Nghe bài viết

Nay nói đến sự học thì ai cũng bảo phải có trường học, phải có thầy dạy, phải có sách giáo khoa, phải có bài giảng nghĩa, phải có công khóa hằng ngày; lúc còn nhỏ muốn cho có được cái tri thức phổ thông thf phải vào trường tiểu học; lúc lớn lên muốn cho có được cái nghề nghiệp ứng dụng thì phải vào các trường học chuyên môn, muốn theo về nghề nông thì phải học ở trường canh nông, muốn theo về nghề buôn thì phải học ở trường thương mại; muốn theo về nghề thuốc thì phải học ở trường thuốc; muốn theo về quân sự thì phải học ở trường binh; muốn theo về nghề chính trị, thì phải học ở trường pháp chính; ai cũng biết thế, mà như thế là lẽ cố nhiên rồi.

Song, ta lại phải biết rằng: cũng một trường học đó, một thầy dạy đó, một sách giáo khoa cũng học như nhau đó, một bài giảng nghĩa cùng nghe như nhau đó, một cái công khóa hằng ngày cùng theo như nhau đó mà có phải thành tựu ai cũng như ai đâu: cũng là học quân sự đất mà có phải ai cũng thành ông Joffre, ông Foch cả đâu; cũng là học chính trị đấy mà có phải ai cũng thành ông Poincare, ông Briand cả đâu; cũng là học canh nông, học thương mại đấy mà có phải ai cũng thành vua bông, vua khoai, chúa gang chúa sắt cả đâu. Ở những nước văn minh tiên tiến, sự giáo dục đax mười phần hoàn bị, trong nước biết bao nhiêu là trường học, biết bao nhiêu là người học mà sao người tốt nghiệp ở trong trường học ra kể muôn kể ức, nhưng người làm nên được sự nghiệp, nổi tiếng được về một nghề gì, do sở học thi thố ra sở hành cho hiển hách một đời, lưu danh muôn thuở, vẫn thấy hi hãn lắm, chẳng khác gì lông phượng sừng lân. Lại xét từ xưa đến nay, suốt phương đông qua phương tây, có hiếm chi người không nghe có từng học ở một trường nào, học với một thầy nào, theo công khóa học chuyên cần được bao năm bao tháng mà cũng làm nên được những cái công nghiệp chọc trời khuấy nước, xuất loại siêu quần. Nhwuxng bậc anh hùng hào kiệt đời xưa thường thường xuất htaan ở nơi hàn tiện. Chính ngay bây giờ những danh nhân trong thế giới, nào nhà đại tư tưởng, nhà đại phát minh, nhà đại phú hào, nhà đại chính trị, nhà đại quân sự cũng phần nhiều phát tích rất là khốn ách nghèo nàn. Những người ấy chắc không được cái may mắn theo học đến nơi đến chốn như các cậy con nhà giàu sang, có tiền nghìn bạc muôn, học từ bé đến lớn hết trường nọ đến trường kia mà bởi đâu dũa trí rèn tài, thành được nhân vật vĩ đại như thế.

Coi thế thì biết cái học nhà trường là cái học thông thường, có thể dào tạo nên được cái nhân vật thông thường, mà không thể chỉ chắc vào đấy đã hẳn đào tạo nên được cái nhân vật vĩ đại. Một lớp sinh viên ở trong trường học canh nông chỉ là một lướp người xới vườn cuốc ruộng mà chưa hẳn đã đúc ra được một tay đại nông hay tiến chủng cải lương. Một lớp sinh viên ở trong trường thương mại chỉ là một lớp người tính sôt cầm cân mà chưa hẳng đã đúc ra được một tay đại thương đủ thương tài thương đức. Một lớp sinh viên ở trong trường chính trị chỉ là một lướp người làm việc bàn giấy mà thôi, mà chưa hẳng đã đúc ra được một ông Tỉ tư mạch hay một ông Kha ba. Một lớp sinh viên ở otrn trường vũ bị chỉ là một lớp người bị viên hàng ngũ mà thôi, mà chưa hẳn đã đúc ra được ông Nã phá luân hay một ông Huệ linh đốn. Một nhân vật vĩ đại phải có một cash đào tạo khác thường, mà không chỉ đào tạo bằng cái học thông thường được; hoặc vừa có cái học thông thường mà lại vừa phải có cái học khác thường nữa; hoặc không có cái học thông thường mà vốn đã tự có cái học khác thường kai. Cái cách đào tạo nên nhân vật vĩ đại tuy một phần nhờ về thiên tài siêu việt hơn người thường, một phần nhờ về cảnh nghộ đặc biệt khác người thường, mà một phần lớn chính là nhờ về có cái học khác thường để luyện được cái thiên tài siêu việt của mình, lợi dụng được cái cảnh ngộ đặt biệt của mình, ứng phó được cái vận hội thích hợp của mình, mà thành tựu công nghiệp của mình vậy.

