Nghe bài viết

Trong binh thư cổ có câu rằng: Biết người biết mình, trăm trận không thua. Câu ấy tuy nói về cách dùng binh, nhưng có lẽ chẳng những là dùng binh mới phải biết người biết mình, phàm người ta ở đời, lập thân xử sự, hưng công kiến nghiệp, nhỏ từ cá nhân, lớn tới một nước, hễ đã có nói tới tiếng cái người, cái mình, của người, của mình, có cái giới hạn người với mình đối lũy nhau, có cái đường lối người với mình giao thông nhau, có cái tình diện người với mình tiếp hiệp nhau, có cái quyền lợi người với mình xung đột nhau, nghĩa là ở đời không phải chỉ có một mình mình, thì mình đối với người phải biết người thế nào mà mình thế nào, cái gì mình hơn người, cái gì mình kém người; nước mình đối với nước người cũng vậy, dân tộc mình đối với dân tộc khác cũng vậy, cũng phải biết dân tộc người ta thế nào, dân tộc mình thế nào, dân tộc người ta có những cái gì là cái sở trường hơn dân tộc mình, dân tộc mình có những cái gì là sở đoản kém dân tộc người ta, mới biết thâu nhặt cái ưu điểm của người, bổ cứu cái khuyết điểm của mình, cái hay của mình thì mình phát dương ra cho kỳ hết, cái dở của mình thì mình sửa đổi đi cho rõ tiệt, mới có thể thoát ra khỏi cái vòng liệt bại mà chen vai thích cánh được cùng người. Cái thuật biết người biết mình quả là cái thuật sinh tồn rất thiết yếu cho mọi người và cả cho các dân tộc ở đời nay vậy.

Người Pháp có cái tính chất của dân tộc Pháp; người Nhật có cái tính chất của dân tộc Nhật, người nước nào cũng có cái tính chất của dân tộc nước ấy; mình là người Việt nam, mình cũng có cái dân tộc Việt nam mình đây, chắc là không hóa với dân tộc khác được, mà cũng chẳng có lẽ tiêu duyệt ngay được. Cái dân tộc mình đó sinh tụ trưởng thành ở trên một miếng đất thiên thời cũng tốt, địa lợi cũng hậu, non sông cũng thanh tú, vật sản cũng phong nhiều, trong non ba mươi vạn kilomet vuông, bắc từ Cao Lạng, nam đến Hà tiên, đông giáp Thái bình dương, tây tiếp Xiêm La, Diến điện là cái miếng đất Việt nam này hơn 4000 năm nay rồi; hơn bốn ngàn năm trời cũng có nhiều đoạn lịch sử cũng sung sướng vẻ vang đủ chứng minh được là một dân tộc có đạo đức, có luân lý, có khí tiết, có phẩm hạnh, có tài năng, có thanh danh văn vật; ấy chính nước mình đó là cái dân tộc đã có quốc gia, có triều miếu, có nông nghiệp ngư nghiệp từ đời Hồng lạc là đương vào cái thời đại phần nhiều các dân tộc khác còn đương ăn lông uống máu dúc núi chui hang; lại chính dân tộc mình đó đã bao phen ra cái thủ đoạn anh hùng, không kiêng sợ gì kẻ tham bạo, dù đất rộng nước to, người nhiều sức mạnh hơn mình mà đuổi được Hán, đánh được Ngô, nạt được Tống, vỡ mật quân Nguyên ở sông Hàm tử, bêu đầu tướng Minh ở núi Mã an, gây dựng nên cơ đồ sơn hà Nam đế; rồi dần dần thu được Chiêm thành, gồm được Chân Lạp, mà mở mang bờ cõi, thành một dân tộc lớn ở trên đại lục Á âu; một nhà chép sách ở nước Tàu có tựa trên một cuốn sách chép về việc nước nam rằng: Người nước Nam thông minh mà ham học, trong nước Nho giáo thịnh hành lắm, trong khoảng hơn ngàn năm, những người trung hiếu tiết nghĩa văn học chính sự không kém gì người Tàu ta. Mấy câu khen ngợi ấy chẳng là chỉ vào cái dân tộc mình đó dư? Gần đây các nhà du lịch người Âu châu có nhiều nhà đã quan sát kỹ lưỡng về nước Nam làm ra sách vở cũng có nói: Người Việt nam có tính cần kiệm, nhẫn nại, ham bắt chước khéo mô phỏng, lanh mắt lẹ tay, làm gì cũng được mà lại có tính phục tùng thuần cẩn, ít hung ác ngỗ ngược. Điều phê bình ấy chẳng cũng là chỉ vào dân tộc mình đó dư? Một quyển cổ Việt nam của quan Pasquier, mười mấy bài diễn thuyết nói về chính sách nước Pháp ở đất Việt nam của quan Sarraut là những câu nói của bậc đại chính trị, đại văn học thời này đều công nhận dân tộc Việt nam ta là một dân tộc đã có cái văn hóa tốt đẹp cả; ngay quan toàn quyền Merlin vừa rồi tuyên bố chính kiến tại hội Khai trí cũng đại thư đặc thư đến cái văn minh cũ rất tinh túy của người Việt nam, chẳng cũng là chỉ vào dân tộc mình đó dư?

Phàm đã gọi là một dân tộc thì đều có một cái tính chất dân tộc riêng đặc biệt với dân tộc khác. Các nhà học về các dân tộc, dù đối với mọi giống Mán, Mường, Mọi đen, Mọi đỏ ở châu Phi, châu Mỹ, châu Úc nào, miễn là đã tiệm cái bộ lạc, có đoàn thể, có cư tụ cùng nhau đều có thể dụng công nghiên cứu mà xét ra được cái dấu tính đặc biệt của từng giống người một. Một cái dân tộc như dân tộc mình đó thật là một dân tộc tối cổ mà cũng không phải là một dân tộc bé nhỏ gì, còn có cái giá trị đáng nghiên cứu biết bao nhiêu; Ôi, một cái dân tộc cổ mà lớn được như thế thì tất cũng có vài ưu điểm đặc biệt với dân tộc người ta, song một cái dân tộc cổ như thế mà đến bây giờ lại tiến hóa kém người, một cái dân tộc lớn như thế mà đến bây giờ lại hèn yếu kém người thì cái khuyết điểm không bằng người tất cũng không ít. Dưới đây sẽ xin lần lượt kể hết những cái gì hay, cái gì dở trong tính chất dân tộc Việt nam mình để chất chính cùng các nhà hữu tâm đến quốc gia chủng tộc.

Cái hay của người mình.

Một nhà danh sĩ Tầu nói: người ái quốc thường hay kể cái sở trường của quốc dân mình. Thật thế. Người viết bài này quả không dám lấy một điều đó để mà mạo muội tự nhận vào cái hàng người ái quốc, song thiết tưởng thời đại nào, xứ sở nào, người ta cũng cùng có một cái tâm lý như nhau, là ai cũng tự biết có cái dân tộc mình mà không phải có được tiền được của, được bổng được lộc gì, hễ nghe được ai nói đến cái hay của dân tộc mình thì tự nhiên thấy trong lòng như vui sướng hả hê, trong mình như nhẹ nhàng khoan khoái: người viết bài này cũng vì một cái tâm lý như thế.

Ôi! Nếu dân tộc mình mà không có cái tính chất gì hay cả thì có lẽ cái miếng đất Việt nam này đến ngày nay đã không còn dấu vết tí ti gì của nòi Hồng giống Lạc mà thành ra một khu rừng rậm tụ họp những hùm beo rắn rết, hay một cánh bãi bừa bộn những lau lách chông gai, mà may có chưa đến nỗi sàng đãi trong cái vành thiên diễn mau như thế nữa thì cũng chỉ chui rúc với lũ Mèo, Mường, Mán, Mọi ăn do mò trấu ở mấy xó thung lũng núi đỏ rừng xanh. Không, dân tộc ta không có những cái ưu điểm đặc biệt với người các nước khác có thể biểu dương ra với thiên hạ, thành một cái quốc túy của nước mình, có thể lưu truyền đến thiên vạn cổ, thành một cái quốc hồn nòi giống mình; ấy chính những cái ấy là cái thành trì rất kiên cố để hộ vệ dân tộc mình, dụng cụ rất tinh xảo để tiến hóa dân tộc mình vậy.

Tính trọng gia tộc.

Trước xin nói về cái tính trọng gia tộc. Cái nghĩa gia tộc, từ xưa đến nay, ở xứ nào cũng vẫn có, mà trọng nhất ở Đông phương mình. Cái học thuyết căn bản rất bền chặt mà truyền bá rất rộng rãi ở Đông phương mình, là cái học luân lý của ông Khổng thánh sư; cha con, anh em, vợ chồng là ba cái trụ cốt trong đạo làm người ở nước ta, ân ái rất là đậm đà, cảm tình rất là khăng khít, trật tự rất là nghiêm chỉnh, tâm chí rất là hiệp hòa; ở trong nhà thì lớn bảo bé nghe, trên trông xuống dưới trông lên, nhờ thế mà gia phong được ung mục, gia đạo được hưng long; một nhà như vậy, trăm nghìn nhà cũng vậy, góp nhà thành nước, góp hàng bao nhiêu nhà vui vẻ thịnh vượng lại thì làm gì mà chẳng thành được cái nước yên ổn bình hòa; lại phàm người trong nước là một cái gia đình lớn của mọi người ai cũng đã chịu có cái tập quán tốt ấy ở trong cái gia đình nhỏ rồi, nên sinh ra cái lề thói tôn quân thần thượng, ai cũng biết phục tòng kẻ trên trước, giữ gìn cái đẳng cấp, mà việc chính trị trong xã hội dễ bề chỉnh đốn, cuộc an toàn trong xã hội dễ bề bảo thủ, gặp được người trên giỏi giang đứng đắn, biết khéo chỉ đường dẫn lối cho kẻ dưới tránh điều xấu mà theo điều tốt, thì thượng hành hạ hiệu, thường cũng dễ đem nước nhà chóng bước tới được cõi giàu mạnh vẻ vang; vả người ta tự bé đến lớn lúc nào cũng ở trong cái hoàn cảnh gia đình là một cái hoàn cảnh nhân từ thảo thuận, hòa mục yêu thương, những tính hay nết tốt đó hun đúc hằng ngày, trong khi không biết không hay mà tự nhiên mài rũa dần dần được cái thói tư túi tham lam, hung bạo tàn ác, nhờ thế mà người mình phần nhiều biết trọng tình nghị, chuộng phúc đức, lấy hại nhân ích kỷ làm xấu, lấy ác nghiệp đa sát làm kiêng, đùm bọc nhau họ mạc xóm làng, ký thác nhau con côi vợ góa, sớt cơ sớt nghiệp cho bày bạn, chia cơm sẻ áo cho người nghèo, những chuyện như thế ở các dân tộc khác thì là hi hãn không thường thấy mấy khi, mà ở dân tộc mình thì là sự tầm thường, một ông già, một bà lão nhà quê, một chú trai cầy phác thực hiền lành có khi cũng làm nổi; Tuy ở đâu cũng có kẻ xấu người tốt, trong cái dân tộc trọng luân lý, quý đạo nghĩa, chuộng nhân ái, giữ trật tự này cũng chẳng hiếm gì kẻ bất từ, bất hiếu, bất nghĩa, bất nhân, bội lý thương luân, lường thầy phản bạn, nhưng đối với cái quyền lực thưởng phạt vô hình của xã hội, trong lương tâm vẫn còn biết sỉ nhục, biết sợ hãi, đương cái khi túng làm liều, đói ăn vụng mà hình như vẫn phải khép nép giấu diếm, những lúc thầm kín một bóng một đèn, vẫn ăn năn hối hận, mà những chỗ trù nhàn quảng tọa, chẳng ai tra chẳng ai khảo, cũng vẫn làm ra bộ tử tế để tránh cho khỏi cái ác danh về mình, nên kẻ nào còn có chút bụng tự ái mình đều miễn cưỡng giữ gìn mà không muốn phạm những điều tội ác, ấy một cái tính trọng gia tộc của dân tộc mình mà có cái vang bóng tốt đến xã hội rất sâu xa như thế.

