Nghe bài viết

Lời giới thiệu.

Lâu nay, chúng ta đều biết đến một chí sĩ yêu nước Lương Văn Can, nhưng không nhiều người biết đến một nhà nho uyên thâm Lương Văn Can. Ngoài vai trò sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, cả cuộc đời Lương Văn Can thao thức khơi dậy dân trí và dân khí cho người Việt Nam. Để các thế hệ hậu sinh có thêm nền tảng để khám phá bản thân và chinh phục thiên hạ, ở tuổi ngoài 70 sau bao năm tranh đấu và tù đày, Lương Văn Can lấy hiệu là Ôn Như bình thản ngồi xuống biên soạn Kim cổ cách ngôn với 152 câu khuyên răn đắt giá được sàng lọc theo thời gian.

Ôn Như   Lương Văn Can trình bày cách ngôn bằng chữ Hán, sau đó chú giải bằng quốc ngữ. Chữ Hán giúp giữ nguyên hồn vía và chiều sâu của mỗi cách ngôn. Chú giải bằng quốc ngữ để ai cũng nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của mỗi cách ngôn. Phương pháp đầy cẩn trọng ấy của ông khiến Kim cổ cách ngôn dù trải qua gần một thế kỷ vẫn lưu trữ trọn vẹn phẩm chất một ấn phẩm dạy làm người và học làm người.

Lương Văn Can quan niệm về cách ngôn: “Lời nói là tiếng trong bụng. Có tư tưởng điều gì thì phát ra lời nói. Nói ra mà nghĩa lý chính đáng ai ai cũng lấy làm phải, đời đời cũng lấy làm phải. Bởi lời nói ấy mà lập nên đức tốt, thành được công to, thế thì lời nói lưu truyền mãi mãi, dẫu muôn đời cũng không đổi”.

Đọc Kim cổ cách ngôn cũng giống như một hành trình để hiểu 71 năm Ôn Như Lương Văn Can đã sống, đã ưu tư, đã dâng hiến cho cõi nhân gian nhiều thương mến và ngổn ngang. Ông nhắc chúng ta quý trọng từng phút giây “chú tọa đương tích âm, dạ tọa đương tích đăng” (ngồi ban ngày nên tiếc ánh mặt trời, ngồi ban đêm nên tiếc bóng ngọn đèn). Ông nhắc chúng ta giữ gìn nết ăn nết ở “bệnh tòng khẩu nhập, vạ tòng khẩu xuất” (bệnh từ miệng vào, vạ từ miệng ra). Ông nhắc chúng ta đắn đo hành động “vô sự thời bất dao tâm không, hữu sự thời bất dao tâm loạn” (lúc không có việc gì thì vẫn nên nghĩ ngợi, lúc xảy ra chuyện gì cũng không nên rối trí).

Ngày tháng vô tình luôn có khả năng đẩy lùi nhiều thứ vào quá vãng. Vậy Kim cổ cách ngôn của Ôn Như   Lương Văn Can còn giá trị như thế nào trong bối cảnh kinh tế thị trường. Rất đơn giản, ông khuyên doanh nhân “tín dụng tức tư bản” (chữ tín chính là vốn liếng), đồng thời ông cũng khuyên những ai đang nao núng làm giàu “hoàng kim vô chủng, độc sinh ư cần kiệm nhân gia” (miếng vàng không có giống, chỉ sinh ra ở nhà nào biết cần kiệm).

Sau gần 100 năm, kể từ lần in đầu tiên vào năm 1925, Kim cổ cách ngôn của Ôn Như   Lương Văn Can được NXB Thời Đại và CLB Doanh Nhân Sài Gòn tái bản nguyên vẹn bằng cách chụp lại toàn bộ, chứ không sắp chữ theo công nghệ in hiện đại. Có thể ngôn ngữ thời Ôn Như   Lương Văn Can khác biệt so với cách nói và cách nghĩ bây giờ, nhưng có nhiều câu vẫn làm chúng ta thấm thía như: “vô tài phi bần, vô nghiệp vi bần” (không có của cải thì không phải nghèo, không có nghề nghiệp mới thực sự nghèo).

Lời nói đầu của tác giả

Cổ nhân có ba điều bất hủ : một là lập đức, hai là lập  công, ba là lập ngôn. Này như có đức hạnh để làm tiêu biểu  cho người, thì người ta sùng bái vô cùng. Có công nghiệp để  tế độ cho người, thì người ta nhớ ơn vô cùng, hai sự ấy còn  mãi không bao giờ mất, lẽ ấy đã đành rồi. Đến như lời nói,  chỉ là ngôn ngữ chưa có thực sự, sao cũng gọi là bất hủ ?.  Bởi vì lời nói là tiếng trong lòng, có tư tưởng điều gì thì phát  ra lời nói, nói ra mà nghĩa lý chính đáng, ai ai cũng lấy làm  phải, đời đời cũng lấy làm phải, bởi lời nói ấy mà lập nên  đức tốt, thành được công to, thế thời thời lưu truyền mãi  mãi, dẫu muôn đời cũng không đổi, còn bao giờ mà nát  mất, chả phải bất hủ là gì ?.  Lời nói bất hủ gọi là cách ngôn, xưa nay thánh hiền  cách ngôn nhiều lắm, nghĩa lý rất là thâm thuý cao thượng,  và đều là chữ ngoại quốc, chưa dễ mấy người hiểu hết  được. Bây giờ đương là thời đại quốc văn thịnh hành, tất  phải dịch ra quốc văn thì quốc dân mới có thể phổ thông  được cả. Nên tôi nay chích lấy những lời cách ngôn của  thánh hiền Âu, Á, Mỹ, dịch làm quốc văn, trước biên chữ  nho, sau biên chữ quốc ngữ, lại biên chữ một ở dưới, rồi mới dịch hết đại ý để cho người ta ai cũng hiểu được, gọi là  “Kim Cổ Cách Ngôn”.  Sách này câu nói thì ngắn mà lý thú thì dài, không đối  đáp như sách Tình sử, không hoang đường như sách Phong Thần, toàn là khuyên người ta phải cần kiệm lo nghĩ, dặn  người ta đừng kiêu xỉ hoang loàng, chỉ bảo con đường lập  thân tinh vi chu mật không sót lý gì, thực là một cái gương  báu ở trước mắt, một cái hộ phù để giữ mình. Bọn thanh niên ta tiền trình còn giải, nghĩa vụ còn lầm, đã làm một  phần người trong quốc dân, tức có một phần nghĩa vụ trách  nhiệm, hẳn phải biết học phổ thông, trước làm ích mình, sau  làm ích nước mới là không hư sinh một đời, nếu biết dựa  theo cách ngôn này mà suy ra thực sự, làm được một câu  thì có ích nhiều việc, đừng bảo rằng không ngôn vô dụng mà  chớp mắt bỏ qua, thì tác giả lấy làm mong lắm.

