ vun đúc hay hủy hoại sự nghiêm chính của nền tư pháp?
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào phân tích đánh giá về mối liên quan giữa tình trạng bạo quyền xâm phạm nhân phẩm trong vòng tố tụng hình sự và tình trạng tội phạm. Tuy vậy có thể nhận định là giữa chúng có mối liên quan và có mối quan hệ nhân quả với nhau.
Thực tế lâu nay, vì chỉ coi trọng xử lý tội phạm cho nên đã xảy ra tình trạng xem nhẹ quyền công dân làm mất đi giá trị công lý. Quá trình điều tra giải quyết án hình sự với những lạm dụng bất cập đã gây thêm ra tình trạng bạo lực và tội phạm. Nhận thức được vấn đề cho nên Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã được Quốc hội bổ sung thêm mục tiêu bảo vệ Công lý, và để thực hiện được mục tiêu này luật cũng đã tiếp thu đưa vào một số chế định mới như quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can và vai trò lớn hơn của luật sư bào chữa. Những chế định mới này là nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm quyền và bạo hành khiến cho việc xử lý tội phạm tuy đúng người đúng tôi nhưng vẫn không có công lý như đã nói ở trên.
Những chế định mới sẽ giúp bảo vệ nhân phẩm con người trong suốt quá trình điều tra xử lý tội phạm, giảm tránh những lạm quyền bất chấp phương thức thủ đoạn. Vì việc điều tra xử lý tội phạm xét cho cùng cũng chỉ là phương tiện nhằm đạt đến mục tiêu bảo vệ các quyền công dân, cho nên phương tiện không được chống lại mục tiêu hướng đến. Việc điều tra xử lý tội phạm phải tuân theo những chuẩn mực giá trị không được đi ngược lại mục tiêu bảo vệ dân quyền.
Những chế định mới về quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung, và vai trò lớn hơn của luật sư bào chữa sẽ giúp ngăn chặn cái dễ xảy ra nhất trong hoạt động điều tra đó là đánh đập bức bách phải khai báo. Bởi vì ‘cái điều dễ xảy ra nhất trong hoạt động điều tra’ đó, nó làm tiêu ma luôn mục đích ý nghĩa của hoạt động xử lý tội phạm là bảo vệ dân quyền. Và nó gây ra hệ lụy xấu cho xã hội, vì hãy thử hình dung xem cái cơ chế tư pháp kiểu đó sẽ cung cấp cho xã hội các công dân kiểu gì, hay làm tha hóa họ?
Cho nên đứng trước số liệu về thực trạng tội phạm trong xã hội hiện nay, cần nhận ra được vấn đề nghiêm trọng nhất của nền tư pháp hình sự là gì. Đó không phải là vấn đề án oan hay vấn đề bỏ lọt tội phạm, mà đó là tình trạng lạm quyền và bạo hành ẩn chứa trong hàng chục nghìn vụ án hình sự bình thường mỗi năm, với hàng trăm nghìn nghi can hình sự. Tình trạng lạm quyền và bạo hành khiến cho việc xử lý tội phạm tuy đúng người đúng tội nhưng vẫn không có công lý. Và nó khiến cho việc xử lý tội phạm với những bất cập tai hại của nó lại là nguyên nhân gây thêm lên tình trạng bạo lực và tội phạm trong đời sống xã hội.
Điều này đòi hỏi những khoản phí tổn kinh tế lớn để ngăn chặn khắc phục và không giúp kiến tạo môi trường xã hội an toàn cho tài sản công dân, làm đen bẩn môi trường đầu tư và phát triển kinh tế đất nước.
Nền tư pháp hình sự nặng tính chuyên chế, gây hại cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân.
Nền tư pháp hình sự nặng tính chuyên chế làm cho đời sống dân chủ bị ngột ngạt nặng nề, làm giảm sút năng lực hoạt động của người dân nói chung, gây hại không riêng gì cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân. Nhưng vì hiện nay các ban ngành đang cố gắng thúc đẩy phát triển nền kinh tế và coi trọng doanh nghiệp, cho nên tôi viện dẫn sự ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp để soi xét vấn đề giúp dễ thấy được tác hại ảnh hưởng.