Lại nhân cái tính trọng gia tộc mà sinh ra có cái bụng yêu giống thương nòi; cái lo thứ nhất của người mình là lo tuyệt tự, mất giống, nối dõi tông đường là việc hệ trọng hơn cả, không luận người giàu người nghèo, người sang kẻ hèn, người lớn người nhỏ cũng nhận cái nghĩa vụ sinh dục con cái là cái bổn phận hăm hở cố gắng nhất trong đời; ta lại chẳng từng thấy có nhiều nhà nghèo đói khốn khổ, cơm không có đủ ăn, áo không có đủ mặc, mà con đầy đàn đầy đống, cũng cố chịu thương chịu khó, lo cho con được bữa lưng bữa vực, vẫn nưng niu chầm ấp, lưu lộ cái thiên tính từ ái thành thực mà không hề cau có chán nản bao giờ đấy ư? Cái bụng yêu giống thương nòi ấy mà suy rộng ra thì khi nào chịu để cho giống nòi mình tiêu diệt, mòn mỏi, yếu hèn, mà hễ đã biết được có cách gì làm cho giống nòi mình to lớn ra, mạnh thịnh lên, tất hết lòng hết sức mà làm cho kỳ được: một dân tộc có cái tính chất tốt như thế, không có lẽ mà nòi giống đến nỗi suy sút đốn hèn vậy.

Tính trọng sinh mệnh.

Hai là cái tính trọng sinh mệnh. Câu khai tâm thứ nhất của người mình, mẹ dạy con, anh bảo em, ông nhủ cháu là câu: thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất khả hủy thương: cái sinh mệnh của mình là không phải của riêng mình, muốn tự ý hủy hoại thế nào thì hủy hoại, cái sinh mệnh đó là của cha mẹ mình giao phó cho mình, càng tưởng mến tới cha mẹ mình bao nhiêu thì càng phải bảo trọng cái thân thể mình bấy nhiêu: trèo cao không dám, lội nước không dám, đánh lộn không dám, phạm tội lỗi không dám, mấy điều giới ấy chôn vào bụng, in vào óc từ lúc mới biết nói biết đi, mới bắt đầu học lễ, kính hơn thập giới của tôn giáo, sợ hơn thập điều của nhà vua; cái khuôn vàng thước ngọc làm người ở đời là lời châm ngôn bất dịch của ông Khổng thánh sư: thủ thân vi đại; không nói như người Âu mỹ Nhật bản bây giờ, cái thói tự sát đã thịnh hành đến nỗi thành hẳn ra như một cái chủ nghĩa cho mọi người trong xã hội sùng bái, hay là như một cái ác dịch cho mọi người trong xã hội truyền nhiễm lây nhau thì ở dân tộc mình cổ lai không từng có thế, mà cái lý thuyết chán đời là một cái lý thuyết cao thượng ở các nước khác, ở nước mình cũng ít có người đàm luận tới; có một đôi người nhập môn ông Trang, ông Lão thì là những người lỗi lạc phi thường cả, tư tưởng rộng, tri lự nhiều, lịch duyệt chuyện đời đã thâm, gánh vác việc đời cũng lắm, hoặc là ông hưu quan đầu bạc, qui ẩn chốn điền viên, hoặc là ông chí sĩ lòng son, lưu lạc nơi xa lạ, từng lặn lội với đời, chìm nổi với đời, có khó có nhọc với đời chán, cái thân thì vẫn ở trong cuộc thế mà vì cảnh trần phân nhiễu, đường thế gập ghềnh, cái khí ức uất lao tao, phải tạm gửi mình vào cái thế giới ngoài cái thế giới hiện tại này để thư thái tinh thần, hàm dưỡng tính tình; ấy các cụ ta thuở xưa cũng có chán đời mà chán đời như thế, có lẽ càng chán đời thì càng được việc cho đời hơn, vì con người ta mà tinh thần được thư thái, tính tình có hàm dưỡng thì đến lúc lâm cơ ứng biến, tâm chí càng tỉnh táo, đảm lực càng kiên định  mà việc đời càng cáng đáng được dễ như chơi; một nhà danh sĩ Tây đã nói: phàm thánh hiền hào kiệt xưa nay đều có một cái thế giới ngoài thế giới, là nghĩa thế. Còn phần nhiều người mình thì đều là ham tiếc sinh mệnh, bảo trọng thân thể; nói đến cái chết thì ai cũng rùng mình rợn gáy; coi một đám tang của người mình, từ lúc hấp hối chết, lúc tắt nghỉ cho tới sau khi chết, nào ba ngày, nào năm mươi ngày, nào trăm ngày, nào tiểu tường, nào đại tường, gọi hồn, thành phục, phát khốc, tiểu liệm, đại liệm, nhập quan, chuyển cữu, yên vị, đối với một cái sinh mệnh trịnh trọng mà quyến luyến biết là nhường nào! Một người nghèo khổ đến một bữa cũng không có mà ăn, mảnh vải không có mà quấn, mà vẫn chịu lay thay lưới thuới, kiếm bữa lưng bữa vực, ăn sáng lo tối, cố làm sao cho qua được cái ngày tháng khốn khổ nhục nhằn, còn trông thấy cái bóng mặt trời lúc nào thì dù bệnh hoạn tàn tật, phải ăn mày ăn xin cũng sống đày sống đọ, sống bêu sống điếu cho sống được thì thôi, chứ không đành nhắm mắt mà từ giã cái thần thái dương kia đã bày bao nhiêu cái cảnh tượng muôn thẳm nghìn sầu trong quãng đời mình phải đi qua hết; người nước khác thấy thế không khỏi bỉ dân tộc mình là hèn nhát, nhẫn nhục vô sỉ quá, có biết đâu rằng cái hèn nhát, cái nhẫn nhục vô sỉ ấy chính cũng bởi cái tính trọng sinh mệnh mà ra.

Bởi cái tính trọng sinh mệnh mà người nào người nấy, lúc nào cũng chỉ lo ngập lo cạn, nghĩ xa nghĩ gần, sao cho cái sinh mệnh mình được chắc chắn vững bền, phong lưu no đủ, thành ra biết ăn cần ở kiệm, lự viễn ưu thâm, dậy sớm thức khuya, tay bùn chân lấm mà lấy làm nhọc nhẫn, dầu xương dãi nắng, lên ngược xuống xuôi không lấy làm vất vả, cà chua mắn mặn mà thích khẩu cũng chẳng khác gì cao lương, áo vải quần nâu mà ấm cật cũng chẳng khác gì nhung đoạn, ít có cái nết ăn bơ làm biếng, ít có cái thói lãng xỉ phù xa; ta chẳng từng thấy thỉnh thoảng có một vài nhà vườn cau ao cá, tiền trăm bạc nghìn không thiếu gì mà cũng vẫn ăn nhịn để dành, siêng năng công việc, nửa đêm còn ở ngoài đồng tát nước, hửng đông đã theo chân trâu vác cày đi đấy ư? Lại chẳng từng nghe có kẻ có bạc vò bạc hũ, thóc từng bồ, ruộng từng cánh mà suốt đời không thấy mấy khi ăn miếng ngon, mặc của tốt, chồng không hề chân giầy chân dép, vợ không hề vòng nhẫn hột hoa, cũng cày sâu quốc bẫm, cũng buôn ngược bán xuôi, cũng dè sẻn từng đồng, cũng lượm lạ từng tí, mà thực thì cóc vàng cóc tía, làm thần giữ của cho xã hội đấy ư? Vả trong một xã hội mà người nào cũng biết lấy sinh mệnh làm trọng thì tự nhiên sinh ra cái phong tục giữ trật tự, kính trưởng thượng, sợ luật phép, chuộng hòa bình, huynh thứ dễ dàng bảo ban, vua quan dễ dàng cai trị, tính tàn ác không mấy người thường có, án mạng kiếp không mấy khi xảy ra, cũng dễ tổ chức nên một cái xã hội tề chỉnh nghiêm trang thái bình vui vẻ.

Một cái dân tộc cần kiệm tích súc, làm siêng năng mà tiêu tiện tằn, mà nếu lợi nguyên khai phát được hết thì nước làm gì chẳng thịnh, dân làm gì chẳng giàu; trong một xã hội mà ăn ở với nhau lúc nào cũng được tề chỉnh trang nghiêm, thái bình vui vẻ thì cách cái hoàng kim thế giới cũng chẳng bao xa; mà được như thế đều do một cái tính trọng sinh mệnh gây nên, ai bảo rằng cái tính ấy không phải là một cái tính chất tốt của dân tộc mình vậy.

Tính trọng danh dự.

Ba là cái tính trọng danh dự. Người ta sở dĩ khác hơn các loài vật, dân văn minh sở dĩ khác hơn dân dã man là vì có cái tính biết tự tôn tự trọng mình, biết nâng cao cái nhân cách của mình lên cái bực cao sang mà không cam cái phận đê hèn nhục mạt; các loài vật thì chỉ có cái vật tính: đói thì ăn, nhọc thì nghỉ, trống mái đực cái, xuẩn xuẩn xuy xuy, cho qua một cái đời hoặc ngắn hoặc dài, chết rồi là hết chuyện, tuy mỗi loài cũng đều có một cái khiếu khôn riêng cả, như loài hổ loài lang cũng có nhân, loài ong loài kiến cũng có nghĩa, loài quạ cũng có hiếu, loài chó cũng có trung, vân vân nhưng chẳng qua cũng theo cái công lệ sinh tồn, vì cách sinh hoạt tự nhiên và bất đắc bất nhiên, cho toại cái dục vọng tìm mồi, đủ cái sự cầu miếng sống, chứ không phải ngoài cái sinh mệnh ngắn ngủi, hẹp hòi, xấu xa, nhơ bẩn là cái xác thịt những huyết bào lăn tăn, những tế trùng lúc nhúc, chẳng mấy lúc rồi tiêu tán thành tro, thành đất, thành rác, thành phân, lại còn có được cái sinh mệnh thứ hai là cái lòng danh dự cao thượng, thuần khiết, lâu bền rộng lớn như của loài người ta; trong loài người ta mà các dân mọi rợ ăn sống nuốt tươi, gặp đâu hay đó, bạ sao làm vậy, chỉ khu khu trong một cái vòng khuôn nhỏ hẹp ẩm thực nam nữ thì cũng chỉ mới bước lên cái thang muôn vật trên các loài vật khác được đôi bậc là cùng; đến các dân tộc văn minh thì đã biết tự tôn tự trọng cái phẩm giá của con người nhiều, tự coi cái nhân thân của mình là chúa tể cả quả địa cầu, là một vị độc tôn cả trên trời dưới đất, sai khiến cả mưa gió sấm chớp, chế phục cả muôn giống ngàn loài biết cho cái xác thịt là cái pháo ảnh tạm thời, sắc không tồn duyệt, không có chút gì khinh trọng đến cái bản ngã của mình cả, khôn dại cùng chung ba thước đất, giàu sang chửa chín một nồi kê, ngoài cái đó còn có cái danh dự là cái kim thân bất duyệt cái pháp luân quảng đại của mình kia nó làm cho cái nhân cách mình vượt lên được tới chỗ tuyệt đích cao sang, tô tạo cho cái đời mình sự nghiệp tha hồ mà vẻ vang, chí nguyện tha hồ mà hoành vĩ, cả giang sơn do một tay mình gánh vác, cả thế giới do một tay mình chi phối, cho cả đến thiên hạ hậu thế đời đời kiếp kiếp cũng do mình hóa thân muôn mớ ức mà được rực rỡ trang nghiêm, ấy cái tính trọng danh dự của loài người, của các dân văn minh là thế; mà cái tính ấy cũng chính là một tính chất sẵn có của dân tộc mình.

Từ hơn hai nghìn năm trước, dân tộc mình đã có đủ được cái tư chất tốt mà chịu nổi cái học thuyết Khổng phu tử là cái học thuyết trọng danh dự không gì bằng; sát thân thành nhân, xả sinh thủ nghĩa, kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy trì mệnh, chẳng là những câu khuôn vàng thước ngọc trong học thuyết ấy mà bao lâu nay người mình từ già chi trẻ, từ đàn ông chi đàn bà lấy làm những câu khai tâm thứ nhất, không đâu là không thấy nói luôn ở cửa miệng người ta đấy ư?