Cái học khác thường của những nhân vật vĩ đại đó là cái học thế nào? Tây triết có câu: Trời đất là một pho sách lớn. Tiên nho ta cũng nói: Trải một sự biến là thêm một điều khôn. Cái sự lý trong trời đất, cái kinh lịch trong đời người, ấy tức là một cái trường học lớn cho những người biết học vậy.

Thí dụ như trông con tầm kéo tơ, con ong gây mật mà tập được cái đức tính chuyên cần, trông con kiến làm tổ, con chim tha mồi mà luyện được cái tinh thần đoàn thể, ngẫm chuyện con châu chấu đá voi mà tập được cái gan quả cảm, ngẫm chuyện con giã tràng xe cát mà luyện được cái chí kiên cường, thấy hoa tươi cỏ tốt mà lập được cái tính nết ôn hòa, chơi trăng gió núi non mà luyện được cái tính tình cao thượng, cái cân thằng bằng vô tình mà như dạy ta ăn ngay ở thẳng, cái gương sáng quắc cô tình mà như dạy ta khiết hạnh thanh tâm, khe lạch nào cũng dồn xuống bể, ta coi đó mà sinh ra có lượng bao dong, hang hốc đâu cũng ánh mặt trời, ta coi đó mà sinh ra có lòng bác ái, ấy chẳng là những bài học đức dục rất hay rất tốt ở trong cái pho sách lớn của trời đất dư?

Lại thí dụ như trông cái hơi nước sủi bật vung nồi mà phát minh ra được cái máy hơi nước, trông cái viên đá liệng quầng mặt nước mà phát minh ra được thứ điện không giây, thấy con chim bay thẳng cánh mà nghĩ chế ra được cái máy bay, thấy con cá lội dương vây mà nghĩ chế ra được máy tàu thủy, thấy hòn đá bắt kim mà nghiệm ra được cái sức hấp dẫn của điện khí, thấy miếng kính lấy lửa mà nghiệm ra được cái sức phản chiếu của nhật quang, ấy chẳng lại là những bài học trí dục rất hay rất tốt ở trong cái kho sách của trời đất dư?

