Nghe bài viết
|
Đổi Mới là một chương trình cải cách toàn diện bao gồm kinh tế, đặc biệt là đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam,đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng vào thập niên 1980. Chính sách Đổi mới được chính thức thực hiện từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986.[1]
Đổi mới về kinh tế được thực hiện song song với Đổi mới trên các mặt khác như hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục…[1]. Chính trị Việt Nam đã có sự thay đổi mang tính bản chất, khi Đổi mới không chỉ đổi mới trên phương diện kinh tế mà còn Đổi mới cả về tư duy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn chung, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ nguyên mô hình chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản theo chủ nghĩa Marx-Lenin, chỉ có nền kinh tế thay đổi thành nền kinh tế thị trường.[2]
Đổi mới ở Việt Nam tương tự chính sách kinh tế mới của Liên Xô giai đoạn Lenin lãnh đạo (1921-1924), Cải Cách Khai Phóng ở Trung Quốc và Đổi mới ở Lào. Công cuộc Đổi mới tại Việt Nam sau năm 1986 được xem là sự áp dụng lại mô hình NEP của Lenin[3][4][5].
Các quan điểm về Đổi mới kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc dựa chủ yếu trên các kinh nghiệm cải cách của các nước Đông Âu, nhưng ở Việt Nam và Trung Quốc thì Đổi mới xuất phát từ lĩnh vực kinh tế, không đi kèm với những biến động lớn về mặt chính trị – ý thức hệ và xã hội.[1]
Tiền đề [sửa | sửa mã nguồn]
Lịch sử phát triển kinh tế thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy Chủ nghĩa xã hội kết hợp với yếu tố thị trường còn được gọi là Con đường thứ ba để phân biệt với hai con đường khác là kinh tế thị trường tự do (hay kinh tế tư bản chủ nghĩa) và kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Các nước Đông Âu và Liên Xô cũ đã rời bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa để chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự can thiệp của nhà nước. Các nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Nhật trong thế kỷ XX cũng điều chỉnh mô hình kinh tế theo hướng tăng cường sự can thiệp của bộ máy nhà nước (kinh tế hỗn hợp). Nước Mỹ ngày nay, một tượng đài của chủ nghĩa tư bản, cũng không còn là Kinh tế thị trường tự do như trước mà là một nền kinh tế hỗn hợp trong đó nhà nước “đưa ra những ưu đãi hoặc ngăn cản chẳng với một nguyên tắc rõ ràng và nhất quán nào“[6]. Chủ nghĩa xã hội thị trường là đường lối phát triển kinh tế chủ đạo của một số nước phát triển tại Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch…
Đổi mới kinh tế [sửa | sửa mã nguồn]
Quan điểm Đổi mới về kinh tế đã được hoàn thiện dần trong quá trình thực hiện. Ngày nay, Đổi mới về kinh tế được Nhà nước Việt Nam định nghĩa là: Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc điểm[sửa | sửa mã nguồn]
- Nhà nước chấp nhận sự tồn tại bình đẳng và hợp pháp của nhiều thành phần kinh tế (Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần IX quy định có 6 thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài), nhiều hình thức sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu hỗn hợp). Tuy nhiên, kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo.
- Cơ chế kinh tế là kinh tế thị trường xã hội, một trường phái kinh tế học mà đại biểu tiêu biểu của nó là Paul Samuelson- Nobel kinh tế năm 1970- với lý thuyết về nền kinh tế hỗn hợp. Luận điểm của nó là nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước, nền kinh tế được vận hành bởi hai bàn tay: thị trường và Nhà nước. Điều này có ưu điểm là nó phát huy tính tối ưu trong phân bổ nguồn lực xã hội để tối đa hóa lợi nhuận thông qua cạnh tranh, mặt khác, sự quản lý của Nhà nước giúp tránh được những thất bại của thị trường như lạm phát, phân hóa giàu nghèo, khủng hoảng kinh tế…
- Định hướng xã hội chủ nghĩa: Theo quan điểm trước Đổi mới, Nhà nước Việt Nam cho rằng kinh tế thị trường là nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản và hoạt động không tốt. Sau Đổi mới, quan điểm của Nhà nước Việt Nam là kinh tế thị trường là thành tựu của loài người, không mâu thuẫn với chủ nghĩa xã hội. Định hướng xã hội chủ nghĩa được hiểu là vẫn giữ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế, vì theo quan điểm của chủ nghĩa Marx về chủ nghĩa xã hội thì mọi tư liệu sản xuất đều thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước xã hội chủ nghĩa là Nhà nước đại diện cho nhân dân.
- Nền kinh tế chuyển từ khép kín, đóng cửa, sang mở cửa, hội nhập với thế giới.