Chúng ta biết rằng các quyền hạn trong lĩnh vực tư pháp xét cho cùng cũng chỉ bao gồm một cơ số các quyền nhất định, nhưng lâu nay việc phân bổ thực hiện các quyền không hợp lý dẫn đến nền tư pháp còn xộc xệch và còn nặng tính chuyên chế. Cải cách tư pháp thực chất là hoạt động sắp xếp, căn chỉnh, phân bổ lại việc nắm giữ và thực hiện các quyền hạn pháp lý sao cho hợp lý. Điều này tất yếu dẫn đến hệ quả là cơ quan nào lâu nay nhiều quyền thì phải giảm bớt (như cơ quan điều tra), cơ quan nào yếu quyền thì tăng lên (như luật sư và tòa án).
Ví như lâu nay cơ quan điều tra lại nắm luôn quyền quản lý các trại giam giữ, hay việc cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều được nắm quyền bắt giam giữ, khám xét và thu giữ đồ vật. Vừa khởi tố, vừa bắt giữ, vừa giam giữ lại vừa điều tra. Sự tập trung lớn quyền như vậy dễ dẫn đến lạm quyền bạo hành gây hại cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân. Để thấy rõ hơn hãy nhìn sang thể chế tư pháp của hai nước gần gũi là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Năm 2017 báo chí trong nước đưa tin về sự kiện pháp lý xảy ra bên Hàn Quốc xung quanh vụ việc của tập đoàn Samsung, một cơ quan Viện công tố đã đề nghị Tòa án ra lệnh bắt giữ Phó chủ tịch tập đoàn Samsung liên quan đến các cáo buộc phạm tội. Sau đó Tòa án trung tâm Seoul đã bác bỏ đề nghị bắt giữ của Viện công tố.
Samsung là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, có mặt từ năm 1996 đến nay đã hơn hai mươi năm, Samsung đã đầu tư hàng chục tỷ USD và tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm. Với hai nhà máy lớn ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, giá trị hàng xuất khẩu của Samsung đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP của Việt Nam. Sự việc được báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi và phần nhiều được quan tâm do những ảnh hưởng kinh tế, nhưng nhìn theo góc độ tư pháp sự việc sẽ cho thấy nhiều điều.
Năm 2016 báo chí trong nước trong đó có trang báo điện tử của Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ‘Tòa án Hàn Quốc bác đề nghị ra lệnh bắt giữ cựu Phó Chủ tịch POSCO’, nội dung nói về lãnh đạo tập đoàn sản xuất thép hàng đầu thế giới bị cáo buộc tham nhũng và lập quỹ đen. Cơ quan tòa án trong vụ việc này cũng bác bỏ đề nghị bắt giữ của viện công tố.
Cũng trong năm 2016 Tòa án quận trung tâm Seoul cũng bác bỏ đề nghị bắt giữ của Viện công tố đối với Chủ tịch tập đoàn Lotte, một thương hiệu lớn cũng đã có mặt và quen thuộc đối với người Việt Nam.
Đây là những sự kiện diễn ra trong đời sống thực, được báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi. Ngoài việc đưa tin có tính thời sự, các bài báo cung cấp một thông tin pháp lý đáng chú ý, đó là ở Hàn Quốc tòa án có quyền bác đề nghị bắt giữ của cơ quan công tố. Theo các bài báo thì tòa án bác bỏ việc bắt là Tòa án quận trung tâm Seoul, quyết định được đưa ra với lý do việc bắt giữ để phục vụ điều tra là không cần thiết.
Những sự kiện pháp lý đó cho thấy tòa án Hàn Quốc nắm giữ đầy đủ thẩm quyền định đoạt việc bắt hay không bắt. Tìm hiểu thêm thì thấy đây là kết quả thực thi quy định từ Hiến pháp nước này. Liên quan đến việc bắt giữ Hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Trong trường hợp bắt, giam giữ, tịch thu tài sản hoặc khám xét thì cần phải có lệnh của thẩm phán thông qua các thủ tục luật định và trên cơ sở phải có yêu cầu của một công tố viên, trừ trường hợp một nghi phạm hình sự bị bắt quả tang”. Theo quy định này thì không chỉ việc bắt mà cả việc khám xét hay tịch thu tài sản đều phải có quyết định của tòa án, ngoài ra không cơ quan nào khác có quyền.
Tương tự như Hàn Quốc, chỉ khác nhau về cách hành văn, Hiến pháp nước Nhật quy định: “Không ai bị bắt bớ mà không có sự cho phép của tòa án trong đó chỉ rõ hành vi phạm tội trừ trường hợp đương sự bị bắt quả tang”. Và “Nếu không có sự cho phép của toà án trình bày lí do, thông báo về chỗ khám xét, đồ vật bị tịch thu thì mọi thư từ, đồ vật, nhà ở đều được pháp luật bảo vệ. Mọi lệnh khám xét, tịch thu đều phải có sự cho phép của Thẩm phán”.