Cái lợi là cái ai chẳng ham, cái chết là cái ai chẳng sợ, mà đều có thể hi sinh nhất thiết với cái thần danh dự được cả thì cái tính trọng danh dự là nhường nào! Trọng danh dự mà đến đói cũng cho sạch, rách cũng cho thơm, ăn miếng mà sợ nhục sàng, tốt danh mà hơn lành áo, tiền của mà không bằng nhân nghĩa, sống dục mà không bằng thác trong, lật một tập ca dao mình là những lời bố dạy con, chị ru em, bao nhiêu tính tình tư tưởng của người mình hình hiện cả ra đó, mà ngẫm đi nghĩ lại, những câu như thế biết mấy mà kể, thật đủ chứng dân tộc mình rất giầu về cái lòng danh dự, cũng có cái tính tốt như quân nhân đại Pháp, thờ danh dự trọng ngang với lá quốc kỳ. Trong cái lịch sử danh dự của người mình có hiếm gì những bực danh thần lương tướng, chí sĩ cao nhân mà vì danh dự mà chịu cúc cung tận tụy một đời người, cực khổ mấy cũng không từ, nguy hiểm mấy cũng không ngại, giàu sang mấy cũng không tưởng, tước lộc mấy cũng không thèm, mà thủy chung vẫn giữ được trọn vẹn cái tiếng hay, tiếng tốt, tiếng thơm, tiếng sạch của mình, làm cho nước nhà được hưng thịnh, nòi giống được vẻ vang, quốc hồn được tỉnh táo, quốc sỉ được rửa sạch, sĩ khí được phấn phát, dân tục được thuần lương, văn vật được rõ ràng, phong hóa được tốt đẹp; mà không những các đấng thượng lưu như thế, đến cả những nơi làng xóm quê mùa, những người dốt nát hạ tiện, một tên hầu ngựa mà dám ném hòn gạch vào mặt người Mãn, liều mình để báo vua Lê, một người vợ lính mà dám đưa mật thư ra khỏi vòng vây, tận trung để phò chúa Nguyễn, một tên đồng tử, nghèo đến chỉ còn cái khố một che đậy thân thể mà cũng dành bán nốt để báo hiếu cho cha già, một người đàn bà, khổ đến phải uống thuốc phạt hỏa đè nén dục tình mà cũng đành ở vậy để toàn trinh cùng chồng cũ, nếu không có cái tính trọng danh dự nó thúc giục, nó khu khuyển thì sao cho người ta chịu vất bỏ hết cái vui, cái ham, cái sướng, cái thích mà nong nả, mà mải miết, mà gứng gỏi, mà nhẫn nại làm được những chuyện khó khăn ghê gớm như kể trên kia.

Ôi! Danh dự là gì? Là muốn cho mình tốt mà không chịu để mình xấu, muốn cho mình hay mà không chịu để mình hèn, thấy người giỏi mà biết xỉ mình ươn, thấy người hơn mà biết thẹn mình kém, trông gương tốt người trước mà cố theo cho kỳ được, nhìn vết xấu của kẻ khác mà cố tránh cho thật xa. Một dân tộc có cái tính trọng danh dự như dân tộc mình quyết không phải là một thứ người vô sỉ mà không biết theo gương tốt của người, tự cam mình xấu mình hèn mà mạt kiếp không hơn không giỏi được vậy.

Tính hay bắt chước.

Bốn là cái tính hay bắt chước. Người ta sở dĩ có tiến cảnh, thế giới có tiến bộ là nhờ về sự bắt chước nhau mà nên cả. Ai thì lúc mới học đi, học nói cũng chưa biết một cái gì, chưa làm được một chuyện gì, sau cứ bắt chước kẻ lớn dần dần, mỗi ngày mỗi khôn biết thêm lên, tuổi càng nhiều thì bắt chước cũng càng được nhiều hơn mãi lên, mà nghiễm nhiên thành một người trưởng thành lịch duyệt. Dân tộc nào hồi ban đầu cũng mán mường mọi rợ, nhờ sự giao thông giống này tiếp xúc với giống nọ, mỗi giống có cái sở trường khác hơn giống khác, góp cái sở trường của giống mình với cái sở trường của giống khác mà dần dần tiến hóa, từ sơn man tiến lên bậc giã man, từ giã man tiến lên bậc bán khai, rồi từ bán khai tiến lên tới bậc văn minh. Nói về cá nhân thì người hèn mà muốn trở lên người hay, người xấu mà muốn trở lên người tốt, người ươn mà muốn trở nên người giỏi cũng đều nhờ về bắt chước cả; kẻ sĩ bắt chước người hiền, người hiền bắt chước ông thánh, thánh bắt chước trời, phép học của người ta không ngoài được cái trình tự nhất định như thế; cho đến đời nay, không bắt chước thì làm sao có tàu khói, có xe hỏa , có dây thép, có ống nói, có tầu bay, có tàu ngầm, có trăm nghìn máy này máy khác, cái gì cũng chỉ tự một đôi người sáng khởi mà rồi khắp các nước đâu cũng in khuôn rập kiểu, hiệu dụng rộng tới khắp cả hoàn cầu. Cái tính hay bắt chước có phải là một tính chất xấu đâu, kể có ích cho loài người, cho nước nhà, cho thế giới thật không phải là nhỏ vậy.

Cái tính ấy dân tộc mình quả có giầu hơn các dân tộc khác nhiều. Chứng trong lịch sử, nghề nông mới bắt đầu gây dựng từ đời Hùng vương mà đến đời Triệu úy Đà đã biết bắt chước người Tàu mà dùng được ngưu canh điền khí, đạo nho mới bắt đầu được truyền bá tự đời thuộc Hán mà đến đời Đông hán đã biết bắt chước học Tàu mà thi đỗ minh kinh mậu tài; ấy là khi ấy giao thông còn eo hẹo ít ỏi, một đôi thủa chỉ có tiếp xúc với nước Tàu, mà bên Tàu có Phật giáo thì bên mình cũng có Phật giáo ngay, bên Tàu có tàm nghiệp thì bên mình cũng có tàm nghiệp ngay, về đường chính trị thì bên Tàu đời Đường đặt phủ bình, bên mình đời Lý cũng đặt phủ bình, bên Tàu đời Đường đặt thuế dung điệu, bên mình đời Lý cũng đặt thuế dung điệu, về văn học thì bên Tàu có đường thi, bên mình cũng có thơ từ lúc Đinh Lê, bên Tàu có cổ văn thể, bên mình cũng có chiếu cáo bi ký từ lúc Trần Lê, cho đến nghề giấy, nghề vẽ, nghề khảm, nghề thêu, nghề nhuộm vân vân cũng chỉ nhờ có một vài ông tổ hoặc đi sang sứ Tàu, hoặc học được của người Tàu mà gây ngay được thành nghề, tức thành ngay tiên sư về nghề ấy; thấy người ta giồng được bắp, được đậu ăn, liền bắt chước giồng được ngay, mà thổ sản nước nhà cũng thêm được ngay hai thứ thực phẩm rất ngon, nói đến cái tiếng bắp ngô, đậu Hà lan, bắp mà còn dính cái tên ngô, đậu mà còn đeo cái tên Hà lan thì đủ nhận ra được cái tính khéo léo bắt chước của tiên dân mình ngày xưa vậy. Bây giờ giao thông càng ngày càng rộng , các nhà nông phố đã thấy giồng nhan nhản những chuối Xiêm, mạng cầu Xiêm, các nhà súc mục đã thấy nuôi lúc nhúc những gà Nhật bản, bò Mã lai là nhờ đã có tiếp xúc với người Xiêm, người Nhật bản, người Mã lai, nếu giao thông một ngày một thêm rộng nữa, lại tiếp xúc được với nhiều dân tộc khác nữa thì còn gom góp được cái khôn, lượm nhặt được mối lợi của người nhiều nữa chưa biết là bao nhiêu; nhất là được tiếp xúc với một dân tộc phú cường văn minh nhất thế giới là dân tộc đại Pháp kia; không thấy trong khoảng có hơn bốn mươi năm trời người đại Pháp mới sang đặt bảo hộ ở đất này mà ta đã bắt chước được không biết mấy mà kể, không nói về đường chính trị, về đường giáo dục, về đường kỹ nghệ là vốn người Pháp chủ ý đem sang mà tổ chức, mà truyền bá, mà sáng lập ra ở xứ mình, mà đến cách ăn, cách mặc, cách đi đứng, cách chơi bời, trông người thế nào cũng tự nhiên bắt chước được hết như thế; ngày xưa làm gì có diễn kịch, mà bây giờ chỗ này kịch, chỗ kia kịch, ở tỉnh thành đô hội không mấy tháng là không thấy hết cuộc diễn kịch làm phúc này đến cuộc diễn kịch quyên tiền khác đấy ư? Ngày xưa làm gì có đá ban mà bây giờ hội đá ban này, hội đá ban kia ở khắp chợ thì quê, không mấy ngày là không có chỗ này một cuộc thi ban, chỗ khác một cuộc thi ban đấy ư? Ôi dân tộc Đại pháp có tiếng hay và tiếng giỏi là nhường nào! Ngoài những cách ăn, cách mặc, cách đi đứng, cách chơi bời đó còn biết bao nhiêu là cái tinh hoa lọc lõi đáng cho ta bắt chước về tư tưởng, về học thuật, về mỹ thuật, về thực nghiệp, nếu cái gì mà ta cũng bắt chước được mau, được khéo như thế cả thì cũng hay, cũng giỏi cho ta biết đến đâu là chừng. Cái tính hay bắt chước của người mình thật đã có ích cho dân tộc ta từ trước tới nay nhiều mà sau này may ra cũng còn có ích cho dân ộc ta nhiều nữa, quyết không ai dám bảo là một cái tính chất xấu được vậy.

Tính ham cạnh tranh.

Năm là cái tính ham cạnh tranh. Tây triết đã có câu: cạnh tranh là mẹ tiến hóa. Thật thế, loài người sở dĩ có tiến hóa, một xã hội, một dân tộc sở dĩ có tiến hóa, cho đến từng người riêng sở dĩ có tấn tới cũng đều nhờ vào cạnh tranh. Thử xét cái công lệ trong lịch sử tiến hóa của loài người từ xưa đến nay, không cạnh tranh thì đương ăn lông ở lỗ làm sao mà biết nhà cao cửa rộng, bát sứ mâm thau; đương bắt cá bắt chim làm sao biết trồng tỉa, chăn nuôi, thợ thuyền buôn bán; làm sao đương thời đại dùng đá mà tiến lên đến thời đại dùng đồng rồi dùng sắt; làm sao đương dân tộc giã man tiếb lên thành một dân tộc bán khai rồi văn minh. Chứng ngay chuyện trước con mắt hiện thời, vừa ngày nào mới có cái máy hơi nước phát minh ra mà nào tầu khói, nào xe hỏa, rồi thiên biến vạn hóa, thành ra biết cơ man vạn mở là máy này móc nọ làm được đủ mọi công việc, hoán cải cả mặt địa cầu; vừa ngày nào mới có cái điện hổ phách phát minh ra mà nào điện tuyến, nào điện đăng, rồi vạn dạng thiên hình, thành ra cứ càng ngày càng mới những kiểu nọ cách kia, lợi dụng ra khắp hoàn cầu, sinh hóa cả muôn loài vật; chẳng là cái kết quả của các nhà khoa học, các nhà kỹ nghệ, tim đấu với tim, óc chọi với óc, người sau cạnh tranh với người trước, nước này cạnh tranh với nước khác, càng cạnh tranh càng tiến bộ mà có được cái cảnh tượng trang hoàng rực rỡ như thế dư? Trong một xã hội mà nghề nghiệp gì có cạnh tranh thì mới thấy có tiến bộ, đến cái nghề nào chỉ có một người một nhà chuyên lợi thì tất cái nghề ấy phải đình trệ mà không tấn tới được bao nhiêu. Một người cũng vậy, thấy người ta hay có biết tức mình dở, trông người ta giỏi có biết giận mình ươn thì phẩm hạnh mới mong có ngày thêm cao, tài năng mới mong có ngày thêm sắc, đức hạnh mới mong có ngày thêm tu tiến, kỷ luật mới mong có ngày thêm tinh lương; thua trời một vạn không bằng thua bạn một li; người mà chịu kém chúng kém bạn, tự cam cái phận đớn hèn, là những người không biết cạnh tranh cả; không biết cạnh tranh thì ai hơn mặc ai, mình kém cứ kém, ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta, chi mà chẳng thua sút người, chi mà chẳng quanh quẩn ở cái vòng nhất mẹ nhì con cho đến cùng đời mạt kiếp. Ấy cái tính ham cạnh tranh cần cho sự tiến hóa của một dân tộc như thế.