Nay tựa.  Ôn Như LƯƠNG VĂN CAN .

Kim cổ cách ngôn.

1……. Sống lúc lo lắng, chết trong yên vui

2…. Vàng không có giống, chỉ ra sinh trong gia đình cần kiệm….

3…. Không chịu khó, sao được an vui ?, sao được thong thả ?….

4…. Người giỏi chịu khó nhọc, thì mới trả xong được nợ đời….  Người trả xong được nợ đời, thì mới có thể đem lại được tinh thần tự do cho mình….

5…. Người cố sức gắng gượng, là bước lên nấc thang vận may….

6…. Không đi săn thì sao có thú ?, không đánh lưới thì sao có cá ?….  (không chịu làm thì sao có ăn ?)….

7…. Thức sớm dậy sớm, thường khiến người ta tiến đến khoẻ  mạnh, tiến đến thông minh, tiến đến giàu có….

8…. Giá trị ngày hôm nay, hơn giá trị của hai ngày hôm sau….

9…. Người hay tự giúp mình, thì sau trời mới giúp cho….

10…. Người thường thường chạy trước sự nghiệp, chớ lùi lại phía  sau sự nghiệp…. (Việc gì cũng nên lo trước, đừng để nước chạm  đến chân rồi mới nhảy….)

11…. Người có công việc chánh đáng, chớ cho rằng nó thấp hèn rồi đâm ra xấu hổ…. Kẻ không có công việc, mới thật là đáng  thẹn….

12…. Nghề khéo là do chuyên cần, vụng là do đùa cợt….

13…. Không tiền không phải nghèo, không nghề mới thật nghèo….

14…. Chịu khó và tiết kiệm là đạo để làm cuộc sống yên ổn vậy….

15….Trong cái khổ cực tột cùng có rất nhiều niềm vui….

16…. Cần cù thì không thiếu thốn….

17…. Cái thuật để kinh doanh nhiều việc đạt hiệu quả, chẳng có  cái thuật nào khác ngoài làm việc gì ra việc đó….

18…. Siêng năng làm ra thời gian, vì thời gian là vàng bạc….

19…. Siêng năng không thôi là đức tốt của mình vậy….

20…. Chịu khó chăm chỉ là con đường tiến lên thành tài vậy…. Một  bước tiến một bước….

21…. Trẻ không chịu khó, đến già ắt khổ sở….

22…. Siêng năng làm ra của, tiết kiệm để giữ của…. Siêng năng mà  không tiết kiệm thì khác gì tay trái nhặt, còn tay phải vứt đi….

23…. Ta thường chỉ hướng đi theo trên con đường lười biếng, chỉ  trong một khoảnh khắc mà cảnh nghèo khó đã đuổi kịp….

24…. Lười biếng như sắt rỉ, dần dần tự huỷ chính mình đi…. Còn siêng năng như cái chìa khoá thường dùng, thường dùng thì  sáng sủa mà không rỉ vậy….

25…. Kẻ lười biếng là đang sống trong hầm mộ vậy….

26…. Gian nan do lười biếng mà sinh ra, khổ não do cẩu thả mà  tìm đến….

27…. Người ăn ở không tức là kẻ bỏ đi….

28…. Người quyết không thể có lòng cẩu thả, quyết không nên làm việc lừa lộc bạc bẽo….

29…. Bí quyết của thành công là ở chổ trước sau không thay đổi  mục đích….

30…. Người không có chủ ý nhất định, thấy gì cũng hùa theo thì  thật là đáng khinh bỉ vậy….

31…. Cùng một lúc mà đuổi bắt hai con thỏ, thì một con cũng  không thể bắt được….

32…. Không tích hao tổn nhỏ, ví như lỗ nhỏ làm đắm thuyền….

33…. Người lấy đồ thời trang tự đi khoe mẽ, là kẻ làm nô lệ cho  thợ may….

34…. Người làm ra được của mà lại tiêu hao phung phí, thì cuối  cùng phải đeo túi không ở trên cổ, bàng hoàng đi bên đường….

35…. Người thích phung phí mua sắm những vật dụng linh tinh,  nhiều khi đến phá sản vỡ nợ….

36…. Sau một lần hao tổn, thì nhiều lần hao tổn sẽ đến theo….

37…. Đạo lý chủ yếu của tiết kiệm, ở tại chú ý vào những lợi nhỏ  mà tiếc những chi phí nhỏ….

38…. Nghĩ muốn được lợi không bằng bớt phí phạm….

39…. Vốn liếng là kết quả của sự tích chứa….

40…. Sổ sách tiền bạc xuất ra thu vào, thường nên để trong mắt,  đó là phương pháp tốt của người kinh doanh….

41…. Tiết kiệm để dưỡng đức….

42…. Xa xỉ là nguyên nhân làm suy nhược quốc dân vậy….

43…. Người tiết kiệm biết xa xỉ dễ…. Kẻ xa xỉ mà biết tiết kiệm khó….

44…. Muốn bỏ tính tham lam chẳng được, không bằng trước bỏ  tính xa xỉ đi, vì xa xỉ là mẹ của tham lam….

45…. Giếng cạn mà sau mới biết nước đáng quý….

46…. Thường người dùng có mức độ, còn thiếu là do tâm xa xỉ….

47…. Tiết kiệm là đức tốt, keo kiệt lại đúng là kho chứa oán….

48…. Thường việc lượng thu vào rồi xuất ra, không tranh hư danh  thể diện mà gây nhiều lãng phí….

49…. Tín   dụng (chữ tín) tức là vốn liếng….

50…. Người thiếu nợ một ít mà bỏ mất đi nhiều sự tín   dụng….

51…. Người hay hứa hẹn ắt ít khi tin tưởng được, làm cùng người  ít tin tưởng không bằng đừng dùng họ….

52…. Tín dụng mà tan như cát đất, thì giống như đập phá kính đi  thời không thể khôi phục nguyên vẹn được….

53…. Tín dụng còn quý hơn vàng bạc….

54…. Cái túi rỗng không thể đứng thẳng, người mang nợ cũng  không thể tự lập cũng như cái túi rỗng vậy….

55…. Nợ nần khiến người tự do biến thành nô lệ….

56…. Phẩm tính dối trá là cái hại lớn ….

57…. Ví như anh khinh bản tâm, thì bản tâm tức thì quay lại xem  anh như thù địch….