Hiến pháp Nhật Bản giống với Hàn Quốc đều quy định tập trung trong tay tòa án thẩm quyền quyết định các việc bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật. Cần lưu ý, đây đều là những hoạt động điều tra quan trọng có nguy cơ xâm hại tới quyền công dân. Trong khi đó ở Việt Nam lại quy định khác.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang”. Quy định như vậy cho phép ngoài tòa án thì cơ quan điều tra hay viện kiểm sát đều có quyền bắt giữ (trường hợp cơ quan điều tra bắt sau đó phải có phê chuẩn của viện kiểm sát). Cũng theo quy định này tòa án không có quyền can thiệp hay ngăn cản quyết định của hai cơ quan kia.
Về việc khám xét hay thu giữ đồ vật, Bộ luật tố tụng hình sự quy định cả ba cơ quan đều có quyền quyết định và tòa án cũng không có quyền can thiệp hay bác bỏ. Như thế có thể thấy tòa án ở Việt Nam hoàn toàn kém quyền so với tòa án Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Ở hai nước kia thiết chế tòa án nắm thẩm quyền lớn chi phối và trở thành trung tâm của các hoạt động tư pháp.
Ở Nhật Bản và Hàn Quốc tòa án được tập trung nhiều quyền, còn ở Việt Nam tòa án lại bị chia quyền với cơ quan khác, vậy cách quy định nào hợp lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn?
Chúng ra hiểu rằng việc bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật đều là những hoạt động xâm hại tới quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, trong khi các quyền lợi này của người dân và doanh nghiệp lại chính là mục đích quan trọng được bảo vệ bởi các định chế tư pháp.
Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Quy định là vậy nhưng trong quá trình điều tra xử lý tội phạm lại phát sinh nhu cầu đòi hỏi buộc phải hạn chế một số quyền công dân của một đối tượng nhất định nhằm đảm bảo ngăn ngừa nguy hại. Ở các nước với tinh thần đề cao quyền con người, họ đòi hỏi việc hạn chế quyền công dân phải thật sự vì những lý do xác đáng. Họ nhận định rằng chỉ có tòa án được thiết lập và định nghĩa gắn liền với thuộc tính vô tư khách quan mới đủ tư cách để phán xét điều gì là xác đáng hay cần thiết (Tòa án làm việc tập thể biểu quyết, có tính công khai, và những cơ chế về thời gian nhiệm kỳ và mức lương cao nhằm đảm bảo cho thẩm phán sự công tâm khách quan). Các cơ quan khác như điều tra hay công tố thì chức năng, trách nhiệm của họ là phát hiện xử lý tội phạm nên những yếu tố vô tư công tâm không đủ đầy như tòa án. Từ nhận thức như vậy cho nên người ta mới dành cho tòa án quyền quyết định những việc như bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật, bằng cách đó nhằm đảm bảo môi trường pháp lý an toàn nhất cho các quyền con người.
Trong khi đó ở Việt Nam luật quy định nhiều cơ quan đều được ra lệnh, bản chất là mở rộng phạm vi chủ thể có khả năng tước bỏ quyền con người, điều này thể hiện nhận thức coi trọng việc trấn áp xử lý tội phạm mà xem nhẹ quyền công dân.
Cần thiết lập cơ chế tư pháp hình sự thân thiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Qua những vụ việc báo chí đưa tin về các sự kiện pháp lý xung quanh các lãnh đạo doanh nghiệp bên Hàn Quốc, điều có thể thấy rõ là Viện công tố Hàn Quốc tuy nắm quyền điều tra nhưng lại không được ra lệnh bắt giữ mà phải đề nghị tòa án ra lệnh bắt, và nếu tòa án bác bỏ thì việc bắt giữ không thành. Việc Tòa án từ chối bắt giữ các lãnh đạo doanh nghiệp theo đề nghị của Viện công tố giúp cho các tập đoàn kinh tế lớn tránh được một cuộc khủng hoảng gây hại cho doanh nghiệp. Mặc dù tòa án từ chối bắt giữ không phải vì lo lắng cho lợi ích kinh tế của doanh nghiệp mà đó là sự cân nhắc dựa trên các căn cứ cơ sở pháp lý.
