Nghe bài viết
|
V. Năng lực con người
Và giờ Mục Đích là đối tượng của Mong ước, và cách thức đi đến Mục Đích là đối tượng của Suy tính cẩn thận và Lựa chọn, và các hành động khi xem xét những vấn đề này thì phải là tương ứng với Lựa chọn, tức là có chủ ý; và các hành động xuất phát từ đức hạnh chính là những hành động như vậy, do đó Đức hạnh nằm trong sức mạnh của chúng ta. Tương tự như vậy là suy đồi, bởi vì miễn là thuộc về sức mạnh của chúng ta thì chúng ta cũng có khả năng không thực hiện nó, và ngược lại, do đó nếu hành động (có tính tốt đẹp trong một trường hợp cho trước) do chúng ta định đoạt, thế thì sự thoái thác (có tính xấu xa cũng trong trường hợp đó) cũng như vậy, và ngược lại.
Nhưng nếu làm một việc tốt đẹp hoặc không làm một việc xấu xa hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, và những hành động này lần lượt khiến chúng ta tốt hoặc xấu, thế thì các tính cách tốt đẹp hoặc suy đồi đều do chúng ta quyết định.
Nếu nói rằng “Không ai tự nguyện đồi bại hoặc vô ý hạnh phúc,” thì đó là một câu nói nửa đúng nửa sai; bởi vì không ai hạnh phúc mà lại đi ngược lại với mong muốn của anh ta, tất nhiên rồi, nhưng sự đồi bại thì luôn tự nguyện. Hoặc chúng ta phải tranh luận về những tuyên bố vừa được đưa ra ở trên và không nói rằng Con người là nguồn gốc hoặc nơi sinh ra các hành động của anh ta tương tự như đối với con cháu anh ta vậy?
Nhưng nếu điều này là sự thực hiển nhiên, và chúng ta không thể gán hành động của chúng ta cho bất kỳ nguồn gốc nào ngoài những thứ thuộc vào chính chúng ta, vậy những hành động đó có nguồn gốc trong chúng ta, và do đó chúng vừa là tự nguyện, vừa trong quyền lực của ta.
Thêm nữa, minh chứng có vẻ như có thể tìm thấy ở cá nhân với năng lực riêng của họ và những nhà lập pháp, mà trong đó họ trách phạt và trừng trị những kẻ làm điều sai trái (trừ phi họ bị ép, hoặc bởi sự vô minh và không cố ý), trong khi đó họ tôn vinh những người làm điều đúng đắn, dưới ý niệm khuyến khích việc đúng và kìm hãm việc xấu xa.
Không ai nghĩ về việc khuyến khích chúng ta làm những điều không lệ thuộc vào chúng ta, không thể tự nguyện làm, khi biết rằng chẳng có ích gì để thuyết phục một người đừng nóng (ví dụ), hoặc đừng cảm thấy đau đớn, đừng cảm thấy đói, và tương tự, bởi vì dù thế nào đi chăng nữa chúng ta đều có những cảm giác này.
Thực vậy, chúng ta trừng phạt một người vì sự vô minh, nếu anh ta có lỗi dẫn tới sự vô minh này; ví dụ trong trường hợp một kẻ say, hình phạt bị nâng lên gấp đôi bởi vì nguồn gốc của trường hợp như vậy nằm ở chính bản thân kẻ say: vì hắn ta đã tự làm mình say, và cái này chính là nguồn gốc của sự vô minh.
Những kẻ không biết pháp luật, một thứ bắt buộc phải biết và không quá khó để biết, cũng bị trừng phạt; và tương tự trong các trường hợp khác khi sự thờ ơ (Lơ đễnh) là nguồn gốc của sự vô minh, với giả định rằng họ có khả năng để ngăn cản sự vô minh, bởi vì họ có thể chú ý thay vì thờ ơ.