58…. Người không có danh dự, thà chết đi còn hơn….

59…. Tạo lập danh tiếng cả một đời, mà để mất đi trong khoảnh khắc….

60…. Giá trị của danh dự tốt đẹp, còn quý hơn cả một cái đai vàng….

61…. Mạng sống có thể đoạt, danh dự không thể đoạt….

62…. Mất danh dự mà đạt được lợi ích, đó là tổn thất vậy….

63…. Danh dự là đức tốt sẽ được đền đáp lại….

64…. Không gặp gian nan, không biết sức mình….

65…. Anh có chết đói hay không ?, thì xem lại anh có cố gắng  phấn đấu tự cường hay không ….

66…. Dù nghề nhỏ cũng phải dùng toàn lực, cốt ở công phu nhẫn nại….

67…. Người nên thường thường dự tính những khó khăn sắp  đến….

68…. Người tốt gặp nguy nan thì gắng làm thiện, giống như vật  thơm tho ép nát đi lại càng thơm vậy….

69…. Chữ “nan (khó khăn)” có một, nhưng mà kẻ ngu phải dùng  từ điển kiếm mới được….

70…. Chớ thấy trở ngại mà đánh mất chí hướng ban đầu….

71…. Không kể khổ nạn ra sao, không cầu người thương hại….

72…. Không gặp nguy hiểm thì sao biết được dũng khí….

73…. Thích an nhàn là con đường dẫn đến cái chết, hay lo lắng là  gốc để luôn sống vậy….

74…. Thánh hiền hào kiệt nghìn đời xưa, chẳng ai mà không từ  trong nghịch cảnh để vươn lên….

75…. Không xem thường việc nhỏ mà sau có thể thành được việc  lớn….

76…. Không nên trong lúc vui vẻ mà nói quá lời, không nên trong  lúc thích thú mà xem nhẹ công việc….

77…. Muốn thành việc lớn phải cẩn thận những việc nhỏ….

78…. Không nỡ đem việc tư hại việc công….

79…. Hai người đồng lòng như đao cắt kim loại….

80…. Không thương bạn như thương mình, thì không thể trọn  vẹn tình bạn….

81…. Thời gian là nguyên liệu tạo ra sinh mệnh ta, đã yêu quý sinh mệnh, sao lại có thể lãng phí thời gian….

82…. Vua Đại Vũ (nhà Hạ) quý tiếc thời gian, mọi người cũng phải  quý thời gian….

83…. Giảm bớt công việc trong ngày đó là thuật sống lâu vậy….

84…. Tính do dự làm hại công việc, việc cứ để năm này qua năm  khác, nếu không tiến hành làm cứ chần trừ thì nhiều khả năng  sẽ bỏ mất cơ hội….

85…. Người phải phấn trấn tinh thần như đi cứu lửa trị bệnh, há  cứ để vậy dằng dặc theo năm tháng….

86…. Bảo vật quý giá nhất trong thiên hạ không gì bằng thời gian,  cái xa xỉ nhất trong thiên hạ không gì bằng lãng phí thời gian….

87…. Ngồi ban ngày tiếc bóng mặt trời, ngồi ban đêm tiếc bóng  đèn dầu…. (đừng ăn ở không).

88…. Tính chất phác đó là bản sắc anh hùng….

89…. Hai chữ khinh bạc đó gốc của trăm điều ác….

90…. Dùng hoà thuận để sai khiến đại chúng, lấy khoan thứ để  đối đãi với người….

91…. Điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người….

92…. Bệnh từ miệng vào, hoạ từ miệng ra….

93…. Kế sách trong năm ở mùa xuân, kế sách trong một ngày ở tại giờ dần (3h  đến 5h sáng)….

94…. Do chính trực mà đạt được lợi ích, đó là lợi ích chân chính  vậy….

95…. Chân thực là căn bản của mọi việc, là yếu tố rất quan trọng  bao gồm hết tất cả mọi tài lực vậy….

96…. Chẳng lo không thông minh, chỉ lo không chân thực….

97…. Phàm làm việc nhỏ tâm cũng phải kính sợ, kỹ lưỡng xem xét  tường tận…. Lo nghĩ đến cái chỗ lo nghĩ người chưa biết đến  được…. Dự phòng những chỗ người ta dự phòng không đến  được…. Như thế mới được vô sự….

98…. Đại khái người biết làm việc, ắt trước lượng việc sẽ làm  được rồi mới bắt đầu làm, không nên cứ khư khư giữ theo phép tắc….

99…. Bậc đại anh hùng chân chính, đều có lòng cẩn thận nơm  nớp lo sợ như đi tới vực xâu, như đi trên băng mỏng nên họ  thành công…. Còn như kẻ chỉ nóng nảy hô hào, thì một việc làm  cũng không xong….

100…. Người đời hay mưu mẹo dối trá mà muốn làm được việc  tốt, há lý nào có chuyện đó !…. Nhất định phải bỏ cái giả dối đó  đi, chuyên một lòng thuần nhất trung hậu thì sau làm việc mới tốt được…. Đến như sống chết,  hoạ phước thì chỉ do số trời mà thôi…. Người có mưu hay thì mới  bảo toàn được mệnh trời, người biết dưỡng sinh thì mới bảo  toàn được thần khí…. Còn kẻ tàn bạo, kẻ làm hư mình thì gặp  phải tai hoạ đều do họ tự nhận lấy vậy….

101…. Người cẩn thận việc lớn mà không cẩn thận việc nhỏ, thì lẽ  trời tức thì sẽ có khiếm khuyết gián đoạn….

102…. Phần việc nằm ngoài bổn phận của mình thì một tý cũng  không xen vào….

103…. Việc sắp đến mà có thể dừng lại, đang làm việc mà có thể  cứu được, việc đã qua mà có thể vãng hồi được, đó gọi là người  biết quyền biến, đó là người tài…. Chưa có việc mà biết nó sắp  đến, mới có việc mà biết sau nó thế nào, việc đã định mà biết  thay đổi thế nào, đó là người biết lo xa, đó là người hiểu biết….

104…. Lúc giao tiếp thường người có một bệnh rất lớn…. Mỗi khi  gặp việc thường sao nhãng, đến lúc xem xét đủ rồi thì quay trở  lại hối hận…. Khi an nhàn thường lười biếng, đến lúc có việc cấp bách thì liền làm sai lầm…. Cái tệ hại ấy điều do họ bỏ mất việc  trước sau vậy…. Nhưng nếu họ chịu để tâm ở công việc trước mắt, rồi biết kiểm tra kỹ lưỡng thì không gây ra  những việc hối hận…. Nếu họ biết để tâm cấp bách trong lúc an  nhàn, thì bớt được sai lầm lại càng bớt việc bận bịu nữa….