Mà chính cái tính ấy là cái tính sẵn có mà có giầu lắm của dân tộc mình. Chứng trong lịch sử, tự hơn hai ngàn năm trước, lúc quân Tàu kéo sang hàng vạn xâm lược xứ mình mà người mình đã chống cự lại được, quân Tàu phải bỏ về; trong cái cuộc nội thuộc Tàu trước sau hơn một ngàn năm, có mấy ngày là không có những tay kiêu kiệt lẩn lút ở trốn sơn lâm, tìm cái cách phản kháng lại người Tàu rất là hăng hái mà kiên nhẫn; hai lần quân Mông cổ tràn sang như nước chảy, mà hai chữ Sát thát toàn trong quân đội ai cũng khắc vào cánh tay; hăm mấy năm trời quân Tàu đã đặt quận huyện chiếm giữ cả nước rồi, mà một tờ đại cáo bình ngô, không chỗ nào không nhao nhao ứng nghĩa; ấy là gặp những cảnh đeo neo trắc trở thiên nan vạn nan là thế mà cái tính ham cạnh tranh cũng không hề vì thế nhụt bớt chút nào; chưa kể đến khắp lân bang bốn mặt, hễ động tiếp xúc với dân tộc nào là ra hết sức cạnh tranh với dân tộc ấy, về phía nam Chiêm thành Chân lạp, về phía bắc Nam chiếu bồn man, về phía tây trấn ninh Ai lao, đều xoay đủ các cách mà cạnh tranh với người cho kỳ được mới thôi, cho kỳ đến thu hết được vào bản đồ mình, lung lạc hết được làm tôi tớ mình cả; suốt một cái lịch sử hưng suy trị loạn của dân tộc mình chính là một cái lịch sử cạnh tranh hết thảy; ngoài cạnh tranh với người mà trong cũng tự cạnh tranh lẫn với nhau; về học thuật thì học phật cạnh tranh với học nho mà văn chương tư tưởng nhờ thế tiến bộ rất mau; về chính trị thì triều vua nọ cạnh tranh với triều vua kia mà pháp luật chế độ tiến bộ rất chóng; về kỹ nghệ thì thợ thêu thợ khảm thợ dệt, thợ chạm thợ gì cũng ganh tài đua khéo mà chiếm lấy cái mỹ thuật hơn người; về thực nghiệp thì nghề nông nghề công nghề thương nghề gì cũng siêng việc chăm công mà giữ lấy cái lợi quyền to rộng; có một vài cái tục bây giờ xem ra rất là hủ lậu như cốm làng Vòng, sơn làng Đình bảng, vân vân, chỉ dạy cho con cháu trong nhà, đời này truyền đời khác, thậm chí con gái cũng không dạy, sợ lấy chồng đem cả nghề về nhà chồng mất, ý kiến hẹp hòi bủn xỉn như thế mà truy nguyên cái sơ tâm làm sao mà thế thì cũng là cái tính ham cạnh tranh, quyết giữ phần hơn với bọn đồng nghiệp của mình vậy.

Ngày nay phong hội mở mang, giao thông rộng rãi, muốn tiến hóa càng phải cạnh tranh. Một dân tộc có cái tính ham cạnh tranh như dân tộc mình thì chắc thế nào cũng cố ganh khôn thi khéo với người, còn cạnh tranh thì còn có tấn tới nhiều, mà không chỉ hạn lượng ở cái địa vị hiện thời cũng đã kể là đất rộng người đông, có chính thể, có học thuật, có đạo đức, có văn chương, có đủ trăm nghề trăm nghiệp tức là cái kết quả sự cạnh tranh của dân tộc mình mấy ngàn năm nay vậy.

Tính hiếu quần.

Sáu là cái tính hiếu quần. Người ta ở lẫn với các loài vật khác, bay không bằng muông cầm, chạy không bằng muông thú, không có nanh vuốt để chống cự loài khác bằng con hổ, con báo, con tượng, con tê mà tương sinh tương dưỡng được với nhau cho đến mấy nghìn muôn năm nay, mạnh như sư, dữ như gấu cũng chế phục được, lớn như voi, khỏe như hùm cũng kiềm thúc được, sai khiến khu xử được hết cả trăm loài là nhờ về cái gì? Điều đó ai cũng biết là nhờ về cái sức hợp quần cả; có biết hợp quần thì trí thức giao hoán với nhau mà càng ngày càng thêm khôn thêm giỏi, hoạn nạn bênh vực lẫn nhau mà cách đối ngoại thành ra cứng cáp, hữu vô tương thông với nhau mà sự cần dùng không hề thiếu thốn, người ta sở dĩ hơn loài vật là thế. Tây nho có nói: người ta cũng là một loài động vật mà là loài động vật hiếu quần. Cái tính hiếu quần quả là một cái yếu cụ để làm người.

Ngày nay sáu giống chen vai, năm châu chung trợ, giao thông càng tần sác, cạnh tranh càng kịch liệt thì càng phải có quần đức quần lực mới có đủ sức mà đu đẩy được cùng người; người ta trăm nghề trăm nghiệp đều lấy sức hợp quần ra mà tổ chức, mà kinh doanh, mà duy trì cho được vững bền, mà khoáng trương cho được to rộng; nếu mình chỉ có một thân một mình cô lập, không đoàn kết liên lạc được với nhau; bẻ mười chiếc đũa thì khó, chứ bẻ một chiếc đũa thì có khó gì, lấy một bọn người không biết hợp quần mà ra đối địch với một bọn người có hợp quần, tất không tránh sao khỏi lọt vào trong vòng đào thải; cái tính hợp quần lại càng cần cho người ta ở đời này như thế.

Một cái tính chất cốt tử của loài người mà lại rất cần kíp cho sự sinh hoạt đời nay là cái tính hiếu quần đó chính là cái tính vốn có sẵn của dân tộc mình. Tự hơn bốn ngàn năm trước đã biết cùng nhau đoàn kết mà tổ chức thành một quốc gia, trên có Hùng vương, dưới có Lạc tướng, Lạc hầu, Bồ chính để giữ cái quyền thống trị; trải Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, mỗi đời cái đoàn thể quốc gia của mình càng vững bền, càng hoàn bị, nếu là cái dân tộc không biết hợp quần mà được như thế dư? Đó là nói về cái đại quần của người mình là cả một quốc gia Việt nam ta, lại còn có ý xem xét đến những cái tiểu quần của người mình thì cũng thấy cái tính hiếu quần của dân tộc ta rất là phổ thông mà rất là đậm đà lắm; Một cái chế độ hợp quần thật là nghiêm chỉnh, thật là chặt chẽ, thật là khăng khít lâu dài, là cái chế độ hợp nhau thành xóm thành làng, chính các nhà quần học bên Âu châu nói trong các sách khảo sát về Đông phương, cũng đã cho là một đoàn thể chỉnh đốn mà bền chắc lắm, mà ở dân tộc ta có làng có xóm đã tự mấy ngàn năm nay, không phải có qui điều chính phủ, hễ cứ có năm mười người ở với nhau thì tổ chức ngay được với nhau mà lập nên thành xóm, tụ cư càng đông, số người càng nhiều thì lại liên hợp với nhau thành làng, nay bất kỳ có một khu đất hoang ở trên rừng xanh núi đỏ, hay ở bãi biển bờ sông nào mà có được một số in ít người Việt nam làm cửa làm nhà, có ruộng cấy trâu cầy, làm nghề làm nghiệp thì tức thành là một làng Việt nam ngay; sự hợp quần của người mình thực trước kia chưa từng có ai đề xướng, có ai phải dạy học, có ai phải cầm đầu, mà trong nước đã có vô số là những đoàn thể kết hợp tự nhiên, nào hội văn thánh, nào hội đồng niên, nào hội đồng nghề, nào phường nọ, nào bạn kia, thợ thêu, thợ mộc, thợ nhuộm, thợ nề cho đến cái nghề mà xưa nay thói ta vẫn cho là ca xướng vô loài là nghề hát chèo, hát ả đầu cũng có đoàn thể suốt đời nọ sang đời kia, thật là củng cố; sự hợp quần của người mình thật là vô sư vô sách, có thể nói toàn bởi cái tính hiếu quần tự nhiên của dân tộc mình mà gây nên vậy.

Một cái dân tộc có cái tính hiếu quần như thế thì đã là một dân tộc cao quý lắm, có đủ cái yếu cụ làm người, khuyếch sung cái quần lực ra đã có thể tể chế được vũ trụ, dịch sử được muôn loài; mà ở vào cái thời đại cạnh tranh sinh tồn này, có hợp quần tức là nên sức mạnh, nếu cái tính chất tốt ấy mà phát triển ra cho tới cực điểm thì quyền lợi gì mà chẳng tranh được, sự nghiệp gì mà chẳng làm nổi, bao nhiêu việc công ích công lợi trong xã hội khó gì chẳng góp quần tâm quần đức lại được mà mưu tính mở mang, cái thành hiệu hợp quần của người Âu mỹ làm nên dân giầu nước thịnh, sung sướng vẻ vang nhường nào! Khó gì mà ta chẳng theo chân nối gót kịp.

Cái dở của người mình.

Những cái hay của người mình, như trên kia đã kể, là do ở mấy cái tính chất tốt, biết trọng gia tộc, quí sinh mệnh, chuộng danh dự, ham cạnh tranh, hay bắt chước và thích hợp quần. Ấy cũng nhờ vào mấy tính chất tốt đó mà dân tộc mình mới sinh tồn phồn thực được ở trên một mảnh đất đông nam châu á mấy ngàn năm nay; nhưng cũng lại bởi cái duyên cớ gì mà một cái dân tộc cổ thế, một cái quốc thể lớn thế, đến ngày nay tiến hóa vẫn còn chậm chạp kém người? Xét cho cùng ra thì một người cũng vậy, một dân tộc cũng vậy, mình giỏi thì chẳng ai đè mình xuống cho dở được, mình hay thì chẳng ai ngăn mình lại cho hèn được. Ngạn ngữ Tây có câu: Trời giúp kẻ tự giúp, mình hay mình giỏi hay mình hèn mình dở là đều tự ở như mình. Các nhà tâm lý học đã nghiệm ra rằng cái nhược điểm của loài người là hay có cái tính thiên, đã xu hướng về một đường nào thì thường nhắm mắt chạy cho đến kỳ cùng mà mê lạc cũng không nhận ra được, nên dù có cái tính tốt đến thế nào đi nữa mà thường vẫn không khỏi có thiên, mà đã thiên thì tức là có tệ. Dân tộc ta thật cũng không khỏi có cái nhược điểm ấy; những cái mà gọi là cái tính tốt kể trên đó đều không khỏi có thiên, thiên sinh tệ, mà thành ra có những cái dở như sau này:

Tự tư tự lợi.

Vì cái tính trọng gia tộc quá thiên mà thành ra có cái tệ tự tư tự lợi. Loài người ai là chẳng tự tư tự lợi, nhưng có cái lợi nhỏ cái lợi lớn, cái lợi gần cái lợi xa, có biết được cái lợi lớn lợi xa thì mới mong có tiến hóa; mà cái lợi lớn lợi xa lại thường xung đột với cái lợi gần lợi nhỏ, nhiều lúc phải bỏ cái nọ để cầu lấy cái kia. Gia tộc là trọng thật; trọng gia tộc là cái tính tốt thật; mà phải biết cái gia tộc của mình đó chính là một phần tử của một xã hội, một quốc gia; cả cái đò đắm thì người trong đò không ai có thể sống được một mình; cả một xã hội bại hoại, một quốc gia tan tành thì một phần tử trong xã hội quốc gia là cái gia tộc của mình làm sao mà vẹn tuyền tử tế được; những cái gì có lợi riêng cho một mình gia tộc mình mà hại chung cho quốc gia xã hội thì là cái lợi nhỏ lợi gần; những cái gì làm lợi cho xã hội quốc gia mà lợi khắp đến cả gia tộc mình thì là cái lợi xa lợi lớn; người nghĩ đến cái lợi xa lợi lớn thì không hề chịu để cho cái lợi nhỏ lợi gần nó ám ảnh được, không hề nói một điều, làm một việc có hại cho quốc gia xã hội mà mưu lợi cho riêng một gia tộc mình; nếu thiên về trọng gia tộc quá mà không kể gì đến xã hội quốc gia, chỉ lo sao có lợi cho gia tộc mình thì làm, dù hại đến xã hội quốc gia cũng mặc, như thế là chỉ biết có lợi gần lợi nhỏ mà không biết có lợi lớn lợi xa, tức là cái tệ tự tư tự lợi vậy.