Đến những cái kinh nghiệm trong đời người lại càng là cái kho tài liệu dưỡng đức luyện tài cho người ta vô cùng vô tận nữa; này như gặp một người hay mà khéo bắt chước được những điều hay của người ấy, gập một người như mà biết giữ khỏi mắc những điều hư của người ấy, nghe một việc phải mà dốc lòng theo, nghe một việc xằng mà để bụng tránh; việc gì làm mà thấy thành công thì nhận biết cái nguyên nhân thành công ở đâu mà giữ gìn lấy, việc gì làm mà thấy thất bại thì nhận biết cái nguyên nhân thất bại ở đâu mà sửa đổi đi, thế có phải mỗi khi gặp một người nào tức là gặp được một ông thầy học, nghe một việc gì tức là nghe được một bài học, làm một việc gì tức là làm một công khóa học đó không? Người trước ta, người đồng thời với ta, người xa ta, người thân cận với ta, có người phẩm cách siêu việt, công nghiệp hiển hách hơn ta, có người nết xấu chồng chất, chí hạnh bạc nhược kém ta mà tóm lại thì người nào cũng giúp ích cho ta được cả; vì người có cái đức này, người có cái tài nọ, cái tài cái đức của người ta mà ta khéo bắt chước được thì ta sẽ thêm có được cái tài ấy, cái đức ấy cho ta; hoặc người có cái dở này, người có cái xấu kia, cái dở cái xấu của người ta mà ta biết giữ khỏi mắc thì ra sẽ không có cái dở ấy, cái xấu ấy vào ta; là là có giúp ích cho ta cả vậy. Công việc trong đời người thiên biến vạn hóa, hoặc xẩy ra ở trong nhà ta, trong xứ ta, trong thế giới hiện thời ta, mắt ta được thấy, tai ta được nghe biết bao nhiêu mà kể, có cái phải, có cái xằng, có cái thành công, có cái thất bại; ta nghe thấy đó mà ta thoảng qua đi, không để tâm lý hội cho biết được rõ cái nào là làm phải, cái nào là làm xằng, cái thành công tự sao mà thành công, cái thất bại tự sao mà thất bại thì thật là ta bỏ phí mất biết bao nhiêu mà kể những bài học có ích cho ta; nếu ta mà chịu để tâm lý hội, việc gì cũng tường được đến nhân quả, xét được hết đầu đuôi mà quyết trạch được cái này là xằng, cái này là phải, cái kia vì thế mà thất bại, cái nọ vì thế mà thành công, ta cố ép mình ta làm phải chớ có làm xằng, sẵn cái gương trước ta soi, theo cái dấu thành công, không theo cái dấu thất bại, tức là bao nhiêu việc ta nghe ta thấy đều bấy nhiêu bài học có ích cho ta vậy.

Những người biết học chỉ học một cái trường học như thế cũng có thể mài luyện được cái thiên tài của mình, lợi dụng được cái cảnh ngộ đặc biệt của mình, ứng phó được cái cơ hội thích hợp của mình mà làm nên sự nghiệp của mình vậy. Mà cho dẫu những người đã có cái học thông thường giỏi đến bậc nào đi nữa, muốn cho đạt đức thành tài, kiến công lập nghiệp được, cũng phi có học qua một cái trường học như thế không xong.

Thường thấy có người phàn nàn vì không được học; hoặc nhân cảnh nhà bần bạc, tuổi xanh thất học, mà suốt đời cam chịu là một người ngu si dốt nát, dày như đất, tối như đêm, nhiều lúc lấy thế làm tức phận bực mình, mà tự mình lại than thở với mình rằng: khốn nạn! người ta là người, mình cũng là người, cũng tai mắt ấy, cũng tâm trí ấy mà người ta sinh ra vào nhà phú quí, gập được cái cảnh thuận tiện mọi bề, cha mẹ có tiền nuôi cho ăn học đến chốn đến nơi, hoặc ở được cái chỗ sẵn có trường có thầy, có thể chuyên chí học hành, không lo gián đoạn, rồi nhờ thế mà học thành danh lập, ra vẻ con người sung sướng bảnh bao; chẳng may cho mình, nhà hiếm của kiệm, ăn bữa sớm lo bữa tối còn không đủ, lấy đâu cho có lương ăn lương học như người; giữa cái thời lanh trai sắc sảo, kẻ một loạt với mình đương chân dày chân dép cắp cặp đi vui bạn theo thầy mà mình đã phải đem thân làm cái máy bôn y tẩu thực suốt tháng thâu ngày, chữ nhất là một không biết, thành ra cái đời túi cơm giá áo, tối tăm mù mịt cho đến già đến chết thì thôi! Những người tức phận bực mình như thế có biết đâu rằng: trong trời đất sự lý bao la, chỗ nào là chỗ chẳng có thể khai tâm minh mục cho ta, mà lúc nào là lúc chẳng có thể tiến đức tu nghiệp cho ta được. Trong một đời ta trải người trải việc, người nào là không phải người bảo không bảo dại cho ta, mà việc nào là khoogn phải việc dạy hay dạy dở cho ta. Dù cái tay cái chân ta phải bận bịu về việc lao động mưu sinh, mà cái mắt ta có gì cấm không cho thấy, cái tai ta có gì cấm không cho nghe, cái tâm trí ta có gì cấm không cho xét suy phán đoán. Nếu mắt ta thấy mà tinh, tai ta nghe mà hiểu, tâm trí ta xét suy phán đoán mà không lầm không laaxnthif trong bụng ta cũng có kém gì vạn quyển thiên kinh. Người xưa như ông Phó duyệt đi đắp đất mà làm nên cái sự nghiệp hưng Thương, ông Hàn tín đi câu cá mà làm nên cái ui danh phá Sở; người Âu mỹ những tay đại chính trị, đại triết học, đại khoa học cũng có người xuất thân làm thợ điện, làm thợ mỏ, làm nghề bán rao nhật báo, làm nghề sắp chữ nhà in; những người ấy thân phận có khác gì ta mà học đâu được thế? Lỗi tại ta không học, chứ có phải cái gì bắt ta không được học mà phàn nàn.