105…. Lúc nhàn hạ thời để tâm không tinh tế, đến lúc gấp gáp thì  với tay không tới được, làm thì lộn xộn mặc cho thành hay bại,  hết việc thì cũng giống y như cũ…. Người thế gian đa số giống  như thế, cứ trăm người thì cả trăm người vậy…. Thường việc dự tính trước  thì mới thành công, năm chữ ấy rất nên nghiền  ngẫm….

106…. Thường tai hoạ do an vui quá mức mà sinh ra, như hay lo  lắng thì thoát, thích xa xỉ thì bị, biết tiết kiệm thì thoát, hi vọng  quá thì bị, biết đủ thì thoát, còn tạo lắm việc thì bị, nên cẩn  thận và siêng năng mới thoát được….

107…. Sự nghiệp mở rộng vì chuyên cần, công lao cao vì có ý chí,  luôn biết quyết đoán thì sau mới khỏi khó khăn….

108…. Kẻ ngu muội chỉ biết một mà không biết hai, chỉ thấy cái  điều trông thấy mà không thấy cái điều chưa trông thấy, cho  nên ít khi làm nên việc…. Chỉ có người trí biết cứng biết mềm, hay  vuông hay tròn, biết được biết mất, hay tỏ hay ẩn, người cả đời ai cũng sợ cũng nghi, thế mà người trí ấy  cứ an nhiên làm, rồi quả nhiên như bụng dự liệu vì họ đã liệu  định từ trước rồi vậy….

109…. Sang trọng không kiêu căng, giàu có không phung phí, cung  kính tiết kiệm đó là đức, không chứa lòng giả dối, tạo đức lòng  an ngày qua thong dong, gây ác lòng khổ ngày qua vụng về….

110…. Khi lo tính chuyện lớn trong thiên hạ, chỉ cốt yếu tại một  điểm là phải chuyên tâm và dùng sức, còn việc khác thì không cần  quản đến…. Ví như người đánh cờ chỉ chuyên tâm đến việc thắng  thua trước mắt, mất một con ngựa hay con tốt thì thần hồn họ  không mảy may động tâm, còn nếu bàng quang cho việc đó là  kế sách cao thấp, thì người trong cuộc như thế sẽ loạn cả tâm  và mắt đến mức không làm xong được việc gì….

111…. Kẻ hủ nho nói lời khoát lác, kẻ khúc sĩ bàn luận câu nệ, kẻ  dung tục kiến thức tầm thường, kẻ táo bạo cái nhìn nông cạn,  kẻ gian dối nói năng kỳ quái, kẻ gian tà ngôn ngữ cong quẹo, tất  cả đều làm tổn hại, nhà mưu tính lấy làm kiêng kỵ vậy….

112…. Người khi làm việc ắt phải có hai lòng đặc biệt thì mới làm  tốt được, một là lòng trách nhiệm, một nữa là lòng hứng thú  (hứng vị)…. Có lòng trách nhiệm thì tâm không được phép không làm, có  lòng hứng thú thì tâm vui mà không chán…. Không có lòng trách nhiệm quyết không nên, không có lòng hứng thú thì càng không  thể được….

113…. Nắm giữ việc lớn trong thiên hạ, không có KHÍ thì làm  không xong, nhưng KHÍ muốn ẩn không muốn lộ, muốn xuống  không muốn lên….

Như người làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa, không động  thanh sắc, không kinh tai mắt, khi làm việc thì được trọn vẹn đó  mới thật là kỳ diệu nhất vậy….

114…. Việc không luận lớn nhỏ lấy lý lẽ làm chủ, nhưng ta dựa  vào lý lẽ mà làm thì chỉ sợ gặp phải những kẻ ngu dốt không  biết lý, bọn cường bạo không sợ lý, người gian dối không tuân theo lý, thì lý ấy khó có chỗ mà dùng được, nên  phải coi xét thời thế ung dung mà ứng xử mới được…. Nếu lỡ gặp  việc nhỏ thì có thể nhịn chịu, còn việc to lớn thì không thể cho  qua mà phải tham khảo bạn bè người thân, báo lên quan phủ,  cho biện rõ đúng sai để kẻ ấy không thể qua mặt được thì tự  nhiên sẽ thuần phục…. Nếu ta cứ lấy lý lẽ ra biện bạch, thì chắc chắn sẽ khiến người sinh tức giận, chỉ theo ý mình mà bỏ qua  cảm nhận của người thì chỉ khiến kẻ ngu dốt không rõ lý, bọn  cường bạo chung cuộc không khuất phục, người gian dối nhất  định tìm nhiều mưu kế để cầu thắng, từ đó có lý chuyển thành  vô lý vậy….

115…. Làm việc không mong sướng tâm, chỉ mong an tâm….

116…. Việc đáng quyết đoán mà không quyết đoán, thì sau này  gặp nhiều rối ren….

117…. Việc chưa gấp mà đi làm trước thì đến việc sau rất nhàn….

118…. Một việc khắc bạc quyết không làm, một lời khắc bạc  quyết không nói, một ý nghĩ khắc bạc quyết không sinh….

119…. Việc đến chớ cho qua, việc qua đừng truy hỏi, việc nhiều  tuyệt không sợ hãi….

120…. Việc thành nhờ giữ bí mật, thất bại vì tiết lộ lời nói….

121…. Việc làm không được thì miệng chớ nói, việc không thể nói  được thì tâm chớ nghĩ đến….

122…. Việc có ích cho người mà không tổn hại đến mình thì nên  vui vẻ làm, việc có ích cho người mà tổn hại nhỏ đến mình thì  cũng nên miễn cưỡng đi làm, việc có hại cho mình mà vô ích cho người thì quyết không thể làm, việc vô ích cho mình mà có tổn hại cho người thì  càng không thể làm….

123…. Thường tình cảm con người có 3 lần biến đổi, việc chưa  đến thì người nào cũng mặc sức nói, việc đến thì ai nấy đều  chốn tránh, việc đã qua thì người người kể công….

124…. Việc trái với lương tâm không nên làm, việc trái đạo lý  không nên làm, việc hại người không nên làm, việc gây ác nghiệp không  nên làm….

125…. Lúc không việc đừng khiến tâm rỗng không, lúc có việc thì  đừng khiến tâm rối loạn….

126…. Biết lo trước việc thì sau không lo, việc đến rồi lo thì có ích  gì….

127…. Không việc thì chớ sinh thêm việc, có việc thì chớ sợ việc….