Cái tệ ấy ở dân tộc mình thì nói sao xiết được: làm quan chẳng nghĩ gì đến trí chúa trạch dân mà chỉ nghĩ sao cho có mỹ trạch lương điền, kiều thê diễm thiếp, là lo về gia tộc. Đi học chẳng nghĩ gì đến trưởng dân phụ thế mà chỉ nghĩ sao cho được nhà cao cửa rộng, tử ấm thê vinh cũng là lo về gia tộc. Các ông phó thợ cũng vì cái bụng lo cho gia tộc của mình mà làm hàng điêu, bán đồ giả, miễn cho kiếm được nhiều lợi nuôi vợ nuôi con, mà không quản gì đến lợi quyền của nước nhà vì thế mà tổn hại; các ông lái buôn cũng vì cái bụng lo cho gia tộc mình mà ăn gian nói dối, bán lật mua lừa, miễn cho dật được của người, làm giàu làm có mà không quản gì đến tín nghĩa trong xã hội phải vì thế mà tiêu vong; chú kỳ mọt tảo xén của ba thằng khố rách, phường tổng lý bóp nặn của mấy đứa lưng đen, các thầy nha múa cái ngòi bút đổi trắng thay đen, các cậu lệ giở cái thủ đoạn bớp khăn bịch ngực, thầy cung thầy cò đấm thóc thọc gạo, tuần đinh mật thám chỉ lương vi cường, cho đến những quân đầu trộm đuôi cướp, du côn mẹ mìn cũng đều lăn lóc về cái kế sinh nhai sâu mọt cho nhà cửa vợ con mình mà không tiếc gì hãm hại đến đồng bào, phương ngại đến công ích nữa. Suốt trong nước, người nào người nấy chỉ hì hục lăn lộn về một lỗi làm thế nào cho nhà mình được giàu, nhà mình được sang, nhà mình được vinh hiển toàn gia, phong lưu vạn đại, thành đổ đã có vua xây, nước trị hay loạn, thịnh hay suy cho là không quan thiết chi đến nhà mình cả ; nòi mặc nòi, giống mặc giống, cháy nhà hàng xóm bằng chân như vại, quí hồ nhà cửa ta phong quang, con cháu ta sung sướng, ai chết mặc ai có hề gì; ấy cái tính trọng gia tộc của người mình thiên đến như thế.

Bởi thế nên cái quan niệm của người mình đối với quốc gia rất là bạc nhược, đối với giống nòi rất là lãnh đạm, việc đời việc nước tuyệt nhiên không ai lưu tâm lý hội đến, mà bao nhiêu những sự công nghiệp công cộng trong xã hội không có một cái gì gây dựng được thành lập, duy trì được vững bền, cái hại chung trong nước không làm sao mà trừ, cái lợi chung trong nước không làm sao mà làm được. Lại bởi thế mà sinh ra cái tệ bênh bè bênh bối, anh em con cháu dù có tội có lỗi mà cha chú nếu là người có quyền vị thì làm sao cũng cố hết sức che chở đỡ đần, cách giao tế trong xã hội nhiều khi mất cả sự công bằng mà bình dân thụ hại cũng không phải là ít. Tệ nữa là gây nên cho người ta một cái thói ỷ lại, con cháu ỷ lại ông cha, anh em họ hàng ỷ lại lẫn nhau; một người làm quan cả họ được nhờ, đó là một câu thông thường trong cửa miệng người mình, đủ đại biểu cái tâm lý ỷ lại của người mình vậy; ta chẳng từng thấy có hiếm ông chiêu ông ấm hỉ mũi chưa sạch, đã tấp tểnh chỉ chực cái miếng làm quan, mà thật cũng có nhiều cụ nguyên lão đại thần nhãng hết việc nước việc vua, đau đáu ngày đêm có một chuyện xí phần cho các cậu lấy cái chức nào ngon, cái huyện nào mỡ đấy ư? Ta lại chẳng từng thấy có ông tựu lỵ ở một hạt nào thì nhan nhản những là quan anh, quan chú, các cậu nhà trong ăn ngon mặc tốt, chè chén phiện phè thâu năm suốt tháng đều vào lưng quan cả, có kẻ lại đội xống nát nạt, dựa thần dựa thế mà làm những chuyện dọa nạt, hống hách hà hiếp, đánh đập người ta nữa đấy ư? Suy cứu cái tệ nguyên là tự cái tính thiên quá trọng gia tộc mà sinh ra cả.

Ham sống sợ chết.

Vì trọng sinh mệnh quá mà thành ra có cái tệ ham sống sợ chết, người ta ai chẳng ham sống sợ chết, nhưng lại phải biết cái chết tại làm sao mà đáng sợ, cái sống tại làm sao mà đáng ham. Cái thân của con người ta không phải là cái thân của một mình mình, là cái thân của cả gia tộc mình, cả quốc gia mình, cho đến cả thế giới loài người mình; gia tộc mình, quốc gia mình, thế giới loài người mình tiến hóa hay thoái hóa, đều có một phần quan hệ ở cái thân mình, cái thân mình có sống thì mới có thể làm cho gia tộc mình được quang hiển, quốc gia mình được phú cường, rộng ra đến cả thế giới loài người mình được trang nghiêm rực rỡ; các nhà luân lý học cho những kẻ chán đời tự sát là cố ý vỗ nợ đời, là đắc tội với nhà mình, nước mình, đồng loại mình; vì thế mà cái sống phải ham, cái chết phải sợ; song, cũng vì thế mà còn có cái đáng ham hơn cái sống, có cái đáng sợ hơn cái chết; ông Khổng tử nói: Chí sĩ nhân nhân, có kẻ giết mình để thành nhân, chứ không chịu cầu sống mà hại nhân; ông Mạnh tử nói: Cá ta muốn mà móng gấu ta cũng muốn, hai cái ấy không có thể gồm được thì ta đành bỏ cá mà lấy móng gấu vậy; sống ta muốn mà nghĩa ta cũng muốn, hai cái ấy cũng không có thể gồm cả được thì ta đành bỏ sống mà lấy nghĩa vậy. Người ta có cân nhắc tinh vi về cái điều khinh điều trọng ấy thì mới nhẹ bớt được cái lòng ham sống sợ chết, mới có đủ can đảm, có thừa nghị lực mà cáng đáng nổi những công nghiệp vĩ đại ở trong đời, nhà mình, nước mình, thế giới loài người mình mới nhờ được cái sống của mình mà không đến nỗi tan tành bại hoại, cái sống của mình mới không phải là sống thừa sống nhục, mà cái chết của mình cũng đáng muôn thuở danh thơm; nếu nhất vị chỉ có ham sống sợ chết mà không nghĩ gì đến cái danh tiết, cái công nghiệp là so với cái sống còn đáng ham hơn, cái xấu xa, cái hèn mạt là so với cái chết còn đáng sợ hơn, thì cái sức dài vai rộng bẩy thước kia dẫu có khỏe bằng Ô hoạch, thọ bằng Bành tổ cũng có bổ ích gì cho nhà, cho nước, cho thế giới được phần nào, mà rốt cục rồi cũng đầu bạc răng long, cũng bỏ lại cái xương tàn thịt thối cho bọ rỉa dòi tha, cùng với cỏ cây cùng mục nát, như thế thì cái chết có bõ gì mà đáng sợ, cái sống có ra gì mà đáng ham đâu!

Cái tệ ham sống sợ chết tưởng không có mấy dân tộc là bằng dân tộc mình; xu phụ quyền quý, cúi trước luồn sau mà được sống cũng vẫn ham; mạo phạm pháp luật, gạt của lừa người mà được sống cũng vẫn ham; ăn gian nói dối, đểu giả lật lọng mà được sống cũng vẫn ham; ăn tro mò trấu hèn hạ nhem nhuốc mà được sống cũng vẫn ham; ham đến lường thầy phản bạn để cầu sống; ham đến hại cha chú giết anh em để cầu sống; ham đến vuốt bụng xin làm chó để cầu sống; ham đến cúi đầu lạy cả gà để cầu sống; tiền rừng bạc bể đầy rẫy chứa chan, mà hễ bước chân ra khỏi nhà là sợ chết; Âu, Mỹ, Úc, Phi tứ thông bát đạt mà động ló đầu ra với người là sợ chết; không cẩn thận vệ sinh đâm ra đau ốm mà nếu không được yểm quỷ trừ tà thì cứ phấp phỏng sợ chết; không học hành làm lụng, đến nỗi nghèo hèn mà nếu không được xoay nhà cất mả thì cứ bồn chồn sợ chết. Ham sống sợ chết quá đến như thế, đến vứt cả luân thường, đạp cả danh nghĩa mà sống cũng được; chịu người khi lăng, cam người xỉ vả mà sống cũng được; không mấy ai mà dám chết để toàn trung, toàn hiếu, toàn nghĩa, toàn danh; cả một xã hội đầy đàn đầy đống, nhung nhúc với nhau chỉ những ăn cùng ngủ, quanh quẩn trong xó gà chó vợ con, mà không có một chút tinh thần khí lực gì xốc vác đến việc nước việc đời, tạo phúc cho đồng bào, làm lợi cho nòi giống; những sự xấu xa hèn mạt để cầu sống khỏi chết càng ngày càng chẳng biết quí sỉ là cái gì, mà phong tục trong xã hội càng ngày càng thêm ác bạc. Nói rộng ra đến xã hội thì thế, mà nói riêng từng người từng nhà cũng vì ham sống sợ chết quá mà mất cả cái khí tự trọng tự tôn, giảm cả cái sức mạo hiểm tiến thủ, nhân cách cũng vì thế mà trụy lạc, sự nghiệp cũng vì thế mà đê hèn, đường sinh kế cũng vì thế mà hẹp hòi nhỏ mọn, cũng thành ra cái sống thừa, sống nhục cả mà thôi! Nước mình kém, người mình hèn cũng vì cái tính ham sống sợ chết quá đó mà gây nên vậy.

Hiếu hư vinh.

Vì trọng danh dự quá mà thành ra cái tệ hiếu hư vinh. Danh dự với hư vinh vốn khác nhau: danh dự là có tài, có đức, có công nghiệp, có khí tiết thực mà được tiếng khen với thiên hạ, tiếng tốt để đời sau, mà dù có gặp phải cái xã hội nhóa nhem, mắc phải cái miệng đời chênh lệch, thiên hạ đời sau có không biết đến cái hay cái tốt cho mình đi chăng nữa, thì nghĩ được một điều hay, làm được một điều phải trong lương tâm mình đã hình như là có trời đất chứng tri, thần minh an ủi, được ngay cái phần thưởng quý giá vô hình mà hữu xạ tự nhiên hương, tự mình thấy cái nhân cách của mình nó cao cả sang trọng hơn lên, đứng giữa cái vòng đời quay cuồng xăng xít những lũ nhặng bày ruồi mà biết trên trời dưới đất chỉ một mình tôn, không khác gì chim hồng chim hạc bay liệng trên tầng mây mà nhòm xuống mấy cái xe xẻ chích chòe, cá côn cá kình vùng vẫy ngoài bể khơi mà ngó vào mấy con cua cáy tôm tép thì đã thấy cái phẩm giá tôn trọng là nhường nào! Ấy danh dự là thế. Hư vinh thì là tự mình không có được cái tài, cái đức, cái công nghiệp, cái khí tiết gì mà đáng quý đáng trọng cả mà chỉ nhân dịp được cái tai mắt kẻ phàm dung, thấy mật mỡ ngào ngạt thì vội bảo là ngon, thấy vàng son choáng lộn thì vội cho là đẹp, thường lòa quáng về những cái phẩm hàm, cái chức vị, cái danh sắc kia nọ là những cái xưa nay trong xã hội bày đặt ra để biểu dương kẻ có tài, có đức, có công nghiệp khí tiết khác người thường mà nhận lầm rằng hễ cứ có được cái phẩm hàm, cái chức vị, cái danh sắc kia thì tức cũng đáng quí đáng trọng, đáng mừng rỡ vẻ vang như những bậc đóng vai chính trong cái địa vị ấy xưa nay là những bậc thực tài, thực đức, thực có công nghiệp, thực có khí tiết; bấy giờ mới cố đâm đầu đâm đuôi, chạy xuôi chạy ngược để cầu cạnh chen chúc làm sao cho được cái mã ngoài đó thì tức là lận sòng được với cái chân giá trị kia; thấy bố cu mẹ đĩ sợ cái tiếng quan lớn quan bé thì cố làm sao cho cũng có cái tiếng quan lớn quan bé, thấy đàn bà con gái ham cái tiếng ông nọ thầy kia thì cố làm sao cho cũng được cái tiếng ông nọ thầy kia, dành dật nhau, xâu xé nhau, tâng bốc nhau, hí ha hí hởn với nhau, miễn là khỏi chân chắng ngực trần là vinh, được có chút hàm thấp hàm cao, cuống xanh cuống tím là vinh, chứ không còn nghĩ gì tới cái chân giá trị của những cái đó là cái tài thực, cái đức thực, cái công nghiệp thực, cái khí tiết thực nữa, ấy hư vinh khác với danh dự như thế.

