Nghe bài viết
|
Tiểu tự
“Có mới, nới cũ” thường tình vẫn thế. Tân học mỗi ngày một tiến, tất Cựu học phải lùi và có khi sợ rồi mai một đi mất. Nhưng, Tân học mà hay, tất là Tân học có một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy tức là tinh hoa của Cựu học. Cựu học nước nhà là một thứ học trải qua bao nhiêu đời, đã làm cho ông cha ta phù thực được cương thường, chấn chỉnh được phong hóa, bảo tồn được quốc thể, duy trì được thế đạo nhân tâm, thật không phải là một cái Học không có giá trị đáng khinh rẻ hay quên bỏ được. Vả chăng: “Tri kim, nhi bất tri cổ, vị chi manh cổ; tri cổ, nhi bất tri kim, vị tri lục trầm” ta đã biết truyện đời nay, ta lại cần phải học truyện đời xưa, ta ôn lại việc đời xưa mà ta rõ được việc đời nay, có như thế, thì cái Học của ta mới không đến nỗi khiếm khuyết. Vì, tuy chia làm cổ, kim, nhưng chẳng qua cũng chỉ là buổi sớm, buổi chiều trong một ngày của trời đất, kẻ học giả mà câu nệ chấp nhất, chỉ biết cổ không muốn biết kim, hay chỉ biết kim không muốn biết cổ, thì sao gọi là “bác cổ thông kim” được! Cựu học của ta là gì? Cựu học của ta tức là Hán học nghĩa là một cái Học chung cho cả mấy dân tộc ở Á Đông đã chịu cái văn hóa của giống người Hán, tức là người Trung Hoa. Cựu học không phải là chỉ có Tứ Thư, Ngũ Kinh, xưa kia đa số quen dùng làm cái học cử nghiệp mà thôi. Ngoại giả, còn Bác gia chư tử thật là man mác rộng như bể, học thuyết đủ mọi mặt, lý tưởng rất sâu xa, muốn học cho tới nơi, phải mất bao nhiêu công phu, thời giờ mới được. Nay, chúng tôi biên tập quyển sách nầy, không phải là muốn chuyên tâm nghiên cứu riêng một phái nào hay một nhà nào. Chúng tôi chỉ góp nhặt một đôi chút lý tưởng trong Cổ học gọi là để cho người đọc thiệp liệp qua được một ít tinh hoa của lối học cũ mà thôi. Nên chúng tôi mới lạm dụng bốn chữ “Cổ Học Tinh Hoa” làm nhan sách.
Chúng tôi mạo muội biên dịch quyển sách nầy là quyển đầu, có ý bảo tồn tinh hoa của cổ học và mong các bạn thiếu niên ta nhớ đến nguồn gốc từ bao nghiêu nghìn năm về trước, rõ các điển tích thường dẫn trong văn chương nước nhà, thêm trước được ít tài liệu có khi làm văn phải dùng đến, rộng được ít tri thức tuy thuộc về Cổ học mà thật khác nào “như thóc gạo, như vải lụa”, thường cần đến hàng ngày. Nếu quyển sách này, giúp được một phần trong muôn phần ấy, thì chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm vậy.
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc.
Từ An Trần Lê Nhân.
KHÔNG QUÊN ĐƯỢC CÁI CŨ.
Đức Khổng tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc. Người đàn bà nói: “Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc.” Đức Khổng tử hỏi: “Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ, thì việc gì mà phải khóc?” Người đàn bà nói: “Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa.”
KHỔ THÂN LÀM VIỆC NGHĨA.
Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: “Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc “nghĩa”, một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không? – Mặc Tử nói: “Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!”
CÁCH CƯ XỬ Ở ĐỜI.
Thầy Nhan Uyên, hỏi Đức Khổng Tử: “Hồi này muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy, có nên không?” Đức Khổng Tử nói: “Người hỏi thể phải lắm. Nghèo, mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận không ham mê gì. Hèn, mà cũng muốn như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe, mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói.
TU THÂN.
Thấy người hay, thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi. Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở, thì phải cố mà trừ đi. Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta; người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta; còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy. Cho nên người quân tử trọng thầy, quí bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không chán, nghe lời can mà biết răn… như thế dù muốn không hay cũng không được. Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cực bậy, mà lại ghét người chê mình; rất dở, mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, lại không bằng lòng; thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê… Như thế thì dù muốn không dở cũng không được.
TRÍ, TRUNG, DŨNG.