Lại thường thấy có người học tốt nghiệp ở nhà trường rồi là thôi không thiết gì đến sự học nữ, thường ra ý tự mãn tự túc mà mình tự yên ủi với mình rằng: sự học là cái đồ ăn bổ dưỡng trí thức cho người ta, là cái thìa khóa mở mang sự nghiệp cho người ta. Kẻ không học như cỏ như rơm, mà người có học như hoa như lúa. Nay ta đã có coogn ăn học trong bấy nhiêu năm đến ngày học thành danh lập, là ta đẫ đủ cái đồ ăn bổ dưỡng trí ta rồi, ta đã nắm cái thìa khóa mở mang sự nghiệp ta rồi, đối với người không học ta đã có cái phẩm giá như hoa như lúa, hơn lũ cỏ rơm kia đến mấy mươi bậc rồi. Bây giờ là lúc ta hết hồi khó nhọc, tới cảnh an nhàn, ta có thể cứ thế này mà an hưởng cái vui sướng nhà cao cửa rộng, lên ngựa xuống xe, ăn tha hồ của ngon, mặc tha hồ của tốt, vẻ vang bảnh chọe hơn người chán, tội gì mà chả trận cười suốt đem, cuộc vui đầy tháng cho bõ với cái công phu xong huỳnh cặm cụi, án tuyết cần cù. Những người tự mãn tự túc như thế có biết đâu rằng: Trời đất không cùng, đời người không cùng thì sự học cũng không biết đến đâu là cùng là hết. Cái học tốt nghiệp ở nhà trường là chỉ mới tốt nghiệp với cái trường mình học, chứ đã tốt nghiệp đâu được cả trời đất, cả đời người. Tuy mình đã có được một chút đồ ăn bổ dưỡng trí thức cho mình, mà trí thức há chỉ bổ dưỡng có thế mà thôi ư? Tuy mình đã có được một mẩu thìa khóa mở mang sự nghiệp cho mình, mà sự nghiệp há chỉ mở mang có thế mà thôi ư? Muốn trí thức của mình càng ngày càng được bổ dưỡng thêm, sự nghiệp của mình càng ngày càng được mở mang thêm thì khắp trong trời đất không cái gì là cái mình không phải học, suốt trong đời người không chuyện gì là chuyện mình không phải học. Người xưa nói: càng học càng dốt. Lại có câu: Học mãi mới biết mình chưa đủ vào đâu. Mình không biết học thì là mình dại mà tự làm hẹp cái trí thức của mình đi, tự làm nhỏ cái sự nghiệp của mình đi, chớ có cậy là học thành danh lập rồi mà đã vội tự mãn tự túc.

Những người biết học còn có một cái trường học lớn không thầy không sách như đã kể trên kia, thật không có vì gập phải cảnh thất học mà phàn nàn, cũng không có lấy cao học đại học mà tự mãn tự túc vậy.

image_pdfimage_print

Trả lời

Điện thoại
Messenger
Zalo
Facebook
Liên hệ