128…. Thường có một ít việc không được thoả lòng thì đó là tốt  đó, còn như mọi việc đều vừa ý thì sẽ có cái không vừa ý lớn  xuất hiện sau này….

129…. Thường người xem nhẹ việc nợ nần thì không nên cho họ  mượn nợ, vì ắt người ấy là tên vô lại vì đã có ý đồ mượn nợ rồi…. Thường việc  vay tiền bạc thóc lúa ít thì dễ trả, còn vay nhiều thì dễ bễ, cho  nên vay thóc đến trăm thạch, vay tiền đến trăm quan dù sức  người ấy có thể trả, thế mà vẫng không chịu trả, họ cho rằng thà  đem số nợ ấy để làm án phí tranh tụng, đời nhiều người  thường làm như vậy….

130…. Người kinh doanh lợi nhuận, may mắn kiếm được nhiều  tiền của trở nên giàu có ắt là do số mệnh hanh thông, tạo hoá  ban cho mới được như thế…. Có kẻ thấy người khác kiếm được  nhiều tiền của trở nên giàu có, rồi muốn lấy công việc cưỡng   đoạt với trời đất, như bán gạo đổ thêm nước vào, bán muối  trộn thêm vôi, bán sơn đổ thêm dầu, bán thuốc thì tráo đổi thuốc, như thế trước mắt nhất định sẽ được nhiều lợi  ích trong lòng thấy rất vui sướng, nhưng họ đâu biết rằng tạo  hoá ban cho cái này ắt sẽ mất cái khác, chung cuộc cũng nghèo  thiếu, huống chi lại dối người huỷ đi sự chân thật thì chỉ mất  mát nhiều thêm vậy…. Nói chung người buôn bán kinh doanh chỉ  cần trước giữ lấy tâm địa cho tốt, bán hàng thật, lại phải kính  trọng người tiêu dùng, lại phải học không tham cầu lợi nhiều, tin vào đạo trời như vậy tuy trước mắt lợi nhuận không được nhiều, nhưng nhất định sẽ không có hoạ hoạn về sau….

131…. Người giữ lòng nhân hậu khi dùng thước đo, cân đong  nhất định sẽ công bằng, họ không vì một chút lợi nhỏ để gây  tổn thất cho người khác, đó tức là thiện vậy…. Còn kẻ giữ lòng  khắt khe chỉ chuyên lợi cho mình, thì buôn bán hàng hoá cân đo  không tương xứng, cho vay thu về lợi nhuận khác nhau, trong  cái khoảng nặng nhẹ lớn nhỏ thu được lợi nhuận là bao ? mà lại đánh mất lương tâm, trong cõi u ám quỷ thần còn đấy,  chưa có ai mà không bị trời trừng phạt vậy…. Cổ nhân nói : “  người được giàu có là do vắt óc khó nhọc mà kiếm được, nhưng  chung quy do số mệnh….” Nay kẻ muốn lấy gian dối để mưu cầu,  các loại như bán gạo tẩm nước, bán muối trộn vôi, bán sơn  chộn dầu để cầu mong lợi nhuận, khi kế hoạch thành công thì liền vui mừng, nhưng họ không biết  rằng đấng tạo hoá sẽ theo đó mà gia giảm, kết cuộc thì cũng  không hưởng được lâu dài, đó gọi là tạo ác nghiệt có ích chi đâu  !….  132…. Đại khái mua ruộng mua nhà có 5 dạng không nên mua…. (1)  cha già mẹ goá có đứa con bất tài không thể dạy được, hoặc  đứa con nhỏ mồ côi, đứa con ngu xuẩn không biết hay dở mà nghe tin kẻ gian xúi dục đem ruộng đất  bán đi, mười phần không đáng một phần, như thế thì không  nên mua…. (2) Tài sản thừa kế chưa biết thuộc về ai, hay tài sản  hai bên đang tranh giành, chưa biết phán đoán thuộc về ai thì  không nên mua…. (3) Là nhà cửa cây đá gần mồ mã và đền miếu  thờ tiên hiền, như thế thì không nên mua…. (4) Là ruộng đất  tranh nhau với người quyền thế, họ tự biết không đấu lại nhân  đó lấy bán lại cho ta, như thế không nên mua…. (5) Ruộng đất của láng  giềng lâu đời, nếu người ta không phải bằng lòng muốn bán,  hay vạn phần bất đắt dĩ phải bán, như thế thì không nên mua….  Tóm lại trong năm điều ấy điều thứ nhất là mẹ goá con côi và  điều thứ ba xâm lấn đất người chết thì rất xấu…. Phàm người  mua tài sản ruộng đất để lại cho con cháu dài lâu, thì nên xét kỹ  những điều ấy….

133…. Tục ngữ nói rằng : “ Người giàu làm tài chủ”, nghĩa là nói  chủ giữ tiền của vậy…. Sản nghiệp của cha ông để lại dù không  thể bỏ, nhưng phải ước chừng mà chu cấp cho người, chỗ nên  tiêu thì dẫu tiêu nhiều cũng đừng tiếc, chỗ không nên tiêu dù ít  cũng đừng nên hoang phí, thế thì cơ nghiệp không đổ nát mà  ân đức mở rộng…. Như cứu nạn trong cơn nguy cấp, bố thí giúp  người nghèo, thương xót người khổ là việc tốt nhất, đó là nơi  đáng tiêu tiền…. Còn dùng tiền vào chốn phồn hoa đẹp lộng lẫy để kiêu xa  dâm dật là việc xấu nhất, đó là nơi không nên tiêu tiền…. Giỏi tích  mà còn giỏi tiêu tiền thì mới sai khiến được tiền…. Giống như  ngày nay người nhiều tiền của chỉ lo tham lam gian lận đó là nô  lệ của tiền của, không sai khiến được tiền của vậy…. Người xưa  nói : hay chứa hay tán đó là chủ của tiền của, còn gian lận  tham lam đó là nô lệ của tiền của”…. Mong rằng người giàu chớ làm nô lệ cho  tiền của….

