Nghe bài viết
|
TIỂU SỬ
SAINT AUGUSTINE (354 – 430), triết gia giáo phụ La Mã vĩ đại nhất và là một trong những học giả Tây phương nổi trội nhất của Ki-tô giáo .
Augustine sinh tại Tagaste, Numidia (nay là Souk – Ahras, Algerial). Cha ông, Patricius (mất năm 371) là một người ngoại giao (về sau cải sang đạo Kitô), trong khi mẹ ông, Monica, là một tín hữu Kito giáo thuần thành; bà đã dốc sức không mệt mỏi trong việc cải đạo của con trai và bà đã được giáo hội Kitô giáo La Mã phong thánh. Ngay từ thủa thiếu thời Augustine chỉ say mê những thú vui và thành công vật chất, trần tục. Đã có lúc ông mơ ước sau này trở thành luật sư, một nghề nghiệp mà ông nhận định rằng, càng nói dối nhiều càng thành công nhiều. Từ năm 15 đến 30 tuổi, Augustine sống với một người đàn bà rất phóng túng và năm 372, hai người sinh được một con trai đặt tên là Adcodatus (tiếng La tinh có nghĩa là tặng vật của Thiên Chúa”). Về sau, trong Thú Nhận, cuốn tự truyện đầu tiên theo đúng nghĩa hiện đại, ông kể lại chi tiết câu chuyện lôi cuốn về thời thơ ấu của ông, chân dung cảm động về mẹ ông và những lời bộc bạch về những mối quan hệ tình dục bừa bãi khi ông còn trẻ. Ông viết: “Tôi đã làm tình trước khi biết yêu đương” và ”Lạy Chúa, xin cho con được trong sạch, nhưng không phải lúc này?” .
TRUY HỎI TRIẾT HỌC
Bị lôi cuốn bởi chuyên luận triết học Hortensius của nhà hùng biện kiêm chính khách La Mã Marcus Tullius Cicero, Augustine trở thành người tìm kiếm chân lý một cách say sưa. Ông, từ bỏ Kitô giáo ở tuổi thiếu niên, đi vào cuộc truy hỏi triết học qua nhiều hệ thống triết học khác nhau. Trong 9 năm, từ năm 373 đến năm 382, ông theo đạo Mani, một giáo thuyết của tiên tri người Ba Tư Mani, theo đósự ác được coi như một nguyên lý hữu thể luận đồng giá trị với sự thiện. Chính lý thuyết ấy đã làm ông hiểu được vì sao những đam mê xác thịt của ông lại có được sức mạnh bất khuất đến như thế. Nhưng nhờ việc nghiên cứu lý thuyết của Plotinus và các triết gia Plato mới, ông dã sớm từ bỏ được ảnh hưởng nhị nguyên của Mani giáo, vì theo Plotinus: chỉ có Đơn Nhất tức sự thiện nguyên thủy mới là nguồn suối và nguyên lý cho vạn hữu; trái lại sự ác chỉ là một khiếm khuyết sự thiện, không phải và không thể là một nguyên lý hữu thể luận đồng giá trị với sự thiện được. Rốt cuộc ông trở thành nhà hoài nghi toàn triệt về mặt triết học .
Vào khoảng năm 383, Augustine rời Carthage đến Rome, nhưng một năm sau ông chuyển đến Milan dạy thuật hùng biện. Tại đây, ông gặp giám mục St Ambrose lúc bấy giờ là gương mặt ưu tú nhất trong hàng giáo sĩ của nước Ý. Và một biến cố quyết liệt, được các triết sử gia gọi là sự quy hồi (conversion) đã xảy đến với Augustine. Chính ông đã tường thuật lại câu chuyện ấy. Một ngày kia, trong khi đang bị vật vờ, lạc lõng và đau thương dằn vặt, bỗng nhiên ông cảm thấy không sao cầm được nước mắt, lập tức ông ra vườn đi dạo và chợt nghe văng vẳng bên tai tiếng nói lặp đi lặp lại của một đứa trẻ: “Hãy cầm lấy quyển sách và đọc đi!”. Ông cảm nhận đây là một thánh lệnh, và ông lập tức mở kinh thánh và gặp ngay câu sau đây: ”.. .
không phải trong truy hoan và say sưa, không phải trong cám dỗ và dâm đãng, không phải trong tranh chấp và ghen tị. Nhưng hãy tham dự sự sống của Chúa Jesus Christ và đừng tìm cách thỏa mãn xác thịt nữa!”. Ông quyết định quy hồi Kitô giáo. Cùng với đứa con trai ngoài giá thú của mình, Augustine chịu phép rửa tội từ giám mục Ambrose ngay trước lễ Phục Sinh năm 387. Mẹ ông, lúc ấy đang sống cùng ông ở Ý, rất vui mừng, trước biến cố này và mãn nguyện vì những lời cầu nguyện và hy vọng của bà đã được đền đáp. Không lâu sau đó bà qua đời đúng vào lúc Augustine chuẩn bị xuống tàu trở lại Algeria .