Nhưng mặt khác Viện công tố hẳn cũng đã có những cơ sở thích đáng cho đề nghị bắt giữ, và nếu quyền nằm trong tay họ thì họ đã bắt rồi.
Như vậy, điểm thấy thấy rõ nhất trong trường hợp này là nền tư pháp Hàn Quốc đã vận hành theo hướng có lợi cho cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp. Nếu những trường hợp này không phải là cá biệt, nếu Tòa án không hề ưu ái và đó chỉ là sự thực thi dựa trên cơ sở các quy định pháp luật và bản chất vụ việc, thì có thể nhận định là cơ chế tư pháp như vậy là thân thiện thuận lợi bảo vệ tốt cho doanh nghiệp và doanh nhân.
Ba trường hợp Tòa án đã không bắt trong khi Viện công tố muốn bắt đối với các lãnh đạo của Samsung, Lotte, Posco, và đó chỉ là ba vụ việc lớn được báo chí Việt Nam đưa tin trong tổng số hàng nghìn hàng vạn vụ việc xảy ra mỗi năm ở Hàn Quốc có liên quan đến doanh nhân và doanh nghiệp.
Như vậy hãy hình dung là nếu Viện công tố được quyền bắt thì họ đã bắt và với hàng nghìn trường hợp tương tự thì khả năng tỉ lệ bị bắt giữ là rất cao. Khi đó môi trường tư pháp thực sự là một thảm họa đen tối cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân.
Tư pháp Việt Nam và kinh tế Việt Nam thì sao?
Dường như cái môi trường đen tối mà cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Hàn Quốc tránh được lại là cái đang tồn tại ở Việt Nam. Pháp luật Việt Nam hiện tại cho phép cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều được ra lệnh bắt mà không phải xin lệnh tòa án. Tức là nếu ở Việt Nam thì các lãnh đạo Samsung, Lotte, Posco đều đã bị bắt theo mong muốn của Viện kiểm sát rồi. Và với hàng nghìn hàng vạn trường hợp tương tự thì số phận bị bắt giữ cũng là tương tự.
Như thế hãy hình dung, từ lâu nay biết bao giám đốc doanh nghiệp đã bị bắt giữ bởi cơ quan điều tra và viện kiểm sát mà chẳng ai phản đối được về vấn đề thẩm quyền. Liệu trong đó sẽ có bao nhiêu người đáng ra đã không bị bắt nếu thẩm quyền chỉ nằm trong tay tòa án? Chẳng ai biết được là nếu pháp luật khác đi thì số phận của biết bao doanh nghiệp và doanh nhân hẳn sẽ ra sao.
Các doanh nghiệp và doanh nhân ở Việt Nam đã không được cơ chế tư pháp bảo hộ tốt như pháp luật Hàn Quốc, và điều này có mối liên hệ gì với tình trạng còi cọc yếu kém của tầng lớp doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam? Tôi cho rằng nền tư pháp hiện nay đang không kiến tạo ra được môi trường pháp lý an toàn thân thiện cho hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân.
Càng tệ hơn là tầng lớp doanh nhân được xem là thành phần có tiền sẽ không thoát khỏi con mắt soi mói của đủ các thành phần tư pháp, doanh nhân lại không chịu được lối sống lăn lóc vất vưởng như các tội phạm về trật tự xã hội khác. Cho nên muốn không bị bắt hoặc môi trường sống giam giữ thế nào tùy thuộc vào sự ‘biết điều’ của nghi phạm.
Tức là quy định bất cập của pháp luật cộng với tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp tạo ra tình thế rất bất lợi cho tầng lớp doanh nhân. Có thể nói không ngoa rằng cả nền tư pháp chống lại giới doanh nhân. Người doanh nhân bị bủa vây bởi mạng lưới của lạm quyền và tham nhũng, họ sẽ bị làm cho kiệt quệ.
Nay đứng trước bài toán tìm cách thúc đẩy phát triển nền kinh tế, Chính phủ và các ban ngành cần nhìn ra vấn đề và giải pháp. Nếu muốn nền kinh tế phát triển, muốn doanh nghiệp và tầng lớp doanh nhân lớn mạnh thì cần xây dựng thiết lập một cơ chế tư pháp để vừa có thể xử lý được tội phạm mà vẫn bảo vệ được doanh nghiệp và doanh nhân.
(Còn nữa)
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Giám đốc CÔNG TY LUẬT TNHH CÔNG CHÍNH