134…. Thường mua đồ vật của người, mua tài sản của người nên  tùy theo giá trị mà trả bấy nhiêu…. Chớ nên da diết mang cái lòng  đi lừa gạt người, vì đồ vật ấy, tài sản ấy là của chung cả thiên hạ, há chỉ do một mình ta làm ra đâu ?…. Hơn nữa xưa kia trang viên Bình Tuyền của Lý Đức Dụ, vườn Kim Cốc của Thạch Quý Luân luôn muốn truyền cho  con cháu đến muôn đời, nhưng đâu biết chỉ trong chớp mắt đã  thuộc về người khác rồi, nay lại chẳng biết đã thay đổi mấy đời  chủ nữa….  135…. Người đời những việc ăn uống, mặc ở cho đến lễ đội mũ,  đám cưới, đám tang, cúng tế, thăm hỏi, phúng điếu tất cả đều  dùng đến tiền bạc…. Nhưng mà nguồn gốc phải trong sạch, thì đường  đi mới không khó khăn…. Nguồn gốc thì phải hỏi do đâu đến, có  hợp nghĩa chăng ?, còn đường đi thì hỏi nơi đến có xứng đáng  chăng ?, có thái quá hay bất cập chăng ?…. Nếu lấy của trời đất  thì tiền bạc ấy mới bền chắc, như quân tử (quan lại) lao tâm mà  được nhận bổng lộc, tiểu nhân (nông dân) lao lực cấy lúa thu  hoạch, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gia súc mà nhận thành quả, dưới  thì các thợ nghề dùng tài nghệ các loại nhận tiền lương, còn  dưới nữa thì thương nhân buôn bán để thu lợi nhuận, những  việc ấy đều có nghĩa cả, còn ngoài việc đó thì phi nghĩa…. Quả  đúng như lượng thu vào rồi xuất ra, cân việc nặng nhẹ, rõ việc  gấp trước sau, việc gì nên phóng thì chẳng tiếc, việc gì nên ít thì  không nhiều, như thế thì mới xứng…. Nếu không đúng thời điểm  dùng mà lại dùng, hoặc không đúng thời điểm dùng mà dùng là không xứng vậy…. Người đời  không sửa trị đường đi mà mong nguồn gốc trong sạch thì  không thể được vậy…. Người quân tử mong thu được nghĩa , không nói đến lợi mà lợi vẫn thường còn…. Kẻ tiểu nhân mong  thu được lợi, chưa đạt được lợi mà hại đã chờ sẵn rồi, ngu lắm  thay !….

136…. Giao tiền cho người khác là một việc rất khó, dù là bạn rất  thân thiết lại phải càng làm minh bạch, thà rằng sau này  nhường nhịn nhau, không nên để buổi ban đầu mập mờ…. Tục  ngữ nói rằng : “ Trước minh bạch thì sau không tranh nhau ”, lời  nói ấy rất phải vậy….

137…. Người lâm vào cảnh cùng khốn, hoặc thiếu tiền bạc của  người, hoặc mượn đồ vật của người, trong một lúc không trả  được thì chủ nợ tức thì chửi là người hư…. Nếu đến chủ nợ xin hẹn trả thì liền bị nói là kẻ khéo  nói bịa đặt, nếu gặp chủ nợ mà không nói thì liền bị cho là kẻ lù  đù gian dối, nói tóm lại một chữ là đè đầu cưỡi cổ người, không  biết làm cách gì để cho hợp lòng người, kẻ ngu cho rằng lương tâm hạnh thành tín người người đều có, ai mà không muốn báo  ơn giữ chữ tín, chỉ vì không có cách gì nên chưa thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn…. Tục ngữ nói rằng : “ Người người nói ta  không biết làm gì, nhưng đến lúc không tiền là biết ngay”…. Nên  giàu có sinh ra lễ nghĩa, há có chuyện người dư giả mà cam lòng  thất tín với người khác ư !….

138…. Tiền tài không thể không tiếc, nhưng không nên hà khắc,  ta khoan dung một phần thì người sẽ chịu ơn ta một phần, như gia cảnh nhỏ khó khăn đến những người bưng  gánh bán bưng, chỉ nhờ chút công phu khí lực để nuôi dưỡng  gia đình thì càng nên bội phần hậu đãi thương xót…. Mình khoan  dung cho người một chút hào ly thì người khác được một hào,  một ly thì mừng rỡ vô cùng…. Còn những kẻ khắc bạc lấy hết  sạch của người từng ly từng tý nữa đời người chỉ sinh tai hại,  đến một sớm mai sẽ gặp cảnh khuynh gia bại sản…. Lại thấy những người  khoan hậu, cả ngày thường bị người giành hết lợi ích thế mà lại  được ăn no mặc ấm, cả đời không bị tai hoạ gì…. Chuyện như thế  là lẽ tự nhiên vậy, cho nên người muốn tính việc mình thì không  gì bằng xem việc người, đợi đêm trăng thanh vắng nghĩ những  điều mình biết, mình thấy bấm đốt ngón tay mà có thể dự đoán  được, so sánh sự được mất của kẻ khắc bạc và người nhân hậu, bên nào thịnh bên nào suy, bên nào giàu bên nào nghèo, thì  biết ngay trời báo ứng không sai vậy….

139…. Hai chữ kinh doanh phải xem cho rộng, như người nông phu cày ruộng, người đàn bà ngồi dệt vải, người đi bán hàng,  người ngồi bán hàng việc gì cũng là kinh doanh cả nhưng cốt  yếu phải có lòng công bằng mà lợi tự nhiên có vậy…. Thuận theo  tự nhiên thì không nghĩ càn mà không đến nỗi phải mạo hiểm…. Như người tích chứa gạo  thì mong giá gạo cao, người tích chứa vải thì mong giá vải đắt  đó là lòng dạ không bình…. Như người mua thừa mà bán thiếu,  làm đồ giả tráo với đồ thật, thì đạo không công không bình, việc  đó đều do tâm hám lợi quá nặng…. Xét kỹ thì giàu nghèo có số,  chưa chắc được như ý muốn, những người khởi lòng dạ khắc bạc dẫu làm nên giàu có, nhưng  mà đạo trời hay ban phúc cho người thiện, giáng hoạ cho người  gian tà nên chưa chắc gì họ hưởng được lợi…. Đời có người buôn bán  thành đạt, thế mà con cháu không được hưởng chút phúc đức  gì, do bởi vì nguyên do đó vậy….  140…. Phàm người chưa chắc hẳn ăn chơi lười biếng cả, dù kẻ  nghèo hèn cũng có lúc gặp được vận may…. Chỉ khi họ xem việc  có tiền dễ dàng quá, tiền đến tay liền dùng không tiếc, tưởng rằng tiền đi ắt sẽ lại  đến, nhưng họ đâu biết rằng đi rồi chưa chắc sẽ có lại…. Làm sao  tích chứa thành gia nghiệp, nếu có được một thước thì giữ một  thước, được một tất thì giữ một tấc thì thành cục diện nhỏ, thế  thì sao có chuyện tuổi già gian nan, khốn khổ ?….