Nước Trần bị nước Sở đánh, phá tan mất cửa thành bên Tây. Sau người Sở bắt dân nước Trần ra tu bổ lại cửa thành ấy. Một hôm đức Khổng Tử đi xe qua đấy, không cúi đầu vào miếng gỗ trước xe. Thầy Tử Cống dừng cương lại, hỏi: “Cứ theo lễ, đi xe qua chỗ ba người thì phải xuống, qua chỗ hai người thì phải cúi đầu vào miếng gỗ trước xe để tỏ lòng kính trọng. Nay quan, dân nước Trần sửa sang cửa thành biết bao nhiêu là người, thế mà thầy đi qua, không có lòng kính trọng, là cớ làm sao? Đức Khổng Tử nói: “Nước mất, mà không biết, là bất trí ; biết, mà không lo liệu, là bất trung ; lo liệu, mà không liều chết là bất dũng. Số người nước Trần tuy đông, mà ba điều ấy không biết được một, thì bảo ta kính làm sao được!
GIỮ LẤY NGHỀ MÌNH.
Nước Trịnh có người học nghề làm dù che mưa ba năm mới thành nghề. Trời đại hạn, không ai dùng đến dù, anh ta bèn bỏ nghề làm dù, đi học nghề làm gầu tát nước. Lại học ba năm mới thành nghề làm gầu, thì trời mưa luôn mãi không ai dùng đến gầu. Bây giờ anh ta lại quay về nghề làm dù như trước. Không bao lâu, trong nước có giặc, dân gian nhiều người phải đi lính, mặc đồ nhung phục, không ai cần đến dù, anh ta xoay ra nghề đúc binh khí thì đã già quách rồi. Úc Ly Tử thấy anh ta, thương tình, nói rằng: – Than ôi, ngươi chẳng đã già đời mất rồi ư! Già hay trẻ không phải là tự người, là tự trời, điều ấy đã cố nhiên. Nhưng nghề nghiệp thành hay bại dù lỡ thời không gặp dịp, cũng không nên đổ cả cho trời, tất có mình ở trong. Ngày xưa nước Việt có một người làm ruộng, cấy lúa chiêm ba năm đều hại vì lụt cả . Có người bảo anh ta nên tháo nước mà cấy mùa, anh ta không nghe, cứ cấy chiêm như trước. Năm ấy nắng to, mà nắng luôn ba năm, vụ chiêm nào cũng được, thành ra anh ta kéo lại hoà cả mấy năm mất mùa trước. Cho nên có câu rằng: “Trời đại hạn nghĩ đến sắm thuyền, trời nóng nực nghĩ đến sắm áo bông”, đó là một câu thiên hạ nói rất phải.
CHUYỆN A LƯU.
A Lưu là một tên tiểu đồng nhà ông Chu Nguyên Tố. Nó thực là ngây ngô, không được việc gì cả, mà ông Nguyên Tố vẫn nuôi nó suốt đời. Lúc ông bảo nó quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch được một cái buồng con. Ông giận mắng, thì nó quăng chổi xuống đất, lẩm bẩm nói: “Ông quét giỏi, thì ông phiền tôi làm gì!” Khi ông đi đâu vắng, sai nó chực ngoài cửa, dù khách quen đến, nó cũng không nhớ được tên ai. Có hỏi, thì nó nói: “Người ấy lùn mà béo. Người ấy gầy mà lắm râu. Người ấy xinh đẹp. Người ấy tuổi tác và chống gậy…” Ðến lúc nó liệu chừng không nhớ xuể, thì nó đóng cửa lại, không cho ai vào nữa. Trong nhà có chứa một ít đồ cổ như chén, lọ, đỉnh, đôn. Khách đến chơi, nó đem bầy ra cho xem. Lúc khách về, nó lén đến gõ các thứ ấy, mà nói: “Những cái này có khi bằng đồng mà sao nó đen xì lại như thế này!” Rồi nó chạy đi lấy cát, lấy đá, lấy nước để đánh. Nhà có cái ghế gãy chân, ông sai đi chặt cành cây có chạc, để chữa lại thì nó cầm búa, cầm cưa đi khắp vườn. Hết ngày, về, nó chìa hai ngón tay làm hiệu mà nói: “Cành cây có chạc đều chỉa trở lên cả, không có cành nào mọc chúc xuống đất.” Cả nhà ai cũng phải phì cười. Trước sân có vài cây liễu mới trồng. Ông sợ trẻ láng giềng đến nghịch hỏng, sai nó trông nom giữ gìn, đến lúc nó vào ăn cơm, thì nó nhổ cả cây lên mà cất đi một chỗ. Công việc nó làm, nhiều chuyện đáng bật cười như thế cả. Ông Nguyên Tố là một người viết chữ chân tốt mà vẽ lại giỏi lắm. Một hôm, ông hòa phấn với mực để vẽ, thấy A Lưu đấy, nói đùa với nó rằng: “Mày có vẽ được không?” A Lưu đáp: “Khó gì mà không vẽ đươc.” Ông bảo vẽ thì A Lư vẽ nét đậm, nét nhạt, nét xa, nét gần, như người xưa nay vốn đã biết vẽ. Ông thấy vậy thử luôn mấy lần, lần nào A Lưu vẽ cũng được như ý cả. Tự bấy giờ, ông dùng dến A Lưu luôn không lúc nào là rời ra nữa. Sau A Lưu nổi tiếng là một nhà danh họa.