Người mình vốn có cái tính trọng danh dự mà vì cái danh dự thực muốn làm cho được, kiếm cho ra phải khó khăn cực nhọc, bền chí cố công lắm, mấy người chịu khó khăn cực nhọc, bền chí cố công mà làm cho được, kiếm cho ra cái danh dự thực; đã không làm được, không kiếm ra cái danh dự thực mà cái lòng ham danh dự lại sôi nổi đến quá độ thường, mới bỏ đường khó mà quay ra đường dễ, không cần gì luyện tài tu đức gây dựng công nghiệp, giữ gìn khí tiết mà chỉ chuốc lách cho được cái phẩm hàm, cái chức vị hay cái danh sắc chi chi; xã hội cũng vì cái thói quen trọng danh dự đã lâu, mà trong một xã hội bao giờ thì cũng người hay có ít, kẻ dở có nhiều, được mấy ai là biết cân nhắc so sánh cái chân giá trị của người ta, mà cũng thường lầm cái hư vinh là cái danh dự thật; lâu dần cái danh dự thật là cái tài thực, cái đức thực, cái công nghiệp thực, cái khí tiết thực không ai nói đến, không ai bình phẩm đến nữa mà chỉ biết lấy cái hư vinh làm cái thước đo nhân phẩm mà thôi. Suốt trong xã hội hỏi trọng ai? Tất là ông cả bà lớn. Quí cái gì? Tất là võng lọng đai câu.  Cái gì là sang? Tất là xe ngựa lâu đài, ngọc ngà gấm vóc. Cái gì là sướng? Tất là ăn trên ngồi trốc, nhận lễ thâu tiền. Xu phụ khéo, luồn lọt bợm để cầu vinh: ấy là người tài. Giết người dữ, lập công nhiều để cầu vinh: ấy là người giỏi. Nạt con em, hiếp hàng xóm, anh làm ông nọ, em làm ông kia: ấy là nhà có phúc. Lắm quan thầy, tốt thần thế, lo gì cũng xong, xin gì cũng được: ấy là tay anh hùng. Khao phẩm hàm, vọng ngôi thứ: ấy là vẻ vang. Cổ kim khánh ngực mền đay: ấy là danh giá. Một người như thế, trăm người cũng như thế, đời trước như thế, đời sau cũng như thế, mà thành ra có cái tệ hiếu hư vinh.

Nay thử soát hết một lượt cả các hạng người trong xã hội mà xem thì quả thấy cái độc hiếu hư vinh gần thành như một thứ dịch lưu hành, không đâu là không lảo lướt cả. Một cậu học trò từ lúc cắp sách đi học là chỉ có một cái mục đích cao thì ôn tham ông đốc, thấp thì ông ký ông thông, mà nói học để học lấy cái tư cách làm người, học để học lấy cái khôn biết ở đời thì cho làm chuyện hủ, kết cục rồi đến ông dở ông, thằng dở thằng, ngoài cái học được ăn của ngon, mặc của tốt, xoay tiền đủ mọi cách, tiêu tiền như đất bùn thì đức dục hỏng rồi mà trí dục cũng suông lắm, may có đạt được cái mục đích tối cao của cậu đi nữa thì cũng chỉ vừa đủ cho các cậu đấu nhau nước bạc, thi nhau ngón chầu, chứ ích gì cho nhà, bổ gì cho nước, đó chẳng là hại về cái độc hiếu hư vinh ư? Một ông lái buôn, mua ngược bán xuôi, đầu tắt mặt tối, để dành ăn nhịn, thu vén lần hồi, hễ đã có được cái cửa hàng ra dáng, cóp được cái lưng vốn khá to, thôi thế là đâm đi tri trục về hư vinh ngay, vào cửa này ra cửa nọ, quẳng ra bạc trăm bạc ngàn, rút lại được cái tên gọi ông Hàn, ông Bát, ông Nghị, ông Thị với ông quái ông quỷ gì mà tủ sắt cứ thấy vơi dần, việc mua bán phó mặc cho đầy tớ người nhà mà cách ăn chơi phải theo với người thanh kẻ quí, chẳng bao lâu mà hiệu buôn đến cáo cùng đóng cửa giữa lúc quan chủ ngài còn đương trận cười suốt đêm, cuộc vui đầy tháng với các quan lớn khác kia mà. Đó chẳng là hại về cái độc hiếu hư vinh ư? Một bác trai cày, một chú phó thợ bóp chắt cái mồ hôi nước mắt hàng năm hàng đời mà đi lạy đi dạ lo lấy một chút tổng lý hay chức việc gì trong làng, có kẻ danh mệnh thành rồi thì bán vợ đợ con, cầm nhà bán ruộng về cái nợ mua chuộc danh phận của mình. Đó chẳng lại là hại về cái độc hiếu hư vinh ư? Sĩ, nông, công, thương là bốn hạng người trụ cốt trong xã hội mà đều bị chết dở về cái ông thần dịch hư vinh như thế rồi; còn đến các cụ đã già nua lọm khọm mà cũng cố chống gậy ra vào khắp cửa này cửa khác để kêu cầu van vỉ cho con cho cháu được thí đỉnh chức vị phẩm hàm, có khi phải dùng đến cái thủ đoạn khinh loát kẻ này, hãm hại kẻ kia, không quản gì đến xã hội có người thiện lương trung chính thụ hại vì mình, không tiếc gì bêu một cái gương xấu xa hèn mạt cho kẻ hậu sinh vãn bối trong xã hội mình; các bà các cô trong làng khuê các cũng chỉ mải mê háo hấc về cái hi vọng tấp tểnh làm bà nọ bà kia, mà phụ công không thiết, phụ đức không cần, đứng núi này trông núi nọ, có kẻ bỏ chồng lìa con mà đi kiếm cho được một quan hay năm bảy quan nhân tình nào đó, nền nếp trong gia đình đến nỗi bại hoại mà phong hóa trong xã hội đến nỗi đảo điên: từ già chí trẻ, từ đàn ông chí đàn bà đều bị một cái độc hiếu hư vinh nó làm hại hồ hết, nguy thay!

Lười biếng trí khôn.

Vì hay bắt chước quá mà thành ra cái tệ lười biếng trí khôn, đến nỗi mất hết cái tinh thần tự lập, cái năng lực sáng tạo. Người ta ai là khỏi có cái phải bắt chước người, nhưng bắt chước người mà cũng cần phải có cái trí khôn quyết trạch của mình, bắt chước cái hay mà biết bỏ cái dở, bắt chước cái tốt mà biết bỏ cái xấu của người; mình ăn bốc ở truồng, trông thấy người mâm thau bát mẫu, quần rộng áo dài mà bắt chước là phải; mình xưa nay đương không biết rượu chè hút xách là cái gì cả mà thấy người uống rượu cũng bắt chước uống rượu, thấy người nghiện thuốc phiện cũng bắt chước nghiện thuốc phiện thì chẳng nguy lắm dư? Vả mô phỏng của người mà lại cần phải có tự ý mình suy nghĩ ra; như người Pháp học văn chương La mã mà lập ra được hẳn một lối chữ hòa văn riêng của mình; người Nhật học chữ Hán mà chế ra được thứ chữ bình giả phiến giả làm một lối chữ hòa văn riêng của mình; xét rộng ra các phát minh, các môn kỹ nghệ cho đến trăm nghề trăm nghiệp trong thế giới từ xưa đến giờ, cái gì cũng chỉ sáng khởi ra trước từ một hai người, bao nhiêu người sau đều là bắt chước cả, mà nào có ai giống ai, có nước nào giống nước nào, ngày mới tháng lạ, biến hóa vô cùng, càng về sau lại càng thấy hơn về trước nhiều mà không còn chút gì là đạo tập người khác nữa. Bắt chước người mà khôn thì là sự tiện lợi thứ nhất không gì chóng hay chóng khá bằng; xem ngay người Nhật bản bắt chước Âu mỹ, duy tân biến pháp, mới độ vào khoảng hơn năm chục năm nay, mà những công cuộc của người Âu mỹ trải nỗi khốn khổ bao nhiêu đời, bao nhiêu tâm huyết các sĩ nhân kiệt sĩ hao mòn vào đấy mới có ngày nay, người Nhật bản cũng nối gót theo chân kịp được cả; vì người Nhật bản bắt chước Âu mỹ mà vẫn có cái trí khôn quyết trạch của mình, bắt chước cái chính thể dân quyền mà quân chủ là cái gốc nước của mình vẫn không bỏ, bắt chước cái tư tưởng học thuật mà đạo nho là cái quốc túy của mình vẫn không suy, bắt chước cái cách thức kỹ nghệ buôn bán đời nay mà thói cũ ăn cần ở kiệm vẫn không mất, bắt chước tầu bè súng ống, khoa học cách tri của các nước mà cái lối văn nhã, cái lòng tôn giáo vẫn không đổi dời. Bắt chước như thế là bắt chước khôn. Bắt chước người mà dại thì là sự nguy hiểm thứ nhất mà dễ hư dễ hại không gì bằng; xem ngay người Tầu cũng bắt chước Âu mỹ, cũng tân học, cũng tân chính trong mấy chục năm nay mà kết cục được cái họa tứ phân ngũ liệt, phong tục ác bạc, học thuật tiêu vong, cái phú cường văn minh của người Âu mỹ chẳng thấy đâu mà cái nạn chủng duyệt quốc vong không khéo thì đến nơi lúc nào không biết, vì người Tàu bắt chước Âu mỹ mà không hề có cái trí khôn quyết trạch của mình, thấy người dân chủ cộng hòa cũng bắt chước dân chủ cộng hòa mà không xét tới cái trình độ dân trí của mình là thế nào cả, thấy người tự do bình đẳng cũng bắt chước tự do bình đẳng mà không xét tới cái tình hình lịch sử của mình là thế nào cả, thấy người đề xướng tân văn hóa cũng bắt chước đề xướng tân văn hóa mà không xét tới cái căn bản học thuật của mình xưa nay là thế nào cả. Bắt chước như thế là bắt chước dại.

Người mình có cái tính thiên hay bắt chước, gì cũng nhất vị chỉ biết bắt chước người, nên bắt chước dại thì nhiều mà bắt chước khôn thì ít lắm. Bắt chước người Tàu học chữ hán mà trong khoảng mấy ngàn năm chỉ học nhờ viết mượn không hề nghĩ ra được một chữ quốc văn nào- trừ ra có một thứ chữ nôm cũng viết bằng chữ Hán mà ai muốn viết thế nào thì viết, chưa thành lối chữ nhất định- người Tàu bị dại về cái học khoa cử, mình cũng bắt chước theo cái học khoa cử mà bị dại; người Tầu bị ngu bị hèn về cái tục trọng văn khinh võ, quý sĩ tiện nghệ, người mình cũng bắt chước theo cái tục trọng văn khinh võ, quí sĩ tiện nghệ mà bị ngu bị hèn; về tư tưởng thì người Tàu có cái học thuyết chán đời, người mình cũng bắt chước chán đời, người Tầu có cái học thuyết vị ngã, người mình cũng bắt chước vị ngã; về phong tục thì người Tàu chuộng bói toán, đồng cốt, phù thủy, địa lý, người mình cũng bắt chước bói toán, đồng cốt, phù thủy, địa lý; người Tầu thờ ông thánh Quan, bà Thiên hậu, kỷ niệm ông Khuất bình, ông Giới tử thôi, người mình cũng bắt chước thờ ông thánh Quan, bà Thiên hậu, kỷ niệm ông Khuất bình, ông Giới tử thôi; trong cái lúc thâu thái được chút đỉnh luân lý, học vấn, văn chương, kỹ nghệ của người Tầu thì bao nhiêu cái dại, cái dở của người Tầu, mình cũng nhắm mắt theo cho kỳ hết. Nhân thế mà bao nhiêu cái tinh thần tự lập, cái năng lực sáng tạo mất dần đi mất cả. Người nước nào có cái đặc sắc của văn học nước ấy, mỹ thuật nước ấy; nói đến văn học của người mình thì ai làm được câu văn câu thơ nào hay cũng tự đắc rằng câu văn ấy Tầu, câu thơ ấy Tầu mà khen ngợi nhau, khuyến miễu cho nhau cũng lấy thế làm tuyệt phẩm; nói đến mỹ thuật của mình thì không luận là đồ gì, suốt cả nước từ trên chí dưới, từ trẻ chí già cũng đều cho kiểu Tầu, nét Tầu mới là đẹp, kiểu mạc ra không đúng Tầu, đồ làm ra không hệt Tầu là xấu, là bỉ tiện, là ít người thích phải bán rẻ tiền; ta chẳng thường nghe ở cửa miệng người mình nói luôn những là chữ ông ấy Tầu lắm, nét vẽ ông ấy y như nét Tầu, chê cái bàn, cái ghế, cái lọ, cái bát không được đẹp là cái bàn ấy, cái ghế ấy, cái lọ ấy, cái bát ấy trông còn Annam lắm đấy ư? Như thế thì còn gì cái tinh thần tự lập, cái năng lực sáng tạo nữa. Cho nên dân tộc mình lập quốc có đến hơn bốn ngàn năm nay mà tuyệt không có tí gì là quốc hoa riêng của mình cả. Các nhà bác học đời nay nghiên cứu về Đông phương hoặc về mỹ thuật đều cho người mình là nhất thiết cái gì cũng chịu ảnh hưởng của người Tầu cả, thật là đúng lắm. Cái đó chẳng phải là một cớ lớn làm cho người mình bao giờ cũng tiến hóa chậm trễ sau người dư?