141…. Đời nay con em nhà người mặc áo tốt, cưỡi ngựa mạnh,  hay xem múa mê ca hát, một cái áo lông cừu phí đến hơn mười đồng bạc,  một bữa tiệc phí đến mấy đồng bạc, không biết rằng làng ta  mười năm nay thóc rẻ lắm, hết hơn mười hộc không đủ cung  một bữa tiệc, hết hơn trăm hộc không đủ cung một cái áo,  không biết nông gia làm ruộng khó nhọc, cả năm dằm mưa dãi  nắng có dễ kiếm được trăm hộc ấy đâu…. Huống khi lũ lụt nắng hạng bất chợt, một năm thu  hoạch không thể lo cho năm sau, làm sao lấy vật như châu như  ngọc mà đem bán với giá rẻ để lấy chi phí mua một chiếc áo  lông cừu, hay đãi một bàn tiệc chẳng phải đáng sợ lắm ư !….  Người xưa có nói: “Chỉ yêu  việc ruộng nương thì lòng dạ mới tốt “, nên để con  em tận mắt trông thấy việc làm ruộng khó nhọc, đương lúc giở kho bán thóc phải sai nó cầm thẻ để  mắt trong thấy mà biết nghĩ, không dám lãng phí thóc lúa, làm  sao có thể để chúng ở miết trong nhà, chỉ lo ăn no mặc ấm,  không biết quý tiếc vật lực, thế chẳng phải hoá thành con nhà  hư đốn ư !…. Người thiên hạ lo tích chứa tiền của thì thường  thường lo lắng nạn nước lửa, trộm cướp. Những trân bảo lạ thường thì càng chiêu mời tai vạ đến nhanh  nữa, những người nhà quê tích chứa hàng vạn đồng bạc khi  nằm ngủ còn không yên giấc…. Chỉ có ruộng đất là không lo nạn  nước lửa, không sợ nạn trộm cướp, kẻ cường bạo không thể  cướp được một thước, một tấc, dẫu người có sức lực nâng vạn  cân cũng không thể mang ruộng đất mà chạy…. Ruộng nghìn mẫu  đáng giá vạn nén vàng mà không cần một người lao lực giữ hộ, ví như  có nạn binh lửa loạn lạc mọi người phải rời bỏ quê hương chạy  chốn, đến lúc yên bình quay trở về, nhà ở, tiền của hỏi ra không  còn tý gì, chỉ có một khối ruộng đất nhà họ Trương thì vẫn của  họ Trương, ruộng đất của nhà họ Lý thì vẫn của nhà họ Lý, khi  sửa sang khai khẩn làm lại thì bèn trở thành nhà giàu có…. Than  ôi ! tất cả tài vật trong thiên hạ không gì bền vững hơn ruộng đất, việc đó có thể  không đáng suy nghĩ mà giữ lấy ư !….

141…. Kẻ nghĩ lấy tiền của người, không bằng lấy tiền của trời  đất, thường thấy những kẻ cho vay chừng năm ba năm số lãi  thu bằng với nợ gốc thì kẻ ấy liền lấy đó lao xao khoe khoang,  còn không được như vậy thì trong lòng oán giận hiện ra cả hình  sắc, cũng có những việc mất luôn cả vốn lẫn lãi nữa nên cho vay  là việc không bền vững…. Chỉ có ruộng đất thì không như thế,  cày ruộng không tốt thì thu hoạch ít, cày ruộng tốt thì thu hoạch nhiều,  hoặc bốn mùa ba lần thu hoạch, hoặc một năm trồng hai mùa,  ruộng giữ trồng thóc lúa, ruộng xung quanh trồng vừng đậu  dưa bông, có một thước một tấc đất thì ắt hẳn sẽ có lợi…. Nên  sách viết rằng : “Yêu đất không yêu bảo vật”, câu nói ấy thật rất  thú vị, trước kia thì nuôi dưỡng ông cha, sau này thì nuôi dưỡng con cháu,  không kiêu kỳ, không suy mỏi, người nhận không tủi thẹn,  người hưởng không phải lo gì, dù lấy nhiều mối lợi mà không có  dấu vết của lợi, không lao nhọc tâm lực, không nhận lấy oán  ghét từ người….

142…. Đại khái con em nhà người không nên cho việc sửa sang ruộng đất là việc tục, việc hèn mà tránh mang tiếng ấy, lại cũng  không nên cho là việc cũ mà theo tiếng ấy…. Thử nghĩ xem việc  làm ruộng so với việc cầm bát đi xin ăn khắp nơi rụt rè, đằng  nào hay, đằng nào dở, đằng nào sang, đằng nào hèn đây….

143…. Sách Lễ Ký viết : “ Thấy tiền tài chớ nên cẩu thả nhận ”, bởi  vì tiền tài người ta rất coi nặng, mà thường việc lấy bỏ liên quan đến phẩm hạnh  của cả một đời…. Nên người khi thấy tiền tài ắt phải xét đến đạo  nghĩa, của hợp đạo nghĩa dù nhiều cũng không nên bỏ, của  không hợp đạo nghĩa dù ít cũng không nên nhận…. Chỉ khi làm  như thế, một hào cũng không cẩu thả mới là bậc chính nhân  quân tử….

144…. Có tiền của nên khéo dùng, cốt phải khiến mình tiết kiệm,  khi tặng người đáng cho dù nhiều cũng không tiếc, tặng người  không đáng cho dù ít cũng không nên làm, đó là cái đạo dùng  tiền của vậy….

145…. Thường người bị thân bại danh liệt thì tiền tài chiếm hết 8  phần rồi….

146…. Phàm mượn đồ vật của người nhất định phải hẹn ngày trả, cho dù đó là cốt nhục thân thiết cũng không nên sai hẹn, một  lần thất hứa chẳng những mất đi niềm tin vả lại đến lần sau  người ta sẽ không cho mượn nữa….

147…. Thường việc mua bán lấy tiền chưa hết, hoặc là chuộc đồ  mà chưa có khế ước, thì nên lập tức đòi cho bằng được, không  nên cậy tình thân thiết mà không phòng bị….

148…. Phàm việc chia tiền tài với người nhất định phải công  bằng, nếu chia không đều thì lòng không công bằng, phẩm hạnh  theo đó mà mất đi vậy….