GIÁM MỤC VÀ NHÀ THẦN HỌC
Augustine trở lại Bắc Phi và được thụ phong linh mục năm 391. Ông trở thành giám mục giáo phận Hippo (nay là Annaba, Algeria) năm 395, và giữ trọng trách này cho đến khi chết .
Đây là giai đoạn đầy xáo động về chính trị và thần học, vì trong lúc những kẻ man rợ gây sức ép, thậm chí đánh bại cả đế quốc La Mã vào năm 410, thì phái ly giáo và dị giáo cũng đe dọa giáo hội. Augustine một lòng một dạ dấn thân vào cuộc tranh dấu về thần học. Bên cạnh việc chiến đấu với phái dị giáo Mani, Augustine còn tham gia tranh luận trong hai cuộc xung đột thần học trọng yếu. Một là với giáo phái Donatus, một giáo phái cho rằng, các phép bí tích là vô giá trị trừ phi chúng được ban hành bởi những tu sĩ vô tội. Cuộc xung đột thứ hai là với giáo phái Pelagius, được sáng lập bởi một thầy tu người Anh đương thời, kẻ phủ nhận học thuyết tội tổ tông. Trong suốt cuộc xung đột dài dòng và quyết liệt này, Augustine diễn giải các lý thuyết của ông về tội tổ tông và thiên sủng, thần quyền và tiền định. Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã tìm thấy sự thỏa mãn đặc biệt trong những khía cạnh mang tính thiết chế hoặc giáo hội của những học thuyết của St.Augustine; thần học Kitô giáo La Mã lẫn Tin Lành đều dựa phần lớn vào những phương diện thuần túy thần học hơn của chúng. John Calvin và Martin Luther, hai nhà lãnh đạo phong trào Cải cách tôn giáo ở châu Âu thế kỷ XVI, đều là những người nghiên cứu sâu sắc tư tưởng của Augustine .
Học thuyết Augustine đứng giữa hai cực đoan của giáo phái Pelagius và giáo phái Mani .
Chống lại học thuyết Pelagius, ông chủ trương rằng, sự bất phục tùng về tinh thần của con người dẫn đến tình trạng tội lỗi là bản tính con người bất lực không thay đổi được. Trong thần học của ông, đàn ông và đàn bà được cứu rỗi bởi ân sủng của thánh thần; chống lại giáo phái Mani, ông ra sức bảo vệ vai trò của sự tự nguyện trong mối hợp tác với ân sủng. Augustine mất tại Hippo; ngày 28/8/430 .
TÁC PHẨM
Chỗ đứng xuất chúng của Augustin trong hàng ngũ các giáo phụ và học giả của Giáo hội có thể sánh với chỗ đứng của St. Paul trong hàng ngũ các thánh tông đồ của Jesus. Với tư cách là tác gia, Augustin trước tác rất phong phú, thuyết phục và là người có phong cách trác tuyệt .
Tác phẩm trứ danh nhất của ông là Confes-sions (Thú Nhận) mang tính chất tự truyện (khoảng năm 400), kể về cuộc sống thời trẻ và sự cải đạo của ông. Trong tác phẩm biện giải Ki-tô giáo) vĩ đại The City of God (Vương quốc của Chúa; 413 – 426), Augustine diễn giải một triết học về lịch sử mang tính thần học. Mười trong 22 tập của tác phẩm này tập trung vào cuộc luận chiến chống lại thuyết phiếm thần; 12 cuốn còn lại truy tầm nguồn gốc, sự tiến diễn và vận mệnh của giáo hội và chính thức hóa nó như là người kế tục thích đáng của chủ nghĩa ngoại giáo. Năm 428, Augustine viết Retractions (Hủy bỏ), trong đó ông đưa ra những nhận định chung thẩm về những tác phẩm trước đây của ông, chỉnh lý tất cả những gì mà trí phán xét chín chắn hơn của ông nhận thấy là lầm lạc hoặc sai. Những trước tác khác của ông bao gồm: Thư từ, trong đó có 270 bức thư do tu viện Bencdict xuất bản, ghi ngày tháng, khác nhau từ năm 386 đến năm 429; những chuyên luận của ông Về tự nguyện (388 – 95), Về giáo lý Thiên Chúa giáo (397), Về Phép rửa tội (Chống lại Giáo phái Dotism; 400), Về Chúa Ba ngôi (400 – 416), Về bản tính và ân sủng (415); Những bài thuyết giảng dựa trên kinh thánh .
Works
On Christian Doctrine
Retractationes
On the Trinity
City of God
On Free Choice of the Will