Nhưng có lẽ một người có phẩm chất như vậy thì không thể lưu ý được những điều đó? Thực ra, anh ta vẫn phải chịu trác nhiệm, bởi lẽ bản thân anh ta là nguồn gốc của những phẩm chất đó bằng cách sống buông thả, và bất chính hoặc thiếu tự kiểm soát bản thân, bất chính thì làm những điều xấu xa còn thiếu tự kiểm soát sẽ dành thời gian say xỉn và những thứ tương tự; bởi vì những hành động cụ thể cấu thành các phẩm chất tương ứng, như đã được chỉ ra bởi những người thực hành cho bất kỳ một cuộc thi nào hoặc bất kỳ cách thức hành động cụ thể nào đó, và vì điều đó mà con người kiên trì trong hành vi của mình.
Và nếu ai đó bào chữa rằng có người không biết thói quen được tạo thành từ các hành vi riêng rẽ, chúng ta đáp lại rằng, vô minh như vậy là dấu hiệu của sự ngu dốt quá đáng.
Thêm nữa, hoàn toàn không hợp lý khi nói rằng một người hành động bất chính hoặc phóng đãng không hề mong muốn có những thói quen đồi bại này: bởi vì nếu một người tự giác thực hiện những điều mà nhờ đó mà anh ta trở nên bất chính thì anh ta bất chính một cách tự nguyện với mọi ý định và mục đích; nhưng anh ta không thể chỉ với một mong muốn mà thôi không bất chính nữa để trở nên chính đáng. Bởi vì, lấy ví dụ từ một trường hợp tương tự, một kẻ ốm không thể chỉ bằng một mong ước mà khỏe mạnh trở lại, nhưng trong một trường hợp giả định anh ta tự nguyện ốm bởi vì anh ta đã tự tạo ra căn bệnh của mình bằng việc sống không điều độ và không đếm xỉa tới thầy thuốc của mình. Đã có lúc anh ta có thể khiến bản thân không bị ốm, nhưng giờ đây anh ta đã buông tay nên anh ta không thể làm như vậy nữa; giống như việc anh ta đã thả hòn đá rời khỏi bàn tay và không thể gọi nó trở lại, nhưng anh ta vẫn là người quyết định nhắm và ném nó đi, bởi vì nguồn gốc của hành động là từ bản thân anh ta. Cũng như vậy đối với kẻ bất chính, và kẻ đã đánh mất mọi sự tự kiểm soát, có thể ban đầu đã khiến bản thân trở thành họ hiện tại, và do đó họ tự nguyện là người như bây giờ; nhưng giờ đây khi họ đã trở thành thì họ không còn sức mạnh để trở thành cái khác nữa.
Và không chỉ có bệnh thuộc về tâm trí mới là tự nguyện, mà cả các căn bệnh thuộc về cơ thể cũng như vậy ở một số người, những kẻ chúng ta cần trách phạt: đối với những người tự nhiên đã bị dị dạng thì chẳng ai trách phạt, chỉ những kẻ xuất phát từ nguyên nhân mong muốn thực hiện hành động nào đó và lơ đãng, do đó quá yếu đuối và tật nguyền; không ai nghĩ tới việc trách mắng mà thay vào đó là thương xót cho người bị mù bẩm sinh, hoặc do bệnh tật, hoặc vì tai nạn; nhưng ai cũng sẽ trách mắng hắn ta nếu như nguyên nhân là vì uống quá nhiều rượu, hoặc bất kể loại không điều độ nào. Vì vậy, có vẻ như khi xem xét các bệnh tật liên quan tới cơ thể, những thứ phụ thuộc vào bản thân chúng ta thì bị khiển trách, còn những thứ không phụ thuộc vào bản thân chúng ta thì không bị khiển trách; và nếu vậy thì trong trường hợp rối loạn thần kinh, những loại bị khiển trách phải phụ thuộc vào bản thân chúng ta.