(còn tiếp)
DIỀU GỖ
Mặc Tử làm cái diều gỗ, ba năm mới xong. Lúc thả cho bay, được một hôm thì diều hỏng. Học trò khen rằng: Thầy làm diều gỗ mà bay được thật là khéo! Mặc tử nói: Ta làm cái diều ba năm mới xong, diều bay mới được một ngày đã hỏng, cho là khéo thế nào được. Sao bằng người làm cái xe gỗ chỉ tốn một ít công không hết một buổi, mà chở được nặng, đi được xa, dùng được lâu năm. Có thế mới gọi là khéo. Huệ Tử nghe câu chuyện, bảo: Mặc Tử nói thế thật là người khéo.
TỰ LÀM KHOAN KHOÁI
Đức Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ giao du ở ngoài đồng, mặc áo cừu thắt lưng dây, tay gảy đàn cầm, vừa đi vừa hát. Đức Khổng Tử hỏi: “Tiên sinh” làm thế nào mà thường vui vẻ thế? Ông Vinh Khải Kỳ nói: Trời sinh muôn vật, loài người quý nhất, mà ta được làm người, đó là một điều đáng vui – Trong loài người, đàn ông quý hơn đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai điều đáng vui – Người ta sinh ra có người đui què, có người non yếu mà ta hoàn toàn khỏe mạnh nay đã chín mươi tuổi thế là ba điều đáng vui…Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là sự chết của đời người. Ta nay xử cảnh thường, đợi lúc hết, thì có gì là lo buồn? Đức Khổng Tử nói: Phải lắm! Tiên sinh thế là biết cách tự làm cho khoan khoái mà hưởng sự vui thú ở đời.
NGƯỜI KHÔN SỐNG LÂU
Vua Ai Công nước Lỗ hỏi Đức Khổng Tử: Người khôn có sống lâu không? Đức Khổng Tử đáp: Có. Khôn thì sống lâu, chớ dại thì sống lâu sao được! Người ta có ba thứ chết, tự mình làm cho mình chết, chớ không phải số mệnh đáng chết mà chết. – Ăn uống không có chừng mực, thức ngủ không có điều độ, làm lụng khó nhọc quá, lưới biếng chơi bời quá, người như thế phải chết về bệnh tật. – Phận làm ngưới dưới mà can phạm người trên, lòng tham muốn không chứng, tính yêu không chán, người như thế thì chết về hình pháp. – Mình ngu, mà kình địch khôn, mình yếu, mà khinh bỉ người mạnh, không biết tự lượng sức mình mà cứ giận dữ làm liều, người như thế chêt vì binh đao Ba thứ chết ấy, thực không phải là số mệnh, chỉ tự mình giết mình mà thôi.
THUẬT XEM TƯỚNG
Nước Kinh có người giỏi xem tướng, nói câu nào trúng câu ấy. Trong nước xa gần đâu cũng biết tiếng. Vua Trang Vương thấy thế, vời lại hỏi: “Nhà ngươi dùng thuật gì mà xem tướng giỏi như thế?” Người xem tướng thưa rằng: “Thần không có thuật gì cả. Thần chỉ xem bạn người ta mà biết được người ta hay hay dở. Như thần xem cho thường dân, mà thấy chơi với những người bạn hiếu, đễ, thuần, cẩn biết giữ phép người, thì thần đoán người dân ấy là người hay, thân tất một ngày một vẻ vang, nhà tất một ngày một thịnh vượng. Như thần xem cho quan lại mà thấy chơi với những bạn thành, tín, có phẩm hạnh, thích điều phải thì thần đoán cho ông quan ấy là người tốt, làm quan tất mỗi ngày một thăng cao, giúp vua mỗi ngày một ích lợi. Như thần xem cho vua chúa, mà thấy quan gần lắm người hiền, quan xa có lắm người trung, lúc có lỗi, nhiều người can ngăn, thì thần đoán là ông vua giỏi, vua tất mỗi ngày một tôn trọng, nước tất mỗi ngày một tri yên, thiên hạ tất mỗi ngày một quy phục… Thần quả không có thuật gì lạ, chỉ xem mà biết được người hay người dở.” Vua Trang Vương cho nói là phải. Bấy giờ kíp thu dùng những người tài giỏi, sau nước Sở thành cường thịnh nhất thời Chiến quốc.
(còn tiếp)