Đã mất hết cái tinh thần tự lập, cái năng lực sáng tạo mới dần dần nuôi nên cái khối óc rất lười biếng; cái gì cũng an thường thủ cựu, không hề suy nghĩ động đến cái trí khôn bao giờ; thấy người làm sao bào hao làm vậy, trần trần bắt chước người mà chẳng biết bày đặt thêm thắt ra tí nào; thành ra tai mắt cũng sinh ra chậm chạp, tay chân cũng thành ra khờ vụng, mà dù chịu khó chịu nhọc đến thức khuya dậy sớm, luôn tay luôn chân, cái sức làm việc vẫn kém người, kém về đẳng phẩm mà đến kém cả về đẳng lượng. Người Âu châu quan sát về cái vấn đề nhân công ở nước mình, nói người mình cũng khỏe mà làm thật siêng, chỉ vì cái trí khôn lười biếng quá mà đến nỗi làm việc thua người Tây nhiều lắm. Cái đó chẳng lại là một cái cớ lớn làm cho người mình ươn hèn vụng dại không ganh cạnh nổi với người ta dư?

Dành dật nhau, khuynh loát nhau, hãm hại nhau.

Vì cái tính cạnh tranh của người mình cũng có chỗ sai lầm mà thành ra cái tệ dành dật nhau, khuynh loát nhau, hãm hại nhau vô sở bất chí. Cạnh tranh vẫn là một đức tính tốt, nhưng phải biết cái mục đích cạnh tranh cốt ở cái gì? Một là cạnh tranh vì danh; hai là cạnh tranh vì lợi, mà danh có cái hư danh, lợi có cái lợi nhỏ, cái lợi to; cạnh tranh vì cái danh thực, cái lợi to thì càng cạnh tranh bao nhiêu càng gây nên được những công nghiệp vĩ đại, càng thu được những quyền lợi cao rộng bấy nhiêu mà nhân cách của mình nhờ thế mà càng tôn quý, nước nhà của mình nhờ thế mà càng thịnh vượng, nhân loại của mình cũng nhờ thế mà càng tiến hóa thêm; nếu cạnh tranh vì cái danh hư, cái lợi nhỏ thì càng cạnh tranh chừng nào càng nuôi nên cái thói xấu cầu cạnh đê hèn, càng bỏ mất cái mối lợi to tát xa xôi chừng nấy mà nhân cách của mình bị thế mà càng thấp kém, nước nhà của mình bị thế mà càng suy yếu, nhân loại của mình bị thế mà càng thoái hóa mãi. Ta thử xét xưa nay những bậc danh nhân kiệt sĩ, kẻ đua tài, người chọn mẹo, day tay mắm miệng, làm nên được những sự nghiệp phi thường, phúc dân lợi nước, để cái dấu thơm muôn thuở bia đá tượng đồng, chẳng là vì cái danh thực mà cạnh tranh đấy ư? Lại những bậc phú hào bên các nước Âu mỹ mở những nơi công xưởng hàng mấy vạn người làm công, đặt những hãng buôn hàng mấy trăm triệu tiền vốn, cắm những con đường xa hỏa hàng mấy ngàn kilomet, giăng những dây điện thông tin hàng mấy muôn hải lý, khẩn những cánh đất hoang hàng mấy tỉnh một, nuôi những loài súc sản hàng mấy triệu con, xí lấy những cái cù lao mới ở giữa tận bể khơi, dành lấy những cái khoáng huyệt lớn ở tận ngoài nước khác, làm nên cho dân được thịnh, nước được giầu, chẳng là vì cái lợi to mà cạnh tranh đấy ư?

Nay hỏi đến cái cách cạnh tranh của người mình thì thế nào? Đi học thì cạnh tranh nhau cho lấy được bằng nọ bằng kia, ngoài cái đó không còn kể gì tới phẩm hạnh cao thấp, tri thức rộng hẹp vào đâu cả; Làm quan thì cạnh tranh nhau cầu cho được tiền nhiều chức lớn, ngoài cái đó không còn kể gì tới đạo đức tốt xấu, chính tích giỏi dở vào đâu cả. Ở trong làng thì cạnh tranh nhau cái chỗ ăn chỗ ngồi, ngồi trên ngồi dưới, ngoài cái đó không hề so sánh hơn thua ai là đáng trang huynh thứ, ai là vào tuồng mọt nát nữa. Ra ngoài thì cạnh tranh nhau cái manh quần tấm áo, kẻ sang người hèn, ngoài cái đó không hề phân biệt nhân phẩm ông hay là thằng, bà hay con nữa. Làm ruộng thì cạnh tranh nhau tấc ruộng thước vườn, mẩu bờ tí nước mà đến đồng bãi mông mênh kể hàng ngàn hàng muôn mẫu thì có ai nhìn. Buôn bán thì cạnh tranh nhau luồn lỏi mua cho được, mánh khóe bán cho trôi, mà đến đại tôn giao dịch kể trăm thứ nghìn thứ hàng thì có ai biết. Làm thợ thì cạnh tranh nhau bán rẻ phá giá, làm điêu đỡ công mà không hề có được một cái đoàn thể đồng nghiệp cho hẳn hoi để khoáng trương lợi ích. Ấy sự cạnh tranh của người mình toàn có cái mục đích nhỏ nhoi hèn hạ là cái lợi nhỏ, cái danh hư như thế cả; như thế mà cái tính cạnh tranh cũng lại hăng hái dữ tợn quá, cũng chẳng khác gì người các nước họ cạnh tranh về những cái danh thực, cái lợi to. Cạnh tranh nhau một chút công danh nhỏ mọn mà chịu đổ hết cái của từ đường hương hỏa hàng ngàn hàng muôn, thậm chí bán cả vợ cả con, giết cả thầy cả bạn cũng không quản; cạnh tranh nhau một cái ngôi thứ hão huyền mà chịu bỏ hết cái của nước mắt mồ hôi hàng năm hàng tháng, thậm đến cầm ruộng bán nhà, vay công lĩnh nợ cũng không từ; cạnh tranh mà đến kiếm một góc ghế ngồi bàn học cũng phải ra cúi vào luồn, xin được mảnh giấy khai tuổi đi thi cũng phải mất lễ mất nghĩa, để tấp tểnh sau này chực cái miếng làm ông nọ thầy kia; cạnh tranh mà đến vào học trường thư ký cũng có kẻ sạt gần mất nghiệp, làm một tên trương tuần cũng có kẻ tốn đến tiền trăm để chễnh chện sau này vác cái mặt với bố cu mẹ đĩ; cạnh tranh mà đến con bỏ bố, anh lừa em, ních chặt cái hầu bao tư lợi, gái phụ chồng, trai lìa vợ, mon men cái tủ sắt hoạch tài, để dành lấy cái phần cửa rộng nhà cao, xe lên ngựa xuống; cạnh tranh mà đến chỉ lương vi cường, thay đen đổi trắng, cướp cơm của ba thằng khố rách không biết thương, mua lừa bán lận, ăn sống nuốt tươi, dỡ nghiệp của mấy kẻ lòng thành không biết rợn, để dành lấy cái phần dư tiền sẵn bạc, lắm ruộng nhiều nhà; cạnh tranh mà đến vứt đi tiền trăm bạc chục để ganh khi nhau cái nước bạc hào, cái ngón chầu giỏi mà không tiếc gì thất thổ vong gia; cạnh tranh mà đến lăn lóc ra huyện vào tòa để trả hờn nhau câu ăn tiếng nói, khẩu cau miếng phần mà không tiếc gì khuynh gia bại sản. Kể cái tính cạnh tranh hăng hái dữ tợn đến thế là cùng; mà cạnh tranh lấy cái gì? Thử nghĩ bấy nhiêu cái mà người mình lăn lộn, mải miệt, xâu xé nhau, cắn cấu nhau, lấn nhau từng bước, chọi nhau từng miếng đó có là cái danh, cái lợi đáng cho người ta cạnh tranh không? Rút lại cũng không ra ngoài một cái mục đích hèn mọn nhỏ nhoi là cái mục đích hư danh tiểu lợi cả.

Không trách rằng người mình cạnh tranh tợn như thế mà nhân cách chẳng thấy cao lên được chút nào; nước nhà chẳng thấy khá hơn được chút nào; nói về đường danh thi cái công nghiệp anh hùng hào kiệt, cái phong tiết chí sĩ cao nhân cũng thưa thớt như lông phượng sừng lân, năm thuở thì mười họa hoằn mới thấy được một vài mống; mà nói về đường lợi thì chưa dám nói đến cuộc kinh tế chiến tranh ở trong các nước bên Âu mỹ đời nay, đối ngay với người Tầu, người Xiêm nghề công thương thì đã đành chưa biết bao giờ thoát khỏi cái thế lực lung quát của người Tầu, đến nghề nông cũng mỗi ngày mỗi thua sút người Xiêm nữa. Cái kết quả cạnh tranh của người mình như thế đấy, ngán thay!

Năng lực cá nhân ủy mỵ, tinh thần tiến thủ tiêu ma.

Vì cái tính hiếu quần của người mình cũng có điều sai lạc mà cái năng lực cá nhân thường vì thế mà đến ủy mỵ, cái tinh thần tiến thủ thường vì thế mà đến tiêu ma. Quần là gì? Là góp cái khôn của mình với cái khôn của mọi người để thành một cái quần trí, gom cái khỏe của mình với cái khỏe của mọi người để thành một cái quần lực, có quần trí, quần lực đoàn kết với nhau cho được thật thuần nhất, thật bền chắc thì cái lợi chung trong một quần gì mà chẳng làm được, cái hại chung trong một quần gì mà chẳng trừ được, mà cái hạnh phúc trong một quần tôn vinh an phú, mình cũng được quân hưởng một phần; ấy cái nghĩa hợp quần là thế; cho nên gọi là hợp quần là cốt ở như mình cũng có một phần khôn,một phần khỏe để hợp với cái khôn, cái khỏe chung của quần; mình hợp quần, mình tức là một phần tử của quần; trong một cái quần mỗi phần tử đều phải có đủ cái năng lực cá nhân thì gom góp cả bấy nhiêu phần tử lại thành quần, cái quần ấy mới thật là đủ khôn đủ khỏe; nếu trong một cái quần mà có bao nhiêu phần tử đều không có đủ cái năng lực hoạt động cả, ồ ạt với nhau, một bầy nhung nhúc toàn thị yếu như sên, dại như vích thì cũng chỉ thành một cái quần bất trí bất lực mà thôi, hợp một vạn thằng què không bằng được ông Ô Hoạch, hợp một nghìn chú xẩm không thành được một gã Ly Lâu, cái lẽ rành rành như thế. Người ta sở dĩ quý có hợp quần, sở dĩ cần phải biết hợp quần là vì một cái khôn, một cái khỏe của mình không đủ mà gây dựng được những sự nghiệp to, mở mang được những công cuộc lớn, cần phải đem cái khôn cái khỏe của mình hợp với của mọi người khác mà cùng nhau ra tài ra sức cùng gánh vác việc chung, càng đặt mình vào trong quần càng có cái tinh thần tiến thủ hăng hái mạnh mẽ hơn; người ta sở dĩ quý có hợp quần, sở dĩ cần phải hợp quần là thế.