149…. Kiếm tiền có đạo, bậc thánh nhân trị nước bình thiên hạ  cũng phải lấy tiền làm việc cốt yếu, huống chi đời sống ăn uống  sinh hoạt hàng ngày của người không tiền thì không làm gì  được, nên cũng làm giới răn đe, răn người lấy tiền không đúng bổn phận, răn người  thấy lợi quên nghĩa, răn người mưu mẹo dối trá đánh mất  lương tâm hại người để lợi mình…. Cho nên người nghèo hèn  kiếm tiền trước phải chọn nghề cho cẩn thận, không nên vì  nghèo hèn mà dụ dỗ hại con em nhà người, không nên tham  món ngon mà giết trâu hại chó, không nên làm kẻ môi giới bảo kê mà dối người làm càn,  khiến tiền của người mất không đến nỗi sinh ra kiện tụng,  không nên vì buôn bán trao đổi rồi làm giả để dối người, người  có học thức không nên võ đoán trong làng vào cửa công mà nổi  sóng bình địa phong ba, người dấn thân vào chốn quan nha  trông coi việc tiền bạc lương thực thì không nên vì luật lệ riêng làm thói tệ để hại  người lương thiện, không nên sai quan binh sinh sự quấy nhiễu  dân, không nên cầu của trái phép khiến người bị oan không  thoát được tội, không nên mượn chuyện sinh sự gây hấn chẳng  thôi, người bình thường không nên cậy sức lực dối nhau chiếm  lấy tiện nghi mà lấy làm đắc kế, không nên bỏ thiếu tiền lương mà lại trách quan trên  đòi dục, không nên vay mượn không trả mà giận chủ nợ định  lừa để thoát nợ, đó là việc người nghèo hèn phải răn vậy….

150…. Gia đình bậc trung thân không đến nỗi đói rét, nhưng cũng  không thể nhân vì rất giàu mà tạo ác nghiệt, lại cũng không nên  ỷ thế mà làm việc gian trá…. Nông dân, thợ nghề, kẻ buôn bán các loại  đều chăm chú vào nghề nghiệp của mình mà cầu cái lợi tự  nhiên của trời, giữ lấy tiền của đúng bổn phận…. Phàm việc gì  cũng xem xét số thu chi không vì một chút thể diện mà tranh hư  danh, đó là cách sử dụng tiền của gia đình bậc trung đẳng nên  lấy đó mà răn đe vậy….

151…. Giàu sang nhiều phúc đức vì ta lương thiện mà sinh ra,  nghèo hèn buồn lo, giống như ngọc thô mài giũa giúp ta thành công vậy….

152…. Đời người ai cũng có ba việc mong muốn, thứ nhất là sang,  thứ hai là giàu, thứ ba là nhiều con cháu, nhưng ba việc ấy nếu  khéo xử lý thì là phúc, còn không khéo thì rất nhiều phiền luỵ  vậy…. Như người ở địa vị cao hay đòi mọi thứ đều hoàn bị đó là  cái kho chứa oán, là cánh cửa lợi hại, là cái chợ lo lắng, là cái đích của khen chê, có vinh thì ắt sẽ có nhục, có được ắt sẽ  có mất, có tiến ắt sẽ có thoái, có thân thiết ắt sẽ có xa cách, duy  chỉ khiến mình không gây nhiều lầm lỗi lớn, việc từ ngoài vào cứ  bình đạm, đó là cái đạo xử trí để sang vậy…. Như người tích chứa  nhiều tiền của thì ắt sẽ có thân thích đến cầu xin, kẻ nghèo  cùng sẽ nghĩ oán, kẻ tôi tớ dối lừa, của nhiều thì trộm cướp đến lấy, của ít thì  chuột bọ đụt tường khoét vách mà phá, hay buôn bán thua lỗ,  hay đi đường mất mát, hay ruộng lúa tổn hại, hay người cạnh  tranh đi kiện cáo, hay con cháu phá hoại, bấy nhiêu cái khổ  người nghèo không biết chỉ người giàu phải ôm lấy tất cả, người  ta hay biết giàu gặp nhiều phiền luỵ thì lấy tiền của nên liêm khiết mà nhất định  không tích chứa nhiều để chiêu oán, xem nhẹ tiền của mà  không tham lam để phiền luỵ trong lòng, đương nghĩ khi có tiền  của ấy thì kẻ nghèo cùng không lấy của mình chứ lấy của ai, sửa  mình tiết kiệm còn đãi người thì hậu, lấy lợi thì đạm bạc mà tích  chứa lúc cần, đó là đạo xử trí để giàu vậy ….

Cái lo cho con cháu rất nhiều, lúc nhỏ thì lo nó có tật bệnh, đến  lúc trưởng thành thì lo cho nó có công danh, lo nó quá phung  phí không khéo trị nhà, lo nó kết giao với kẻ xấu, lo nó rời gia  đình đi đường xa gặp cảnh đói khát, lo cho con đến cháu mãi  mãi không dừng, đến khi tuổi cao con cháu đông đúc thì sau lo hết được cho bọn nó không có tật bệnh đau  đớn, đứa hiền đứa ngu không bằng nhau, lúc thăng lúc trầm  không bằng nhau, khi hợp khi tan không thường, vui buồn có  khác nhau, chỉ nên dạy nó hiếu thảo, dạy khiêm nhượng, dạy  tạo lập phẩm hạnh, dạy đọc sách, dạy chọn bạn, dạy bảo dưỡng  thân thể, dạy tiết kiệm, dạy làm việc nhà, còn việc thành bại hay dở bậc cha mẹ không nên quá bận tâm, còn việc hợp tan sướng khổ bậc cha mẹ cũng không nên lo quá thành bệnh, chỉ lo mình không làm việc quá xấu hại người thì con cháu sẽ không có đứa nào hư hỏng, mình không thiên vị thì không lo chuyện con cháu đấu đá lẫn nhau, mình không tham lam quá mức thì không lo chuyện con cháu thiếu thốn, đến như cái số trời ban bẩm sinh đã ngu, có tài mà không gặp thời, tự nhiên  sinh bệnh thì cứ mời thầy thuốc mà điều trị, mời thầy giáo tốt  mà dạy bảo cho tròn trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, đó là cái  đạo xử trí với con cháu vậy.

153…. Trong cái tràng danh lợi tội ngũ hình đều đủ, sống ung  dung với mọi việc thời trăm sự chướng ngại về không. Vui sinh ra lo, lo sinh ra vui, chúng cứ lẫn quẫn trong vòng tuần hoàn không bao giờ hết, như trước không có vật gì bỗng nhiên  có thì liền vui, mất rồi lại có được lại càng vui. Người thông đạt  khi được biết sau này sẽ mất, khi mất đi thì xem như vốn dĩ xưa  nay ta thật chưa có gì, bởi thế cho nên họ không lo không buồn  vậy.

154…. Thế gian mọi việc không có gì là vẹn toàn cả, đi đến đâu  cũng nên nhìn cho thấu, đời người trăm năm như giấc mộng nên trong  tâm chớ hồ đồ….

image_pdfimage_print

Trả lời

Điện thoại
Messenger
Zalo
Facebook
Liên hệ