Quá trình [sửa | sửa mã nguồn]
Số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ở Việt Nam từ chỗ có hơn 12.000, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp, và đến thời điểm tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp[7]. Theo kế hoạch của chính phủ Việt Nam, đến năm 2020, Việt Nam chỉ còn 103 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chủ yếu ở các ngành công nghiệp quốc phòng, xuất bản, thủy lợi, dịch vụ công cộng và một số tập đoàn lớn quan trọng đối với nền kinh tế chủ yếu thuộc các ngành độc quyền tự nhiên như Dầu khí, Điện lực và Viễn thông[8].
- Bước đột phá đầu tiên là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (8/1979) với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất và thành phần kinh tế. Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13/1/1981 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã tạo ra bước phát triển to lớn trong sản xuất nông nghiệp. Quyết định 25-CP và 26-CP ngày 21/1/1981 của Chính phủ cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh xây dựng và thực hiện 3 kế hoạch đã tạo bước chuyển biến trong sản xuất công nghiệp
- Giai đoạn, đầu thập niên 1980, khủng hoảng kinh tế-xã hội nổ ra, lạm phát tăng lên mức phi mã đặc biệt sau hai cuộc tổng điều chỉnh giá-lương-tiền.
- Từ 12 đến 19 tháng 7 năm 1983, lúc Lê Duẩn đi nghỉ ở Liên Xô cũ; ba vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công đang nghỉ ở Đà Lạt, Nguyễn Văn Linh (lúc đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức “Hội nghị Đà Lạt” – Ông và một số Giám đốc các cơ sở kinh doanh sản xuất làm ăn có lãi đã trực tiếp gặp gỡ các vị lãnh đạo cấp cao (từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 7) để báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh và đề đạt nguyện vọng. Ngày 17 tháng 7, Nguyễn Văn Linh mời các vị lãnh đạo thăm cơ sở chế biến tơ tằm và xí nghiệp chè của Thành phố Hồ Chí Minh tại Bảo Lộc. Ngày 19 tháng 7, Nguyễn Văn Linh có buổi làm việc riêng với các vị lãnh đạo này, ông đã báo cáo tất cả tâm tư mà cá nhân mình đang nung nấu. “Hội nghị Đà Lạt” diễn ra trong thời gian vừa đúng một tuần lễ. Nội dung tư tưởng của các cuộc gặp trong sự kiện này đã được Nguyễn Văn Linh vận dụng vào việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng VI của Đảng Cộng sản Việt Nam – Khởi xướng công cuộc Đổi mới của Việt Nam.[9]
- 1986: Sau khi Lê Duẩn qua đời, Trường Chinh giữ chức Tổng Bí thư chính thức phát động công cuộc Đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức thực hiện Đổi mới, bắt đầu thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
- 1/3/1987: giải thể các trạm kiểm soát hàng hóa trên các tuyến đường nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa.
- 18/5/1987: Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười sang thăm Liên Xô. Gorbachyov giục Việt Nam cải cách kể cả thông thương với các nước tư bản.
- 29/12/1987: Nhà nước Việt Nam ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam[10]
- 5/4/1988: Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10/NQ về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là Khoán 10).
- 24/5/1988: 19 tỉnh miền Bắc đói to. Chính quyền chính thức yêu cầu Liên Hợp Quốc viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
- 12/6/1988: Nghị quyết bỏ hẳn chính sách hợp tác hóa nông nghiệp để tăng gia sản xuất.
- 1989: Việt Nam đã xuất khấu gạo đứng thứ 3 thế giới (sau Thái Lan và Hoa Kỳ)
- 1989: Trung Quốc xảy ra sự kiện Thiên An Môn. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, sau khi đánh giá về các sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định tiếp tục Đổi mới theo con đường đã chọn và vẫn thực hiện chủ nghĩa xã hội.
- 1990: Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân ra đời nhằm thể chế hóa chính thức và đầy đủ hơn chủ trương phát triển kinh tế tư nhân[11]. Bắt đầu có chủ trương thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
- Tháng 5 năm 1990: pháp lệnh ngân hàng Nhà nước Việt Nam và pháp lệnh ngân hàng chính thức chuyển ngân hàng từ một cấp sang hai cấp.
- 1990: Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
- 1993: Bình thường hóa quan hệ tài chính với các tổ chức tài chính quốc tế.
- 1995: Bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
- 1995: Gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
- 2000: Luật Doanh nghiệp ra đời.
- 2001: ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ký kết Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ.
- 2002: tự do hóa lãi suất cho vay VNĐ cho các tổ chức tín dụng.
- 2005: Luật Cạnh tranh chính thức có hiệu lực.
- 2006: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận cho đảng viên làm kinh tế tư nhân.
- 7/11/2006: Việt Nam là thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới.
- Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 (năm 2016) quyết định thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, Ủy ban Nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp[12].
- Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2016) nêu “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế“[13].
- Năm 2017, Quân đội Nhân dân Việt Nam có kế hoạch sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp do quân đội sở hữu chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý (nhà nước giữ trên 51% cổ phần đến năm 2019); thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.[14]
Nguồn https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%95i_M%E1%BB%9Bi