Người mình tuy cũng có cái tính hiếu quần nhưng gọi là hợp quần là chỉ theo cái thiên tính tự nhiên mà đóng góp xóm làng, vui vầy chúng bạn, cái nguyên lý hợp quần, cái thực lực hợp quần như trên kia đã kể, không hề có ai lý hội tới, không hề có ai bồi dưỡng được bao giờ; thành ra cái tính hiếu quần của mình không những là không khuyếch xung ra để tổ chức, để duy trì được những đoàn thể về chính trị, về học vấn, về thực nghiệp như những đoàn thể của người đại Pháp đã gây nên cái quần trí thật to, cái quần lực thật mạnh mà phát khởi kể bao nhiêu là những sự nghiệp công cộng lợi nước phúc dân, lại nhân cái tính hiếu quần mà sinh ra cái tệ an thổ trọng thiên, luẩn quẩn ở trong xóm trong làng, loanh quanh với việc thôn việc giáp, thỏ cây ếch giếng, cái kiến thức không ra khỏi được một cái vòng khuôn chật hẹp tự đặng tre hàng rào sấp vô; trước kia phong hội chưa mở mang, giao thông chưa phồn tạp, sinh hoạt còn đan giản, kiến văn còn hẹp hòi thì chẳng nói là chi; từ khoảng vài chục năm trở lại đây, năm bể liền đường, sáu loài chung chợ, người ta thì mở đường tàu khắp các bến, đặt tiệm buôn cùng mọi nơi, nào khẩn hoang, nào đào mỏ, nào xẻ núi, nào khai kênh, lạo lục đến khắp cả nam cực bắc dương, giao tiếp với hết thảy mường đen mọi đỏ, mà mình thì đồi bãi ruộng mương ở trung du thượng du còn mông mênh bát ngát, lợi rừng lợi bể còn vùi sâu chôn chặt bề bộn chứa chan, chỉ vì quấn quýt với những hội hè đình đám, ngôi thứ ăn ngồi mà đành chịu ăn chen ở chúc trong cái xó mẫu ruộng tấc vườn ngồi bó tay mà đợi cho cái sinh kế một ngày một trụy lạc, cái thế nghiệp mộ ngày một hư hao, không mấy ai dám ra một bước khỏi làng để lo kinh doanh lấy cái lợi quyền, thu lượm lấy những của chìm của nổi mà trời đất hậu đãi giống mình, dành phần cho được tha hồ hưởng dụng; chẳng là vì cái tính hiếu quần sai lạc mà cái năng lực cá nhân đến nỗi ủy mỹ, cái tinh thần tiến thủ đến nỗi tiêu ma ư? Tệ nữa là người nào người nấy đều chắc bấu bíu vào được những cái danh nghĩa đoàn thể bơ phờ vặt vụn, con chắc vào cha, em chắc vào anh, chồng chắc vào vợ, họ hàng, làng xóm chắc lẫn nhau, sinh ra cái thói ỷ lại lười biếng, không mấy người phát triển được hết cái ý chí tự do tự lập, cái tư cách tự trợ tự cường, từ bé đến lớn, từ dưới đến trên, ở đâu cũng thấy có những cái quần nho nhỏ có danh không có thực, có xác không hồn, suy lụy nhau, nương tựa nhau, trông cậy hão huyền nhau mà không ai tự mình sáng lập, tự mình cáng đáng được chuyện gì; một hạng người ròi ngọ ngoạy ở trên một cái nền xã hội yếu ớt lung lay, ai cũng hòng sống gửi vào cái quần nhỏ của mình mà chính mình không có trí có lực gom góp vào quần, cái quần ấy vẫn là cái quần bất trí bất lực, không đủ cho mình nương thân thác mệnh được, nguy thay! Lại nhân ai nấy đều đã sẵn có cái tính hiếu quần mà cái quần trí quần lực không gom góp được nên, bấy giờ mới đem cái tính tự nhiên ấy mà quay về những cái quần ăn, quần uống, quần cờ bạc, quần hát xướng, túm năm tụm bảy, đàn đúm chơi bời; không thấy ở các thôn xã nhà quê, nhiều chỗ đã có lệnh cải lương phong tục rồi mà vẫn đua nhau vào đám vào tiệc, nô nhau làm khao làm vọng, làm ma, làm giỗ, họp tập nhau mà ăn chùm ăn đụng đấy ư? Lại không thấy mấy năm nay ở các nơi đô hội thường có những đám hội đồng góp tiền nhau đi hát đi chơi, hết sòng bạc này tan lại sòng bạc khác nhóm đấy ư? Cái tính hiếu quần càng ngộ dụng như thế bao nhiêu, cái tinh thần tiến thủ càng tiêu ma đi bấy nhiêu, cái tinh thần cá nhân càng ủy mỹ đi bấy nhiêu mà cái nguyên lý hội quần càng ít người lý hội, cái thực lực hợp quần càng ít người bồi dưỡng được nữa. Ai ngờ cái tính hiếu quần là một cái tính chất rất tốt của loài người, người Âu mỹ đã nhờ cái tính ấy mà khuyếch sung ra làm nên dân khôn nước mạnh biết chừng nào mà đến người mình lại vì cái tính đó mà hóa hư dở như thế.

Điều hay nên giữ, điều dở nên chừa.

Tóm lại mà coi thì cái tính chất của dân tộc Việt nam mình, điều hay cũng nhiều mà điều dở cũng lắm; cổ nhân đã nói: người ta không phải là ông Nghiêu ông Thuấn, lấy đâu ra được mỗi điều mỗi hay. Lại có câu: Người ta ai là chẳng có điều dở, biết điều dở mà chừa tức là không gì hay hơn vậy. Điều dở của mình nên chừa đã đành mà điều hay của mình cũng chớ nên bỏ. Phương ngôn ta có câu: Bỏ bụt trong nhà đi cầu Thích ca ngoài đường, là có ý răn bảo những người tham kỳ hiếu tân quá, đến mức bỏ mất cả thói hay nết tốt của ông cha cũ mà nhắm mắt theo cả cái xấu cái dở của người.

Xét cái dấu hưng suy thành bại của khắp các dân tộc từ xưa đến nay, từ phương đông đến phương tây, không có một dân tộc nào là toàn có tính chất hay mà không có tính chất dở, cũng không một dân tộc nào toàn dở cả mà không được cái gì hay, hơn kém nhau là chỉ bởi dân tộc nào khôn ra thì chừa được cái dở mà giữ được cái hay, dại ra thì bỏ mất cái hay mà theo mãi cái dở. Người Nhật không giữ được cái hay là cái tính chất đại hòa dân cũ, tôn quân ái quốc, trọng thần đạo, chuộng nghĩa hiệp, cần kiệm nhẫn nại, thượng võ khinh sinh, thì làm sao dựng được cái cơ đồ giàu mạnh. Người Mỹ không giữ được cái hay là cái tính chất thanh giáo đồ cũ, khinh thân trọng đạo, quen bình đẳng, ham tự do, nại khổ nhẫn lao, mạo hiểm tiến thủ, thì làm sao tạo thành được cái tân quốc văn minh. Vương, hầu, tăng lữ, bằng tạ cái oai quyền chuyên chế từ trước mà bình dân chịu đủ nỗi lầm than, cái dở ấy không trừ thì nước Pháp có đâu hưởng được cái hạnh phúc tự do dân chủ. Tứ phân ngũ liệt, nhân tuần cái chế độ phong kiến từ xưa mà quốc vận trải bao phen suy lụt, cái dở ấy không bỏ thì nước Ý đâu có nên được cái vĩ nghiệp thống nhất tự cường. Một dân tộc mà muốn cho được thịnh khỏi suy, được mạnh khỏi yếu, được tiến khỏi thoái, được hay khỏi hèn, thì phải biết cái điều dở của mình mà chừa, cái điều hay của mình mà giữ, háo hấc duy tân mà cái gì của mình cũng bỏ hết, hay bo bo thủ cựu mà cái gì của mình cũng giữ hết, đều không phải là dân tộc biết tự ái mà khéo biến thông vậy.

Cái hay cái dở của dân tộc mình, như trên kia đã kể, tưởng phàm là người Nam việt chưa đến nỗi quên nòi mất giống thì ai cũng có thể nhận ra được những cái hay đó là cái quốc hồn quốc túy của tổ tiên mình mấy ngàm năm nay mà giòm thấy những cái dở đó là cái căn bịnh làm cho nòi giống mình nước nhà mình trong khoảng một thế kỷ nay phải hãm vào cái vòng liệt bại, mang lấy cái tật đớn hèn vậy; nhưng biết thì biết vậy, biết mà không làm, biết cũng như không. Cổ thánh dạy rằng: biết không khó, làm mới là khó. Biết có cái hay mà không giữ được, biết có cái dở mà không chừa được thì biết lắm mà làm gì, nói lắm mà làm gì.

Ở nước ta bây giờ có hai phái người: đặt tên mới mà gọi một phái thủ cựu, một phái là phái duy tân; song nói cho đúng ra thì một phái chính là không còn biết gì đến cái hay của mình hoặc là biết người mình cũng có cái hay mà không thèm giữ, một phái chính là không hề biết cái dở của mình hoặc là biết người mình cũng có cái dở mà nhất định không chịu chừa. Than ôi! Duy tân mà đến từ cả bố mẹ, hại cả anh em thì cái tính hay trọng gia tộc còn gì nữa! Duy tân mà đến không được bộ cánh diện cũng chán đời, không rích tiền túi sài cũng tự tử thì cái tính hay trọng sinh mệnh còn gì nữa! Vô liêm vô sỉ, vô nhân vô nghì, thanh nghị chỉ trích cũng không kiêng, dư luận chê cười cũng không ngại, duy tân đấy, còn có gì là cái tính trọng danh dự đâu. Người ta học để giúp đời cứu nước mà mình thì cái học con khướu con vẹt cũng chưa xong, người ta giàu để lợi quốc phúc dân mà mình thì cái giàu cóc tía cóc vàng thêm tiếng trọc, duy tân đấy, còn gì là cái tính ham cạnh tranh đâu. Cái tính hay bắt trước để đâu mà hơn bốn mươi năm trời ở với một dân tộc văn minh đầu đẳng, từ học thuật tư tưởng cho đến cơ khí kỹ xảo không thấy theo chân nối gót được chút nào, duy tân ôi là duy tân! Cái tính hiếu quần để đâu mà trong mười mấy triệu cùng chung một nòi giống máu mủ ruột già , từ học hội dân hội cho đến công đoàn thương đoàn không thấy chủ trì khoáng trương được ra gì cả, duy tân ôi là duy tân! — Thủ cựu mà đến nợ miệng trong chốn hương thôn, vẫn dành dật nhau khẩu trầu miếng thịt, thể diện trong trường phụ nhụ, vẫn khoa diệu nhau dây đỏ bài ngà thì cái tính trọng hư vinh bao giờ giác được. Thủ cựu mà đến lấy liệt giường liệt chiếu làm toàn phúc, lấy chết đường chết trận làm xấu số, người viễn hại toàn thân vẫn cho là giỏi, kẻ mạo hiểm tiến thủ vẫn nhiếc là liều thì câi úy tử tham sinh bao giờ tỉnh giác được; giựa cái nền nếp gia đình mà trông cậy vào tư cơ hương hỏa, thác cái luân lý hiếu kính mà quanh quẩn vào tổ mộ từ đường, giữ cái lối gia tộc cũ như thế thì hay được với ai. So hơn kém nhau cái ngôi thứ chỗ đình trung, cứ khăng khăng là miếng ngoài làng bằng sàng só bếp; ganh vinh nhục nhau cái danh xưng trong bằng bối, cứ hăng hái là thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly; giữ cái lối cạnh tranh cũ như thế thì hay được với ai. Theo cái tính hay bắt chước mà tham thanh chuộng lạ một trăm cái, cái gì cũng của người là đẹp là hay. Theo cái tính hiếu quần mà ồ ạt đua đòi, một trăm cái cái gì cũng đua nhau làm khờ làm dại. Duy tân hay thủ cựu cũng đều không còn lại được cái hay mà sửa dần được cái dở của dân tộc mình được tí gì cả. Nếu cứ như thế mãi thì cái hay đều bị mất hết mà chơ ra còn độc những cái dở mà thôi.

Hỡi quốc dân ta ơi! Cái giấc ngủ mấy trăm năm của con nhà Hồng lạc chúng ta đã mê mệt quá; người Pháp đó, người Nhật kia, đều đã treo cho ta cái gương tốt biết giữ điều hay mà chừa điều dở của người ta đấy, tiếng gà eo óc, ta bảo nhau tỉnh dậy mau lên.

image_pdfimage_print

Trả lời

Điện thoại
Messenger
Zalo
Facebook
Liên hệ