Nhưng giả sử có người nói rằng “tất cả mọi người đều nhắm tới một Mục đích có biểu hiện trong tâm trí họ một ấn tượng của sự tốt đẹp, và rằng con người không có khả năng kiểm soát cái ấn tượng này, nhưng Mục Đích đó lại gây ấn tượng lên mỗi người một ý niệm tương ứng với tính cách của họ; chắc chắn một điều rằng nếu mỗi người chịu trách nhiệm cho trạng thái đạo đức của chính họ, thì anh ta cũng chịu trách nhiệm cho loại ấn tượng mà anh ta nhận được; nếu ngược lại, vậy thì chẳng ai chịu trách nhiệm về các hành vi tồi tệ, mà anh ta chỉ thực hiện chúng vì sự không nhận thức được Mục Đích thật sự, với giả định rằng thông qua việc thực hiện chúng thì anh ta sẽ đạt được Điều Tốt Nhất. Thêm nữa, việc truy tìm Mục Đích không phải là vấn đề của lựa chọn cá nhân, mà mỗi người phải được sinh ra với năng lực quan sát của trí não, và sử dụng nó để phán xét một cách chính đáng và lựa chọn điều thực sự tốt; kẻ nào được thiên phú thì sẽ có năng lực này tốt một cách tự nhiên, bởi vì nó là một điều quan trọng nhất và chính đáng nhất mà con người không thể học từ người khác nhưng lại có được từ tự nhiên đã ban tặng; và được ban tặng năng lực này một cách tốt và chính đáng chính là sự tuyệt vời của tự nhiên trong nghĩa cao nhất và đúng nhất.
Và nếu mọi điều này là đúng, thế thì bằng cách nào Đức hạnh lại có tính tự nguyện nhiều hơn sự đồi bại? Đối với người tốt cũng như kẻ xấu, Mục Đích mang lại cùng một ấn tượng cho họ và được cố định bởi bản chất, tự nhiên hay bất cứ từ nào bạn muốn dùng, và họ thực hiện hành động này và hành động kia, đối chiếu mọi thứ tới cái Mục Đích này. Thế thì liệu chúng ta có giả định được rằng Mục Đích gây ấn tượng lên tâm trí mỗi người các ý niệm cụ thể không đơn thuần bởi tự nhiên, mà có một cái gì đó lệ thuộc vào bản thân anh ta; hoặc liệu Mục Đích được đưa tới hoàn toàn bởi tự nhiên, thế nhưng Phẩm hạnh vẫn mang tính tự nguyện bởi vì người tốt làm tất cả mọi thứ đều tự nguyện; Đồi Bại cũng phải tương tự như vậy, bởi vì ở kẻ xấu cũng có những thứ gắn liền với hành động của hắn ngay cả khi không liên quan gì tới Mục Đích. Nếu vậy, như người ta vẫn thường nói, Đức hạnh mang tính tự nguyện (bởi vì chúng ta bằng cách nào đó một phần chịu trách nhiệm tạo ra các trạng thái tính cách của chúng ta, và chúng ta giả định Mục Đích là một điều gì đó tương ứng với tính cách của chúng ta), Đồi Bại cũng tương tự như vậy vì các trường hợp của nó cũng giống với của Đức hạnh. Giờ đây, chúng ta đã khẳng định một cách tổng quát về Phẩm hạnh, phân loại chúng, rằng chúng là các trạng thái trung gian, rằng chúng là các thói quen, và cách chúng được hình thành và rằng chúng hành động dựa trên bản thân có tính toán từ các hoàn cảnh mà qua đó chúng được hình thành, và rằng chúng hoàn toàn nằm trong quyền lực của chúng ta và mang tính tự nguyện, và được thực hiện bởi Lý Trí xui khiến.
Nhưng các hành động và thói quen cụ thể không mang tính tự nguyện ở cùng một nghĩa; đối với hành động chúng ta là ông chủ từ đầu tới cùng (tất nhiên với giả định chúng ta nắm rõ các chi tiết cụ thể), nhưng đối với thói quen thì chỉ nắm được nguồn gốc của nó, còn sự phát triển của nó thì không nắm bắt được (giống như trường hợp của bệnh tật) thế nhưng chúng vẫn là tự nguyện bởi vì chúng ta làm chủ cách vận dụng hoàn cảnh của chúng ta theo cách này hay cách khác. Tới đây chúng ta sẽ tóm lược thảo luận cụ thể về Đức hạnh, nêu lên chúng là gì, nội hàm của chúng là gì, và cách từng cái trong số chúng được định nghĩa, tất nhiên số lượng của chúng sẽ được công bố.